Đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với Hội phụ nữ là mô hình hiệu quả, thiết thực
(ĐCSVN) - Hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền huyện với Hội phụ nữ là mô hình thiết thực, góp phần làm rõ thực trạng, những vấn đề đang được quan tâm của phụ nữ, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như công tác thực hiện bình đẳng giới ở địa phương trong thời gian qua, từ đó, kịp thời đưa ra những nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát huy vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ trong thời gian tới.
Quang cảnh Hội nghị đối thoại. |
Thực hiện chương trình công tác năm 2023, Hội LHPN huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị đối thoại giữa đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền huyện với Hội phụ nữ với cán bộ, hội viên, phụ nữ năm 2023. Tại hội nghị đối thoại, các đại biểu và hội viên Hội LHPN huyện được nghe báo cáo về tình hình, kết quả các mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; công tác tuyên truyền thực hiện Luật Bình đẳng giới…
Trong không khí dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, nhiều ý kiến của cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, phụ nữ. Các câu hỏi tập trung vào nhóm vấn đề về: chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; quản lý đất đai; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nước sạch cho nông thôn; an toàn giao thông; an toàn cho trẻ em; kinh phí hoạt động hội phụ nữ cấp xã, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới - nâng cao quyền năng của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế.
Các hội viên phụ nữ, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số đặt câu hỏi đối thoại tại Hội nghị |
Tại Hội nghị đối thoại, Hội LHPN huyện kiến nghị cấp có thẩm quyền, xem xét quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí cán bộ nữ; có cơ chế chính sách hỗ trợ, đặc biệt là cán bộ nữ ở cơ sở xã, thị trấn khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; có giải pháp tháo gỡ, động viên người hoạt động không chuyên trách để họ yên tâm công tác tại các thôn, bản, tiểu khu; chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới thành lập theo đề án phát triển doanh nghiệp huyện Ngọc Lặc giai đoạn 2017 – 2025.
Các hội viên phụ nữ, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số đặt câu hỏi đối thoại tại Hội nghị |
Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, những ý kiến, kiến nghị của đại biểu được các đồng chí chủ trì và lãnh đạo các ban, ngành địa phương lắng nghe, chia sẻ, giải đáp, trả lời về những nội dung: phát triển kinh tế; an sinh xã hội, bình đẳng giới; cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông… trên địa bàn huyện Ngọc Lặc.
Nhiều vấn đề, ý kiến của hội viên phụ nữ đã được các ngành chức năng của huyện cũng như lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương làm rõ, giải thích ngay tại Hội nghị. Ngoài ra, những ý kiến không thuộc thẩm quyền của huyện được các đồng chí chủ tọa tiếp thu, tổng hợp để kiến nghị cấp trên có thẩm quyền tiếp tục xem xét, giải đáp kịp thời.
Quang cảnh Hội nghị đối thoại |
Phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Bùi Huy Toàn – Phó bí Thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh, lãnh đạo huyện luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp… Hội nghị cũng là dịp để cấp ủy, chính quyền huyện có điều kiện nắm bắt kịp thời, đầy đủ hơn những tâm tư, nguyện vọng, băn khoăn, vướng mắc, những vấn đề quan tâm của hội viên phụ nữ trong huyện cũng như tiếp nhận thông tin của Nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thông qua Hội nghị đối thoại, thay mặt lãnh đạo Huyện ủy, đồng chí Bùi Huy Toàn đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên phụ nữ; tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định theo thẩm quyền và tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách, những giải pháp, chương trình, đề án hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, xã hội; quan tâm chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển toàn diện cho phụ nữ; tạo cơ hội cho phụ nữ học tập, phấn đấu, rèn luyện, phát triển và cống hiến cho sự phát triển chung, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới ở địa phương.
Đồng chí Bùi Huy Toàn cho rằng, Hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền huyện với Hội phụ nữ là mô hình thiết thực, góp phần làm rõ thực trạng, những vấn đề đang được quan tâm của phụ nữ, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như công tác thực hiện bình đẳng giới ở địa phương trong thời gian qua, từ đó, kịp thời đưa ra những nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát huy vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ trong thời gian tới. Cũng như kịp thời thông tin tuyên truyền, giải thích để hội viên, phụ nữ và Nhân dân hiểu rõ, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.