Đề xuất định hướng tu bổ di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang
(ĐCSVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).
Một góc di tích đình Thổ Tang (Ảnh: PV) |
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1958/QĐ-TTg về nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường; Quyết định 1959/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô.
Theo Quyết định 1958/QĐ-TTg, Thủ tướng chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang với mục tiêu nhằm bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật di tích đình Thổ Tang thành nơi giới thiệu và tôn vinh văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam gắn với các thiết chế văn hóa làng xã, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa dân tộc; hình thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa hấp dẫn, kết nối với các di tích, điểm du lịch khác của tỉnh Vĩnh Phúc để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích khoảng 172.000 m2, bao gồm khu vực bảo vệ I và khu vực đệm phụ trợ. Quy mô lập quy hoạch có diện tích khoảng 6.392,7 m2, được xác định trên cơ sở giấy xác nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 5.410 m2 và 982,7 m2 giải phóng mặt bằng trong khu vực bảo vệ I của di tích.
Theo Quyết định 1959/QĐ-TTg, đối tượng lập quy hoạch là di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Bình Sơn, trong đó bao gồm không gian cảnh quan, môi trường xung quanh, các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di vật, hiện vật khảo cổ, lễ hội gắn với di tích.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích khoảng 116.000 m2, bao gồm khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II và khu vực xung quanh di tích. Bên cạnh đó, mục tiêu lập quy hoạch là bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa hấp dẫn, kết nối với các di tích, điểm du lịch khác của tỉnh Vĩnh Phúc để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh; định hướng kế hoạch, lộ trình và nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.