Đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ của Tòa án
(ĐCSVN) - Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức cán bộ của Tòa án là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm quán triệt, phổ biến và triển khai các chủ trương, những việc cần làm ngay trong công tác tổ chức cán bộ của hệ thống Tòa.
Trong hai ngày 16-17/4, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức cán bộ. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang tích cực thực hiện việc tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình cho biết: Là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, trong những năm qua, nhất là sau khi Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức TAND 2014 có hiệu lực thi hành, cùng với việc triển khai thi hành các quy định mới về mô hình, tổ chức và hoạt động theo tinh thần cải cách tư pháp (CCTP) đã được cụ thể hóa tại các đạo luật nêu trên, hệ thống Tòa án đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều giải pháp về công tác cán bộ; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, gắn liền với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chủ đề “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ công chức TAND”.
Trong năm 2016, 2017, hệ thống Tòa án cũng đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Đồng thời, triển khai nghiêm túc việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất của đội ngũ cán bộ, Thẩm phán. Ban cán sự Đảng TANDTC đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật; động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ, như: xây dựng chỉ tiêu thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; ban hành quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân.
Theo Chánh án, trong tình hình hiện nay hoạt động xét xử của Tòa án đang đứng trước nhiều thách thức như dự báo nhiều loại tranh chấp mới chưa có tiền lệ với diễn biến phức tạp hơn, trong bối cảnh tình hình số lượng các loại vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án tăng hằng năm, các Tòa án nhân dân được đổi mới cả về tổ chức, bộ máy và mở rộng về thẩm quyền nhưng không được bổ sung về biên chế vì phải thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, công tác tổ chức cán bộ của Tòa án cần phải được đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TH).
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Để tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác tổ chức cán bộ, góp phần tạo thế và lực bền vững cho sự phát triển của hệ thống tòa án trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, trong thời gian tới, hệ thống Tòa án cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể để tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Hội nghị đã được nghe Báo cáo tóm tắt công tác tổ chức cán bộ của Hệ thống TAND; dự thảo Nghị quyết của Ban cán sự đảng TANDTC về việc lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ của TAND; dự thảo Bộ quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp Thẩm phán và các nội dung chính của Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong TAND.
Tại Hội nghị, các đại biểu cần tập trung thảo luận sâu về thực trạng và 14 nhiệm vụ về công tác tổ chức cán bộ, dự thảo Bộ quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp Thẩm phán…Trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, các ý kiến đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện, đổi mới các quy định, quy chế về công tác tổ chức, cán bộ của hệ thống tòa án; xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán đủ phẩm chất, năng lực theo yêu cầu của nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập của đất nước.
Theo báo cáo TANDTC: Đến nay, các Tòa án đã cơ bản thực hiện đủ số lượng biên chế, Thẩm phán được giao. Việc bổ nhiệm Thẩm phán được thực hiện thông qua thi tuyển theo đúng quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý đều trên cơ sở quy hoạch và đúng quy trình, phương án nhân sự; Việc đào tạo nguồn Thẩm phán và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Thẩm phán được tiến hành thường xuyên, liên tục. Công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, nhất là Thẩm phán tiếp tục được tăng cường. Tổng số Hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 của 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 710 Tòa án nhân dân cấp huyện là 16.702 người.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức bộ máy giúp việc của các Tòa án nhân dân còn chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; Số lượng biên chế, Thẩm phán của Tòa án nhân dân các cấp chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu. Chất lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong Tòa án nhân dân các cấp chưa đáp ứng yêu cầu; còn thiếu nhiều các chức danh tư pháp, nhất là Thẩm phán ở các Tòa án nhân dân cấp huyện…/.