Để Việt Nam là điểm đến lý tưởng của dòng FDI
(ĐCSVN) - Dù bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng từ đầu năm 2020 đến nay, nhưng với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính thông thoáng,... Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là những nhận định của các doanh nghiệp FDI trong báo cáo kết quả điều tra Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 (PCI 2020) vừa công bố mới đây.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Trong bối cảnh năm 2020, khi cả thế giới đang đối mặt với dịch COVID-19 cùng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung, một làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp (DN), nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc vừa để đối phó dịch vừa để giảm sự ảnh hưởng bởi quan hệ Mỹ - Trung. Các chuyên gia quốc tế và trong nước có chung nhận định là làn sóng FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc và có thể vào Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia hay các quốc gia khác. Và, Việt Nam được coi là có cơ hội lớn nhất khi có những lợi thế về địa lý, thể chế và cả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, việc thực hiện hiệu quả chiến lược thu hút FDI theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Trung ương, từ đó tiếp nhận đầu tư có chọn lọc, mục tiêu là nâng cao chất lượng, hiệu quả, đóng góp vào phát triển của đất nước Việt Nam.
Minh chứng rõ nét nhất là kết quả của cuộc điều tra PCI 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức thực hiện và công bố mới đây; bên cạnh hơn 10.700 doanh nghiệp tư nhân còn có 1.600 doanh nghiệp FDI được tham vấn ý kiến. Kết quả điều tra PCI 2020 cho thấy, các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt.
Điều này chứng tỏ những thành công trong chiến lược của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế trên cơ sở thu hút FDI và phát triển khu vực tư nhân trong nước. Chính trị ổn định của Việt Nam luôn có sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài. Yếu tố này của Việt Nam liên tục được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao, với tỷ lệ trên 90%. Việt Nam có rủi ro bị thu hồi mặt bằng sản xuất kinh doanh và rủi ro bất ổn chính sách thấp hơn, sau những bước tiến ấn tượng trong các năm qua. Thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp FDI nhận định, rủi ro bị thu hồi mặt bằng là thấp tại Việt Nam đã tăng từ 64% lên 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI cho rằng Việt Nam có rủi ro bất ổn chính sách thấp hơn cũng tăng từ 60% năm 2013 lên 82% năm 2020.
Dù đã có một số bước tiến song hai yếu tố thuế và vai trò của doanh nghiệp trong hoạch định chính sách vẫn còn là điểm yếu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI lựa chọn đầu tư vào Việt Nam do các yếu tố này dao động xung quanh mức 60% vào năm 2020. Các con số này phù hợp với nhận định trước đó của Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) rằng cơ sở hạ tầng và hệ thống quy định là hai lĩnh vực Việt Nam cần cải thiện hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư mới. KORCHAM cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện đơn giản hoá các thủ tục về điều kiện kinh doanh, tránh tình trạng có thể có cán bộ thi hành trực tiếp gây nhũng nhiễu cho DN.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, kết quả PCI trong những năm qua cũng cho thấy một số xu hướng quan trọng rất đáng lưu ý trong chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương theo thời gian. Trong vòng 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và sự cầu thị của chính quyền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đặt niềm tin lớn hơn vào các thiết chế pháp lý và tình hình an ninh trật tự tại các địa phương. Thực tế, bức tranh cải cách thể chế tại Việt Nam đã có nhiều sắc mầu tươi sáng hơn.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, báo cáo PCI 2020 cũng chỉ ra một số vấn đề mà các DN còn quan ngại. Đó là hệ thống thủ tục, quy định, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công nếu so các quốc gia khác trong khu vực như: Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia..., chỉ có khoảng 42% doanh nghiệp FDI nhận định chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam tốt hơn các nước kể trên trong khu vực.
Dưới 50% doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực bốn yếu tố: Kiểm soát tham nhũng; chất lượng cung cấp dịch vụ công; hệ thống thủ tục, quy định; và cơ sở hạ tầng của môi trường kinh doanh Việt Nam. Trong đó, hai yếu tố đầu được đánh giá là có sự cải thiện đáng khích lệ.
Có gần 40% doanh nghiệp FDI coi chống tham nhũng là một trong những điểm mạnh của Việt Nam trong năm 2020, tăng từ mức xấp xỉ 30% năm 2014. Đánh giá của doanh nghiệp FDI về lĩnh vực chất lượng cung cấp dịch vụ công đã cải thiện đáng kể, tăng từ mức báo động 29% năm 2014 lên gần 46% năm 2020. Mặt khác, hai lĩnh vực hệ thống thủ tục, quy định và cơ sở hạ tầng chưa có sự cải thiện đáng kể trong các năm gần đây.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp FDI kỳ vọng Việt Nam đẩy mạnh đơn giản hóa quy trình thành lập doanh nghiệp, số hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Cần thực hiện hiệu quả các cải cách nhằm hoàn thiện các khâu, các bước còn nhiều bất cập trong các thủ tục hành chính về thuế và bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh quốc gia và lợi thế so sánh với các nước trong khu vực. Nhìn chung, các nhà đầu tư từ nước ngoài cũng đặt kỳ vọng, Việt Nam tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện thủ tục, nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng.
Cho rằng, giá trị và sản phẩm quan trọng nhất của PCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các địa phương mà chính là những bài học kinh nghiệm, những mô hình và công nghệ cải cách được lan tỏa và chia sẻ, ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nêu rõ, những năm qua, các loại phí không chính thức tiếp tục giảm. Đây là kết quả to lớn đạt được từ cuộc chiến chống tham nhũng. Đồng thời, Việt Nam đã đạt được những thành tích tích cực nhờ cải thiện về thủ tục hành chính, điển hình như thủ tục về hải quan. Ngoài ra, thành công trong công cuộc chống dịch COVID-19 đã gia tăng lòng tin và tác động tích cực đến các doanh nghiệp. Thực tế minh chứng, chỉ số PCI 16 năm qua có vai trò quan trọng thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ góc nhìn quốc tế, theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “Sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn FDI chuyển dịch tới Việt Nam. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế.
Với những kết quả có được, việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW - một nghị quyết được xem là chính sách đột phá trong thu hút FDI, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu thu hút các dự án FDI công nghệ cao, xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo quy mô lớn. Và, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng của dòng FDI./.