Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề xuất bổ sung hình thức đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội

Thứ Ba, 28/03/2023 16:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhằm thể chế hóa quan điểm, định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/T W về đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội, căn cứ trên bối cảnh thực tế, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định các nội dung về đầu tư các quỹ bảo hiểm: Bổ sung hình thức ủy thác đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội; bổ sung quy định hoạt động đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội được kiểm toán độc lập hàng năm.

Cần thiết bổ sung hình thức đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội 

Căn cứ quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2016/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó quy định cụ thể về nguyên tắc, các hình thức, việc xây dựng các phương án, phương thức và giao trách nhiệm cho Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội thông qua phương án đầu tư và giao cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trực tiếp thực việc đầu tư cụ thể theo quy định của pháp luật.

Hoạt động đầu tư từ Quỹ Bảo hiểm xã hội được thực hiện thông qua các hình thức như sau: Mua trái phiếu Chính phủ; cho ngân sách nhà nước vay; gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ảnh minh họa 

Thực hiện quy định này, hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội đang thực hiện đầu tư chủ yếu dưới 2 hình thức: Mua trái phiếu Chính phủ và gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại.

Trong khi đó, lãi suất từ trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm dần, việc gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cũng gặp nhiều hạn chế do vướng mắc về pháp lý và khả năng hấp thụ nguồn tiền của các ngân hàng thương mại. Do vậy, điều này về lâu dài làm ảnh hưởng đến kết quả đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội. Do vậy, việc bổ sung hình thức đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội là cần thiết để nhằm đa dạng các hình thức đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội là rất cần thiết. 

Đồng thời tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đã dành một nội dung riêng về định hướng cải cách trong đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội, cụ thể "Tăng cường công tác đánh giá, dự báo tài chính, hiệu quả đầu tư các quỹ bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu chính phủ dài hạn; nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của Quỹ thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế bảo đảm an toàn, bền vững".

Bổ sung hình thức ủy thác đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội 

Ảnh minh họa 

Nhằm thể chế hóa quan điểm, định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/T W về đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội, căn cứ trên bối cảnh thực tế, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định các nội dung về đầu tư các quỹ bảo hiểm tại Luật Bảo hiểm xã hội như sau: Bổ sung hình thức ủy thác đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội; bổ sung quy định hoạt động đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội được kiểm toán độc lập hàng năm.

Đề xuất này nhằm từng bước mở rộng các hình thức đầu tư theo lộ trình phù hợp, sau mỗi giai đoạn sẽ được đánh giá và đề xuất triển khai tiếp sau.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, phương án này được dự báo góp phần tăng cường hiệu quả đầu tư quỹ, giảm gánh nặng bảo hộ Quỹ Bảo hiểm xã hội của ngân sách nhà nước trong dài hạn.

Đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội, việc đầu tư quỹ được thực hiện an toàn hơn do tăng cường công tác kiểm toán, đồng thời, hiệu quả hơn do các quy định bổ sung về hình thức đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư luôn đi kèm với rủi ro, do vậy công tác đánh giá dự báo rủi ro đầu tư cần phải được coi trọng và thực hiện đầy đủ.

Đối với người lao động và người sử dụng lao động, không phát sinh tác động đáng kế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc Quỹ Bảo hiểm xã hội được nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần cải thiện về cân đối tài chính trong dài hạn sẽ giảm gánh nặng đóng góp giữa các thế hệ.

Trong dài hạn, dự báo giảm gánh nặng về đóng góp của người lao động các thế hệ sau này trong mô hình cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội, sẽ góp phần nâng cao đời sống của người lao động, bên cạnh đó, do ngân sách nhà nước cũng giảm gánh nặng bảo hộ Quỹ Bảo hiểm xã hội, có dư địa để chi cho các mục phát triển xã hội khác.

Mặc dù vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, cần xem xét có quy định cụ thể về đánh giá hiệu quả đầu tư và đánh giá rủi ro trong đầu tư. Bổ sung thêm một hình thức đầu tư là cơ hội để gia tăng hiệu quả đầu tư nhưng đồng thời cũng là việc tiếp nhận thêm một số rủi ro trong vấn đề đầu tư, do đó các quy định về đánh giá hiệu quả đầu tư và rủi ro trong đầu tư cần được quy định cụ thể và rõ ràng hơn, để xác định, giải quyết các rủi ro gặp phải khi thực hiện đầu tư./.

Minh Duyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN