Doanh nhân đồng hành cùng đất nước
(ĐCSVN) - Doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò rất quan trọng, là lực lượng chủ đạo trong việc phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay, trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn khôi phục nền kinh tế trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, thì hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân cần thể hiện bản lĩnh của mình đồng hành cùng đất nước.
Đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh gia đình là lực lượng tạo ra của cải cho xã hội (Ảnh: M.P) |
Từ khi Đảng ta xác định và nhất quán chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời công nhận, tôn trọng và xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng cho các thành phần kinh tế, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu như hiện nay, nhất là đã có những doanh nghiệp, doanh nhân trở thành niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam.
Minh chứng rõ nét nhất là trong nhiệm kỳ 2016-2020, với cộng đồng doanh nghiệp, dấu ấn lớn nhất là việc Đảng ta đã ban hành một hệ thống Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta và đặt ra yêu cầu phải vươn tới các chuẩn mực phổ biến của các nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Về lĩnh vực kinh tế, thành quả lớn nhất là Chính phủ đã thiết lập được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, được thể hiện ở việc kiềm chế lạm phát, nợ công ở mức thấp, xuất khẩu ở mức kỷ lục, dự trữ ngoại tệ tăng cao… kinh tế vĩ mô ổn định tạo dư địa cho các chính sách tài khoá, tín dụng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo bệ đỡ rất quan trọng để chúng ta có thể vững vàng, ổn định đất nước, kiên cường chống chịu và duy trì tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn.
Ngoài những thành công về kinh tế - xã hội trong nước, vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế đã được tăng cường. Việt Nam đã ghi dấu ấn không chỉ là thành viên tích cực, có trách nhiệm mà còn là thành viên có khả năng dẫn dắt, đóng vai trò kiến tạo trong cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, trong năm 2020, là một năm vô cùng gian nan trong bối cảnh những thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức bất ngờ và phức tạp. Với sự đồng hành của Chính phủ, với sự kiên cường, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã trụ vững và vượt qua khó khăn trong năm 2020. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để Việt Nam có được thành quả tăng trưởng dương trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang lún sâu vào suy thoái và đây cũng là năm mà cộng đồng doanh nghiệp nhận thức rõ hơn yêu cầu về tăng cường khả năng chống chịu và định hướng phát triển bền vững.
Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng đã nâng lên một quan điểm mới hơn, đó là kinh tế tư nhân là động lực phát triển của đất nước. Đảng cũng đã đánh giá cao vai trò của các kiều bào từ nước ngoài và xem đây là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam. Chính nhờ vậy, mà các doanh nhân, doanh nghiệp từ nước ngoài mới về đầu tư và hằng năm mang một lượng kiều hối lên đến 18 tỷ USD cho đất nước.
Doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò rất vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tôn vinh. Cụ thể, tất cả những công trình mọc lên trên đất nước chúng ta sau đổi mới có đến không dưới 60% là do các doanh nhân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tư nhân tạo ra. Đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh gia đình là lực lượng tạo ra của cải cho xã hội. Vì thế, lo cho các doanh nhân, lo cho các hộ gia đình chính là lo cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Bởi thực tế, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp chính là lực lượng quan trọng trong việc nộp ngân sách cho Nhà nước để duy trì bộ máy công quyền, chăm lo cho cuộc sống dân sinh. Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân cũng chính là lực lượng thực hiện các chính sách từ thiện, nhân đạo. Chúng ta thật sự tự hào vì sự tham gia của các doanh nhân trong công cuộc phòng, chống dịch trên cả nước hiện nay.
Đất nước chúng ta chỉ có thể mạnh lên khi doanh nghiệp mạnh, doanh nhân mạnh, doanh nhân giàu. Vì thế, thước đo kinh tế đất nước là thước đo trách nhiệm với doanh nhân và hình ảnh của doanh nhân với đất nước.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, gần hai năm qua trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, cộng đồng doanh nghiệp đã luôn cố gắng, dũng cảm, kiên cường trụ vững để đóng góp vào tăng trưởng, lo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách.
Và ngay trong bối cảnh thua lỗ, khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đi đầu trong việc ủng hộ cho quỹ vaccine phòng COVID-19, cho các hoạt xã hội từ thiện, ủng hộ cho người lao động, người nghèo những đối tượng yếu thế với kinh phí nhiều ngàn tỷ đồng… Có doanh nghiệp đã tiên phong trong đầu tư sản xuất thiết bị y tế, vaccine, góp phần bảo đảm tự chủ nguồn cung ứng vaccine cho đồng bào mình. Đó là những nghĩa cử rất đáng khuyến khích, tôn vinh.
Phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm sẽ là hệ giá trị định hình đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cỗ xe tam mã: kinh tế tư nhân, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ là động lực phát triển của đất nước. Có thể trong lĩnh vực quản trị tài chính, nhân sự, công nghệ hay tiếp thị… thì doanh nhân của chúng ta cần rất nhiều thời gian để khép lại khoảng cách so với các nền kinh tế hàng đầu của thế giới, nhưng trong định hướng phát triển một nền kinh tế nhân văn, sáng tạo thì doanh nghiệp Việt Nam có điểm trội để vượt lên. Đó là tố chất của con người và xã hội Việt Nam, là thương hiệu nội sinh, là năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Đất nước luôn đặt niềm tin ở cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Quan niệm đó, chủ trương đó không phải ngẫu nhiên mà có, nó là sự đúc kết, sự trân trọng và nhất quán trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng ta, Chính phủ và nhà nước đối với đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.
Và cũng không phải ngẫu nhiên, Đảng ta đã ra hẳn một hệ thống các nghị quyết về phát triển các thành phần kinh tế yêu cầu cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, của kinh tế tập thể và nhấn mạnh vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt tên nghị quyết về kinh tế tư nhân là Nghị quyết 10 để gửi gắm một niềm tin: cùng với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam tới đích mạnh giàu, giống như khoán 10 trong nông nghiệp hơn 30 năm về trước đã mở đầu cho hành trình Đổi mới ở Việt Nam.
Ngay ngày hôm qua (12/10), nhân buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh với UBND Thành phố cùng các sở, ngành về việc thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19; các giải pháp để kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới, đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đến nay, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm trong việc phòng chống dịch, TP Hồ Chí Minh đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Có được kết quả đáng ghi nhận là nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo, nhân dân Thành phố, lực lượng tuyến đầu, lực lượng thiện nguyện, đồng bào cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã tận nghĩa, tận lòng, chung sức đồng lòng chống dịch, hỗ trợ an sinh xã hội.
Cũng trong ngày 12/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam để gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Ghi ghi nhận, biểu dương những đóng góp, lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân và khẳng định tiếp tục chia sẻ, đồng hành với đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ mong muốn đội ngũ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục lớn mạnh, trưởng thành, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trước đó, trong buổi đến thăm và làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gặp gỡ đại diện giới doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành trọn hơn ba tiếng đồng hồ để nghe các doanh nhân trải lòng về những tâm huyết của các doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau tác động từ dịch COVID-19.
Lắng nghe tất cả tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chia sẻ với những khó khăn, mất mát, thiệt hại to lớn mà người dân và các doanh nghiệp đã và đang phải gánh chịu trong thời gian vừa qua.
Một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, là lực lượng chủ lực, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống. Vị trí vai trò này không chỉ nói chung chung, mà đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, ngay cả trong Văn kiện Đại hội Đảng cũng đã xác định vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân.
Có thể thấy rõ, Đảng ta, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc và nhất quán vai trò, vị thế của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong xây dựng, bảo vệ và góp phần kiến thiết một đất nước Việt Nam hùng cường từ đói nghèo, gian khó.
Nhất là hiện nay, trong bối cảnh cả nước đồng lòng bước vào giai đoạn khôi phục nền kinh tế đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 thì hơn lúc nào hết cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân cần thể hiện bản lĩnh của mình đồng hành cùng đất nước. Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn cần cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân hiến kế và đồng hành cùng đất nước vượt khó khăn./.