Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Doanh nghiệp Việt đã quan tâm thương mại điện tử đúng mức?

Thứ Ba, 05/10/2021 21:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hàng Việt đang bị lép vế trên sàn thương mại điện tử do chất lượng và tính cạnh tranh của hàng Việt còn thua xa hàng ngoại. Chưa tới 20% nhóm các mặt hàng được tìm mua trên sàn thương mại điện tử là hàng Việt Nam, khảo sát của iPrice Group cho thấy.

Theo iPrice Group, khảo sát thông qua việc đếm số lượt tìm kiếm và click vào sản phẩm, đơn vị đã phát hiện ra thực tế là trong top 1.200 mặt hàng được tìm mua nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Ngược lại, có đến 83% số sản phẩm được quan tâm là hàng ngoại nhập.

 Tỷ lệ hàng Việt trong top 1.200 bán chạy chỉ chiếm 20% trong thời điểm dịch năm 2020. 

Con số này còn có dấu hiệu suy giảm từ 2020 sang 2021. Tỷ lệ hàng Việt trong top 1.200 bán chạy chỉ chiếm 20% trong thời điểm dịch năm 2020. Tỷ lệ riêng trên các sàn lần lượt là Sendo (25%), theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).

Bước sang nửa đầu năm 2021, các mặt hàng trong nước chỉ còn chiếm 14% trong top bán chạy. Dẫn đầu trong chỉ số này tiếp tục là Tiki (21%) và Sendo (16%).

Một số ý kiến cho rằng, chuyện hàng Việt bị lép vế trên sàn thương mại điện tử là chuyện bình thường khi chất lượng và tính cạnh tranh của hàng Việt còn thua xa hàng ngoại. Bên cạnh đó, những cái tên trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay đều được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư ngoại - những ông lớn trong khu vực.

Trước đó, năm 2019 thị trường thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự ra đi của một loạt trang mua sắm trực tuyến như: Robins.vn (trước đó được biết đến nhiều với cái tên Zalora), Adayroi.vn và Lotte.vn. Trước đó, Thế giới di động cũng đã cắt đi vuivui.com, trang thương mại điện tử rất được lãnh đạo chuỗi này kỳ vọng.

Sau khi Adayroi.com, Lotte.vn, vuivui.vn bỏ cuộc chơi, các trang thương mại điện tử tổng hợp tại Việt Nam chỉ còn đúng 4 cái tên đáng chú ý nhất: Lazada, Sendo, Tiki, Shopee. Cả 4 cái tên kể trên đều được hỗ trợ bởi những ông lớn trong khu vực, chủ yếu đến từ Trung Quốc, có kinh nghiệm trong việc phát triển thương mại điện tử và nguồn vốn khổng lồ.

Trong nhiều lần trao đổi, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, đã cảnh báo thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bị nước ngoài chi phối giống như thương mại bán lẻ trực tiếp. Các doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp có sẵn mạng lưới, sẵn thương hiệu, tránh kiểm tra nhu cầu kinh tế của Nhà nước Việt Nam nên một năm họ có thể có mấy chục mạng lưới. Thương mại điện tử cũng diễn ra y hệt như vậy, cũng xâm nhập thị trường, xâm nhập cả sản xuất và phân phối..., có khác chăng chỉ là một cái click chuột.

Theo ông Phú, là có cơ sở bởi khi các tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc đổ bộ sẽ kéo theo sự xâm nhập của nguồn hàng Trung Quốc giá rẻ, đồng thời sức cạnh tranh của hàng Việt cũng bị bào mòn. "Ai đi đầu tư cũng muốn bán hàng của đất nước mình, cái chính là Việt Nam phải làm chủ được sân nhà. Thương mại điện tử Việt Nam phải làm tử tế để giữ khách hàng, giữ thị phần và phải gắn với việc sản xuất tử tế. Nếu không tạo được niềm tin cho khách hàng thì tự nhiên Việt Nam sẽ dâng thị phần cho nước ngoài", ông Vũ Vinh Phú nói.

Trong khi đó, trao đổi trên báo chí, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch sàn thương mại điện tử Sendo cho rằng con số 20% là sát thực tế. Lý giải con số này, ông Dũng  nhận định, doanh nghiệp Việt chưa quan tâm thương mại điện tử đúng mức. "Hai năm cùng Bộ Công thương đưa hàng Việt lên thương mại điện tử, chúng tôi gặp nhiều đơn vị hoàn toàn dựa vào bán lẻ truyền thống, chứ ít nghĩ đến thương mại điện tử”, ông Dũng nói.

Dẫu vậy, thực tế số liệu đã cho thấy việc các sàn nội tạo điều kiện cho hàng Việt là một mặt nhưng để hàng Việt phổ biến hơn trên thương mại điện tử thì cần xuất phát từ chính bản thân nỗ lực của doanh nghiệp trong nước./.

Nguyễn Dung

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN