Dệt thổ cẩm ở Lâm Bình
(ĐCSVN) – Cùng sự đa dạng văn hoá của đồng bào Tày, Mông, Dao, Pà Thẻn... thì thổ cẩm là một nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Thời gian qua, nghề dệt thổ cẩm được hồi sinh là một nỗ lực để bảo tồn, phát huy văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Huyện Lâm Bình vùng đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo lên sự đa dạng văn hoá với nhiều giá trị tốt đẹp. Đồng bào các dân tộc nơi đây cần cù lao động sản xuất và gìn giữ, phát triển vốn văn hoá truyền thống, từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghề truyền thống (nghề dệt thổ cẩm, nghề thêu, nghề rèn, mây giang đan, nghề làm bún cổ truyền,…), các làn điệu dân ca, dân vũ (hát Then, hát quan làng, hát Páo dung, hát cọi, múa khèn,…), trò chơi dân gian, kiến trúc nhà ở như: Nhà sàn của người Tày, nhà đất của người Dao, Pà Thẻn, nhà trình tường của người Mông...
Du khách đến vùng đất này, bên cạnh việc thưởng lãm sự đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em, khách thăm còn có dịp tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống, một nét đặc sắc trong nghệ thuật chế tác những bộ trang phục truyền thống, góp phần tạo lên vẻ đẹp văn hoá mỗi dân tộc ở vùng đất này.
Nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc anh em sinh sống tại huyện Lâm Bình từ xa xưa. Từ nghề “canh cửi” truyền thống, một số dân tộc ở Lâm Bình nâng tầm trở thành nghệ thuật chế tác, định hình một thước đo đánh giá sự khéo léo tài năng của người phụ nữ. Trước khi đi lấy chồng các cô gái H’Mông phải biết thêu dệt, làm ra những tấm thổ cẩm để làm quà cưới biếu cha mẹ, người thân bên nhà chồng.
Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn ở Lâm Bình luôn tự hào về bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bằng sự tài hoa, với đôi bàn tay khéo léo, các bà, các chị người Pà Thẻn dệt lên những bộ váy áo cầu kỳ độc đáo, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Sự kỳ công chế tác trong chế tác thổ cẩm của người Pà Thẻn, thể hiện trong tính thẩm mỹ cao về ý tưởng, kỹ thuật tạo hình phối mầu nghệ thuật gắn kết với đời sống, văn hóa trên mỗi bộ trang phục Pà Thẻn. Những tấm thổ cẩm cũng là thước đo để đánh giá tài năng, sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ Pà Thẻn.
Dệt thổ cẩm bằng phương pháp thủ công của người Dao đỏ ở Lâm Bình. |
Theo chị Chúc Thị Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình: Để làm ra bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ phải trải qua nhiều công đoạn nuôi tằm, dệt vải, nhuộm màu, thêu hoa văn, chạm bạc họa tiết yếm, vòng cổ... nhưng ngày nay, đã lược đi một số công đoạn như nuôi tằm dệt, nhuộm vải do nhiều nguyên vật liệu có thể mua sẵn. Vì vậy, người Dao đỏ tập trung vào những họa tiết thêu trên váy, áo. Những họa tiết, hoa văn thường có 4 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng. Trong đó màu đỏ là chủ đạo, bởi người Dao đỏ quan niệm, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn trong cuộc sống.
Những năm gần đây huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi dệt thổ cẩm, qua đó nâng cao tay nghề, giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, xây dựng hình ảnh đẹp về vùng đất và người nơi đây với du khách. Ngoài kinh nghiệm của các bà, các mẹ chỉ bảo tại nhà, các bạn trẻ còn được theo học tại các lớp học, hướng dẫn các em thực hiện thành thạo nghề dệt, rèn kỹ năng thêu và cho ra các sản phẩm thổ cẩm đẹp, chất lượng tốt.
Cùng đó hợp tác xã thổ cẩm tại thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) ra đời là một nỗ lực gìn giữ và phát triển nghề dệt truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Thành lập từ đầu năm 2020, đến nay HTX đã có 20 thành viên, chủ yếu là những phụ nữ dân tộc Tày, Dao đã thành thạo nghề. Các sản phẩm HTX làm ra khá đa dạng, từ quần, áo đến đồ lưu niệm, chăn, mũ, khăn quàng thổ cẩm. Các sản phẩm có hoa văn chế tác tinh xảo, thêu dệt kỹ lưỡng làm bằng chất liệu truyền thống của đồng bào, nên các sản phẩm được du khách ưa chuộng.
Mô hình HTX này được kỳ vọng sẽ là mô hình hiệu quả để giải quyết công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương, giúp tạo sinh kế bền vững và nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.