Độc đáo chợ phiên Mèo Vạc
(ĐCSVN) - Chợ phiên Mèo Vạc chỉ họp một lần vào Chủ nhật mỗi tuần không biết từ bao giờ đã gắn bó với đời sống của bà con các dân tộc huyện Mèo Vạc và vùng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Vào ngày họp chợ phiên, bà con các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô… nơi biên cương Tổ quốc không chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn coi ngày họp chợ là dịp giao lưu, tâm tình, chia sẻ những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
Một góc bán đồ khô ở chợ Mèo Vạc |
Sắc màu chợ phiên vùng cao
Khác với những buổi chợ miền xuôi ngày nào cũng họp, chợ phiên Mèo Vạc chỉ họp vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Đồng bào nơi đây không chỉ coi phiên chợ là chỗ mua sắm các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày mà còn coi ngày họp chợ là dịp giao lưu, tâm tình, đây là giá trị đặc biệt của chợ phiên vùng cao Mèo Vạc.
Trong hơi lạnh man mác, chảng vảng sương sớm của miền núi, các ngả đường đến chợ đã rộn ràng tiếng xe cộ, nô nức tiếng nói cười, người thì đi trên xe thồ, xe gắn máy, người thì đi bộ từ triền núi, xuống chợ với vẻ háo hức, khẩn trương. Ngay từ lúc trời mới tờ mờ sáng, đồng bào người Mông, Dao, Lô Lô, Nùng... ai nấy cũng xúng xính trong trang phục truyền thống thật đẹp xuống chợ để bắt đầu cho buổi họp chợ đã được “hẹn trước”. Bởi lẽ, với đồng bào, xuống chợ là đi chơi chợ, do đó mỗi người xuống chợ đều diện những bộ đồ đẹp nhất, màu sắc rực rỡ nhất, đặc biệt là chị em phụ nữ. Là chợ phiên vùng cao lớn nhất Hà Giang, quy tụ lượng người từ hàng chục xã trong và ngoài huyện nên chợ phiên Mèo Vạc vào ngày Chủ nhật chẳng khác nào một bông hoa rực rỡ sắc màu giữa vùng cao nguyên đá.
Nét văn hoá đặc biệt không thể mai một
Đến chợ Mèo Vạc, người dân không chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn coi ngày họp chợ là dịp giao lưu, tâm tình. |
Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, giao lưu của người dân, huyện Mèo Vạc đã quy hoạch chợ một cách quy củ. Vì thế, các mặt hàng được người dân bày bán theo dãy, rất dễ cho người tìm mua và so sánh lựa chọn. Đầu chợ là những dãy hàng nông sản và phân bón, tiếp theo là dãy hàng chuyên bán rượu của các chị em, họ đứng thành hàng dài trong chợ, phía trước mặt cũng là cả một hàng dài can đựng đầy rượu ngô luôn sẵn sàng cho khách mua múc rượu uống thử. Tiếp theo là những dãy hàng quần áo, dãy hàng nông cụ, tiếp nữa là nhóm nhỏ các cô bé, cậu bé ôm gà ra chợ bán, vừa chờ khách hỏi mua vừa rộn ràng câu chuyện với những người xung quanh. Đến chợ, hầu như người nào cũng mang theo ít nhất là một loại sản vật quen thuộc do người dân tự sản xuất mang bán, trao đổi như: Rau củ, nông cụ sản xuất, đồ vải lanh, thổ cẩm truyền thống, gia vị, đồ ăn, thảo dược… Người dân đưa hàng hóa về bán và gần như không nói thách giá, không có chuyện ép mua, ép bán, bán không hết người dân lại mang hàng hoá về đợi đến phiên chợ sau.
Ở một góc cuối khu chợ Mèo Vạc là khu chợ gia súc khổng lồ, tập trung hàng trăm con trâu, con bò đeo lắc nức tiếng của vùng cao nguyên đá, cả những con dê, con lợn Lũng Pù cắp nách bản địa nổi tiếng của miền đất Mèo Vạc hay những chú chó Mông đuôi cộc nổi tiếng cũng được người dân mang đến bán.
Hai chú lợn Lũng Pù theo chủ về nhà mới. |
Vợ chồng chị Phàn Thị Thà, dân tộc Dao, ở thôn xóm mới, thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang có mặt tại khu chợ trâu, bò từ sáng sớm để chọn được chú bò tốt cho gia đình. Chị hồ hởi chia sẻ: “Hôm nay mình cùng chồng đi xem bò, chúng mình đi sớm lắm để chọn được con đẹp. Chồng mình chọn được rồi nên vui lắm, cứ muốn dắt bò về nhà luôn, còn mình muốn vào chợ chơi tiếp, rồi muốn nói chuyện với mọi người nữa”.
Không đi cùng người nhà giống chị Thà, anh Thò Mí Sình, ở xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang mang đến chợ phiên 2 chú chó Mông đuôi cộc để bán lấy tiền cho vụ ngô sắp tới. “Mình mang chó đi bán lấy tiền lo cho vụ ngô đấy, nhưng người ta trả rẻ quá, hết sáng mình lại mang về thôi. Mình nói giá 3 triệu một con là hợp lý mà, giống này đắt lắm, chó nhà mình lại thông minh, khoẻ mạnh, lông màu nâu đỏ đẹp hiếm có nữa”, anh Thò Mí Sình cho biết.
Với tư duy đi chơi chợ, nên khu ẩm thực tại chợ Mèo Vạc chiếm một không gian riêng, rất rộng lớn và cũng là nơi hút người dân nhiều nhất, các thức quà như: Mèn mén, thắng cố, bánh đá nướng, bánh rán, quán phở thơm sực mũi khiến ai đi qua cũng muốn dừng lại nếm thử…
Với những sắc màu đậm đà như vậy, chợ phiên Mèo Vạc trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách mỗi khi đến Hà Giang. Không gian văn hóa chợ Mèo Vạc để lại những cảm nhận rất đặc biệt cho mỗi du khách khi đến đây.