Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Điện Biên Đông – Cần nhiều giải pháp để đẩy lùi “nỗi đau lá ngón”

Thứ Sáu, 23/12/2016 10:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) -Tuy đã được cảnh báo, song từ nhiều năm nay, huyện Điện Biên Đông luôn là một trong những “điểm nóng” ở tỉnh miền núi Điện Biên về tình trạng người dân tự tử bằng lá ngón. Tình trạng này không chỉ gây ra nỗi đau cho các gia đình nạn nhân mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn…

Cán bộ Hội LHPN huyện tuyên truyền về tác hại của lá ngón. Ảnh: PA

1001 lý do tìm đến là ngón

Xuất phát từ nhiều lý do, nhất là những hạn chế trong nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn nên những năm qua, tình trạng ăn lá ngón để tự vẫn ở huyện vùng cao Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) luôn là một vấn đề đáng báo động. Theo số liệu ghi nhận được từ Trung tâm Y tế huyện, trung bình mỗi năm Điện Biên Đông có hàng chục vụ tự tử bằng lá ngón. Riêng trong hai năm 2014 - 2015, trên địa bàn huyện đã có gần 200 trường hợp ăn lá ngón tự vẫn, trong đó có hơn 60 trường hợp tử vong. Số còn lại nhờ được phát hiện, điều trị sớm nên giữ được tính mạng song cũng phải gánh chịu những di chứng nặng nề do tác hại từ chất độc có trong lá ngón. Điều đáng nói là phần lớn những trường hợp tìm đến lá ngón để tự vẫn đều là phụ nữ đồng bào dân tộc Mông trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi với những lý do hết sức giản đơn.

Lá ngón là loại cây mọc tự nhiên rất phổ biến ở các xã, bản vùng cao của huyện Điện Biên Đông. Lá ngón có ở quanh vườn, trên nương, ngoài rẫy hoặc… bò sát vào vách nhà của người dân bản địa. Cùng với đó, một điều “đặc biệt” khác đó là đồng bào vùng cao ở Điện Biên Đông có cả ngàn lý do để tìm đến lá ngón. Nguyên nhân có thể do mâu thuẫn vợ chồng; trai gái yêu nhau nhưng gia đình hai bên ngăn cấm; bị bố mẹ mắng nặng lời; bị bạn bè hiểu lầm thậm chí có em gái 14 tuổi ăn lá ngón tự vẫn chỉ vì… điện thoại hỏng!

Theo số liệu của thống kê của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, nếu như 9 tháng đầu năm 2015, Điện Biên Đông có 68 trường hợp tự tử bằng lá ngón, trong đó, 14 trường hợp thiệt mạng; thì trong 9 tháng đầu năm 2016, các cơ quan chức năng đã ghi nhận có 73 trường hợp tự tử bằng lá ngón, trong đó có 29 người chết, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015. Tình trạng người dân tự tử bằng lá ngón “nóng” lên ở nhiều xã trên địa bàn huyện như xã Noong U có 11 trường hợp, trong đó có 3 người chết; xã Sa Dung có 9 trường hợp, trong đó có 7 người tử vong; xã Phì Nhừ 10 trường hợp, 4 người tử vong; xã Tìa Dình 8 trường hợp, 4 người tử vong… Đa số các trường hợp tự tử bằng lá ngón đều là người dân tộc Mông ở các bản vùng cao.

Ông Trần Văn Thượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: Vấn nạn tự tử bằng lá ngón thường xảy ra trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó, nhiều nhất là người Mông. Do đời sống kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế cộng với trạng thái tâm lý dễ bị kích động nên khi gặp chuyện buồn bực hay suy nghĩ tiêu cực, không ít người muốn "giải thoát" bằng cách hái lá ngón về ăn để tìm đến cái chết.

Cần nhiều hơn nữa những giải pháp “tổng lực”

Thực tế cho thấy, những bản làng vùng cao ở huyện Điện Biên Đông nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung đang gánh chịu những hậu quả nặng nề từ chính việc gia tăng tình trạng người dân tự tử bằng lá ngón. Không chỉ gây ra cái chết cho chính mình và để lại sự đau buồn cho người thân, vấn nạn tự tử bằng lá ngón còn gây ra nỗi ám ảnh, tâm lý bất ổn cho những người đang sống. Nhiều nạn nhân, dù có đến 4-5 mặt con nhưng vẫn sẵn sàng ăn lá ngón tự tử vì những lý do không đâu vào đâu, để lại đàn con nheo nhóc sống trong cảnh mồ côi, thất học. Nhiều gia đình mất đi lao động chính; những đứa trẻ mất cha, mất mẹ nên rơi vào hoàn cảnh sống thiếu thốn, nheo nhóc cùng tâm lý tự ti khi đứng trước mọi người…

Tìm hiểu thực tế được biết, nhằm hạn chế tình trạng tự tử bằng lá ngón xảy ra trên địa bàn, thời gian qua, các ban, ngành chức năng huyện Điện Biên Đông đã có nhiều biện pháp quyết liệt để vận động, tuyên truyền, ngăn chặn với mục tiêu ưu tiên số một là thay đổi được nhận thức của người dân. Tuy nhiên, hiệu quả thu được vẫn chưa được như mong muốn bởi một bộ phận người dân còn coi thường mạng sống, chỉ một sự cố nhỏ về tâm lý cũng tìm đến cái chết.

Thiết nghĩ, để đẩy lùi “nỗi đau lá ngón” ở Điện Biên Đông, vấn đề quan trọng là phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong “cuộc chiến” chống lại loại lá “tử thần”. Trong đó, giải pháp cơ bản nhất để ngăn chặn tình trạng tự tử bằng lá ngón chính là tuyên truyền tới từng già làng, trưởng bản, hộ dân để người dân hiểu rõ hơn về tác hại của lá ngón. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi phát hiện các trường hợp tự tử bằng lá ngón, cần đưa ngay nạn nhân đến các cơ sở y tế để kịp thời chữa trị. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần triển khai các dịch vụ y tế đến các tuyến cơ sở như đội ngũ y tế thôn, bản để tạo thuận lợi trong tuyên truyền, vận động người dân. Tăng cường phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong tuyên truyền, vận động người dân cũng như phát hiện kịp thời những trường hợp có nguy cơ tự tử cao để hạn chế những đáng tiếc xảy ra. Thực hiện tốt những giải pháp nói trên sẽ là cơ sở để từng bước kiềm chế, đẩy lùi vấn nạn tự tự bằng lá ngón trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên Đông nói riêng và trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung./.

Tạ Phan Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN