Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Điểm đến xanh” và bài toán phục hồi du lịch

Thứ Tư, 17/11/2021 17:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của lĩnh vực du lịch. Ngay khi dịch bệnh được khống chế, nhiều địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động để kích cầu, phục hồi du lịch. Trong đó, xây dựng và kết nối những “điểm đến xanh” được coi là một hướng đi phù hợp, hiệu quả...

Xây dựng, kết nối các "điểm đến xanh" là xu thế phù hợp để du lịch sớm phục hồi sau dịch COVID-19. (Ảnh: PA). 

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, xây dựng và kết nối các “điểm đến xanh” vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để từng bước khôi phục hoạt động du lịch. Trong đó, các “điểm đến xanh” trước hết cần dựa vào thiên nhiên và văn hóa. Thực tế, việc xây dựng những “điểm đến xanh” đã được thực hiện gắn với phát triển các sản phẩm du lịch xanh, nhất là du lịch sinh thái, du lịch sinh thái cộng đồng gắn với các hoạt động như nghỉ dưỡng núi, thưởng thức ẩm thực và tìm hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số; thăm vườn quốc gia, tìm hiểu hệ động thực vật, đi thuyền khám phá cảnh quan thiên nhiên... Đây là những cơ sở làm tiền đề để kết nối các “điểm đến xanh” nhằm thu hút du khách và từng bước khôi phục hoạt động du lịch.

Tuy nhiên, theo dự báo các nhà khoa học, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục còn diễn biến phức tạp, nói cách khác, xã hội, các ngành kinh tế trong đó có du lịch sẽ buộc phải thích nghi theo hướng “sống chung với dịch COVID-19”. Do vậy, “điểm đến xanh” chỉ thực sự có ý nghĩa khi bảo đảm tốt các điều kiện an toàn dịch bệnh; phải đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống dịch và đảm bảo an toàn cả với du khách, người lao động và các hoạt động lữ hành, lưu trú, ăn uống... Cụ thể, tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 là điều kiện bắt buộc đối với du khách và người lao động nếu muốn tham gia hoạt động du lịch. Đồng thời, việc triển khai các chương trình du lịch gắn với các “điểm đến xanh” cần được thực hiện trên cơ sở phát huy vai trò của đơn vị lữ hành trong giám sát, kiểm soát chặt chẽ đối với toàn bộ quá trình tư vấn, cung cấp dịch vụ vận chuyển, ăn uống, lưu trú, tham quan... Việc kết nối khách du lịch từ “vùng xanh” với các “điểm đến xanh” phải bám sát các tiêu chí xác định “vùng xanh” của cơ quan quản lý y tế và chính quyền địa phương. Đặc biệt, du khách với vai trò là người có quyền lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, cần chủ động đề cao ý thức phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho bản thân và xã hội. Đồng thời, chỉ lựa chọn các điểm du lịch và đơn vị lữ hành bảo đảm tiêu chuẩn an toàn chung.

Công tác phòng, chống dịch cần thực hiện nghiêm trong triển khai các "điểm đến xanh". (Ảnh: TM). 

Ở hướng tiếp cận khác, trong bối cảnh virut tiếp tục xuất hiện những chủng biến thể mới, dịch COVID-19 chưa được khống chế toàn bộ, để các “điểm đến xanh” thực sự là hướng đi hiệu quả khi mở cửa trở lại ngành du lịch, yêu cầu khách quan đặt ra là cần tăng cường sự phối hợp giữa ngành Du lịch với chính quyền và các ngành chức năng địa phương. Ngành Du lịch và chính quyền các địa phương thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, tổ chức quán triệt, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch thực hiện nghiêm túc, triệt để và đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Cần tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho lực lượng lao động trong ngành Du lịch, để đáp ứng đòi hỏi của việc mở cửa và phục hồi ngành du lịch an toàn. Cần nghiên cứu, hoàn thiện Bộ tiêu chí an toàn đối với khách du lịch, các khu điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch...

Theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, để phát triển du lịch an toàn trong tình hình mới, phải bảo đảm sự kết nối an toàn giữa du khách và người lao động trong lĩnh vực du lịch, giữa các điểm đến với nhau và giữa các dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách. Trong tình hình dịch, cần tạo ra được các sản phẩm du lịch xanh, đó là du khách được kiểm tra phòng dịch hoặc đã được tiêm vắc xin phòng dịch; lộ trình dịch chuyển xanh; lưu trú xanh; vui chơi, giải trí xanh… cần sớm liên kết được các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết này với nhiều gói sản phẩm và giới thiệu đến du khách.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành Du lịch bị thiệt hại rất lớn sau 4 đợt bùng phát của dịch COVID-19. Du lịch Việt Nam đã thực sự chạm đáy khi không thoát khỏi tình trạng khủng hoảng chung của du lịch toàn cầu. Để mở cửa trở lại ngành du lịch, nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng và kết nối các “điểm đến xanh” với mục tiêu bảo đảm an toàn cho du khách, lao động du lịch, các dịch vụ và điểm đến. Từ đó, mang đến sự tin tưởng và yên tâm cho du khách khi lựa chọn sản phẩm. Duy trì và nhân rộng các “điểm đến xanh” vì vậy, vừa là mục tiêu, vừa là lời giải cho bài toán phục hồi du lịch, giúp khôi phục hoạt động du lịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, mở cửa từng bước, không ồ ạt, đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh./.

Thùy Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN