Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Diện mạo mới trên huyện vùng cao Sìn Hồ (Lai Châu)

Thứ Sáu, 30/12/2016 16:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đến với Sìn Hồ (Lai Châu) vào những ngày nắng hanh của mùa đông, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay hiện hữu của huyện nghèo vùng cao. Để có được diện mạo mới mẻ này là nhờ sự hỗ trợ nguồn lực từ các chương trình, chính sách xóa đói giảm nghèo của Nhà nước, trong đó có Chương trình 135.

Sự hỗ trợ hiệu quả từ các chương trình giảm nghèo

Những năm trước đây, từ cao nguyên cho đến các vùng thấp của huyện Sìn Hồ, hệ thống cơ sở hạ tầng có nhiều yếu kém. Nhưng nay, trên địa bàn huyện Sìn Hồ đã hiện hữu những con đường giao thông đã được bê tông hóa, những công trình thủy lợi mang nước mát đến tận các cánh đồng, những ngôi trường được xây dựng khang trang cho trẻ em khắp các thôn, bản…, và hơn hết, đời sống của hộ nghèo nơi đây đã có sự cải thiện đáng kể.

Có được kết quả đó là nhờ sự hỗ trợ hiệu quả từ các chương trình giảm nghèo dành cho Sìn Hồ. Tính riêng trong giai đoạn 2012-2015, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của Chính phủ, Sìn Hồ đã được đầu tư, hỗ trợ với tổng kinh phí 294 tỷ 215 triệu đồng. Trong 5 năm, huyện Sìn Hồ đã triển khai đầu tư 130 dự án xây dựng cơ bản với tổng kinh phí thực hiện 240 tỷ 490 triệu đồng. Với phương châm “cho cần câu, không cho cá”, huyện Sìn Hồ cũng đã tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị sản xuất cho bà con nông dân. Vì vậy, đã có 82.848 hộ nghèo được hỗ trợ phương tiện sản xuất với tổng số tiền lên tới 53 tỷ 725 triệu đồng, góp phần quan trọng để người nông dân canh tác trên ruộng đồng.

Cũng với nguồn hỗ trợ đó, huyện cũng đã tiến hành chọn các giống cây lương thực phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và địa hình nơi đây để hỗ trợ bà con nông dân gồm: các giống ngô lai, lúa lai, lúa thuần năng suất chất lượng cao; các loại vật nuôi có nguồn gốc rõ ràng, chủng loại tốt như: ngan lai Pháp, lợn Móng Cái, vịt bầu cánh trắng, gà mía, cá chép, trắm, rô phi đơn tính… Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ phân bón để các hộ nông chăm sóc cho từng loại cây trồng theo thời vụ và hỗ trợ kinh phí làm chuồng trại chăn nuôi, góp phần quan trọng để các xã của huyện tăng trưởng đàn gia súc và giảm cơ bản tình trạng gia súc chết đói, rét vào mùa đông.

Nhờ cuộc sống của bà con dần nâng lên nên ngày càng có thêm nhiều ngôi nhà mới được xây dựng
 làm cho bộ mặt nông thôn miền núi của Sìn Hồ thêm khởi sắc (Ảnh: Trần Quỳnh)

Bước sang năm 2016, huyện tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ rất nhiều các chương trình, chính sách dành cho người nghèo như: Chương trình 135; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo theo Quyết định 102; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định 755; chính sách vay vốn theo Quyết định 54…

Trong số đó, Chương trình 135 được đánh giá là một trong những chương trình đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, các xã nghèo trong huyện đã được quan đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi và cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế… Năm 2016, với tổng kinh phí được giao (đợt 1) là 5.099 triệu đồng, Chương trình đã thực hiện hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi cho bà con như: lúa, gà, vịt, ngan, dê, hỗ trợ phân bón, cấp các loại máy như: máy cày, máy tuốt lúa, máy sát thóc, tẽ ngô, máy bơm. Từ nguồn vốn của Chương trình, năm vừa qua đã có 11 công trình được tiến hành duy tu bảo dưỡng, trong đó có 7 công trình nước sinh hoạt, 3 công trình giáo dục, 1 công trình y tế, qua đó góp phần kéo dài tuổi thọ các công trình.

Nhận định về quá trình triển khai Chương trình 135, đồng chí Lê Thanh Dương, Phó Chủ tịch huyện Sìn Hồ cho biết: Chương trình 135 triển khai trên địa bàn huyện đến nay đã bước sang giai đoạn 3. Qua thực hiện cho thấy, bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi, đã xóa đói và tiến tới giảm nghèo, bình quân giảm nghèo đạt 4-5%/năm. Đến nay, bà con hầu như không còn đói triền miên, nghèo cùng cực như trước đây, chỉ còn đói giáp hạt, đứt bữa.

Cùng với Chương trình 135, trong năm 2016, Phòng Dân tộc cũng đã tham mưu cho UBND huyện ra Quyết định phê duyệt số hộ, số khẩu nghèo được hỗ trợ theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg cho hộ nghèo của 16/21 xã, tổng số hộ được hỗ trợ là 2.295  hộ với 11.289 khẩu, tổng số tiền hỗ trợ là 1.117.500.000 đồng. Từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định 755, trong năm 2016 cũng đã thực hiện hỗ trợ máy tẽ ngô cho các hộ nghèo trên địa bàn…

Đồng chí Dương chia sẻ thêm: các Chương trình, chính sách giảm nghèo nói trên được huyện lồng ghép thực hiện, qua đó đã đem lại cho Sìn Hồ một diện mạo mới mẻ về cơ sở hạ tầng nông thôn, nhân dân các dân tộc trong huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện sẽ xác định tiêu chí phấn đấu của từng xã, sau đó sắp xếp các thứ tự ưu tiên và tập trung nguồn lực theo thứ tự ưu tiên đó, tránh tình trạng manh mún, phân tán nguồn lực. Ví dụ như lồng ghép dự án trồng chè của Chương trình xây dựng Nông thôn mới với hỗ trợ giống cây con của Chương trình 135, tất nhiên việc lồng ghép vẫn đảm bảo yếu tố rõ ràng về nguồn lực để có thể thanh quyết toán, tránh vi phạm và vẫn tập trung theo đúng mục tiêu của chương trình đó.

Trong quá trình thực hiện, người dân được giao quyền tự chủ nhưng vẫn trên cơ sở có sự định hướng của cơ quan chuyên môn để tránh việc đầu tư không hiệu quả. Ví dụ, bà con thấy xã bên nuôi gà công nghiệp hiệu quả, cũng muốn nuôi gà, tuy nhiên gà công nghiệp ăn cám, bà con không biết lại cho ăn ngô dẫn đến chết gà. Có vùng nuôi dê hiệu quả, vùng khác thấy thế cũng muốn nuôi dê, tuy nhiên, dê chỉ phù hợp với vùng núi đá, ít làm nông nghiệp, ở vùng núi đất và trồng nông nghiệp thì không nuôi được dê vì dê phá hoại, đồi đất dê sẽ bị chết do đất nhét kẽ móng chân. Như vậy, bà con trồng cây gì, nuôi con gì cũng cần định hướng để việc tăng gia sản xuất phù hợp và có hiệu quả.

Những khó khăn, hạn chế…

So với nhiều địa phương khác trong cả nước, Sìn Hồ vẫn là một huyện nghèo, nằm ở vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, khí hậu khắc nghiệt, hay xảy ra thiên tai, cộng thêm trình độ dân trí thấp, các hủ tục lạc hậu vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức của người dân,... Theo chia sẻ của đồng chí Lê Văn Hà, Phó Trưởng phòng dân tộc huyện Sìn Hồ, những khó khăn nói trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân cũng như hiệu quả thực hiện các chương trình giảm nghèo. Điển hình như tại xã Xà Dề Phìn, anh Trung, Phó Chủ tịch xã cho biết, người dân ở đây đã chủ động làm kinh tế bằng việc trồng cây đẳng sâm, tuy nhiên do điều kiện địa hình phức tạp, lại xa trung tâm tỉnh (130 km) nên sau khi thu hoạch, mặc dù đã giảm giá thành sản phẩm từ 50 ngàn đồng/kg xuống còn 42 ngàn đồng/kg nhưng doanh nghiệp cũng chưa đồng ý thu mua.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo của Sìn Hồ hiện vẫn còn chiếm đa số, theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện Sìn Hồ vào cuối năm 2015 là 7.907 hộ, chiếm 52,52%. Lại thêm một bộ phận người dân chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước.

Tỷ lệ hộ nghèo cao 52,52% đang là một khó khăn rất lớn đòi hỏi sự nỗ lực cao của huyện Sìn Hồ
 trong công tác xóa đói giảm nghèo (Ảnh: Trần Quỳnh)

Trình độ năng lực và kinh nghiệm quản lý điều hành của một số cán bộ cơ sở còn hạn chế đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình. UBND các xã lần đầu được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án nên còn lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục theo quy trình để triển khai thực hiện, nhất là đối với việc lựa chọn đơn vị tư vấn, cung cấp dịch vụ và thực hiện công trình.

Đề xuất giải pháp giải quyết những khó khăn nói trên, đồng chí Lê Văn Hà cho biết thêm, trong thời gian tới Phòng sẽ phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn huyện đúng mục đích, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình đầu tư và các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc. Điều quan trọng nữa là cần tăng cường kiểm tra, giám sát nắm bắt tình hình thực hiện các Chương trình, chính sách giảm nghèo, kịp thời tháo gỡ và đề xuất hướng giải quyết các vấn đề vướng mắc ở cơ sở, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết tốt những vấn đề thắc mắc, kiến nghị của người dân… Qua đây, huyện cũng đề xuất với Chính phủ có những biện pháp đồng nhất để thực hiện các Chương trình, chính sách giảm nghèo, tránh tình trạng dàn trải./.

Phương Nghi

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN