Để nông sản Việt “hữu xạ tự nhiên hương”
(ĐCSVN) - Bấy lâu nay, nông sản Việt Nam vẫn thường gặp câu chuyện “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, chính vì vậy, để không còn những câu chuyện “giải cứu” nông sản, ngẫm thấy rằng, chính việc nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản chính là vấn đề cốt lõi để “hữu xạ tự nhiên hương”. Nông sản ngon nhất định sẽ có thị trường tiêu thụ.
Bất chấp dịch bệnh, 20 tấn vải thiều chín sớm của Bắc Giang vẫn được xuất khẩu sang Nhật Bản (Ảnh: LQ) |
Câu chuyện “được mùa rớt giá”, "giải cứu nông sản" bấy lâu nay gần như năm nào cũng “đến hẹn lại lên” đối với nông sản của nước ta. Trong những tháng đầu năm 2021, có thể kể đến một số trường hợp điển hình tại Ninh Thuận và Sóc Trăng.
Cụ thể, vụ dưa hấu Tết, trên địa bàn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, nông dân gieo trồng diện tích 177,4 ha dưa hấu. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến trong và ngoài nước phức tạp, làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ nông sản này.
Trong sáng 5/2, dọc theo Quốc lộ 27, đoạn qua địa bàn huyện Ninh Sơn, dưa hấu phải chất thành đống hai bên đường chờ bán. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp huyện Ninh Sơn đã tìm nhiều cách để "giải cứu" giúp bà con nông dân. Thông qua các kênh khác nhau, ngành nông nghiệp huyện đã cố gắng kết nối với một số tổ chức từ thiện để "giải cứu" dưa hấu cho bà con với giá mua trọn tại rẫy là 2.000 đồng/kg.
Tương tự, tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, ông Mã Chí Thọ - trưởng Phòng kinh tế thị xã cho biết, vụ mùa năm nay, nông dân Vĩnh Châu trồng hành tím trên 5.400ha, sản lượng khoảng 110.000 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thị trường tiêu thụ khó khăn, giá hành giảm mạnh khiến bà con nông dân lao đao.
Có thời điểm giá hành tím thương phẩm tại ruộng chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, năm trước, giá hành tím dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg.
Tình hình này dẫn đến việc nhiều số lượng hành tím được người dân để bên đường chờ thương lái đến mua. Một số diện tích hành tím đã đến tuổi nhưng người dân vẫn không mặn mà thu hoạch hoặc đã thu hoạch nhưng trong tình trạng “thấp thỏm”, lo âu để làm sao bán hết được hàng chục tấn hành tím.
Trước tình hình này, địa phương đã phải kêu gọi thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, sự nghiệp, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương vận động cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, người lao động và nhân dân trên địa bàn ủng hộ, hỗ trợ tiêu thụ lượng hành tím tồn đọng.
Khác với bức tranh trên, tại Bắc Giang, hiện đang là vùng tâm dịch của cả nước nhưng ngay trong sáng 26/5/2021, 20 tấn vải thiều chín sớm đã được xuất khẩu sang Nhật. Có được điều này, theo ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2021, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các vùng trồng vải thiều an toàn trước dịch bệnh, đặc biệt là trên địa bàn huyện Tân Yên và huyện Lục Ngạn.
Địa phương đã quản lý nghiêm ngặt các mã số vùng trồng vải thiều, bố trí cán bộ chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các tổ liên kết, hợp tác xã, nhà vườn trồng vải thiều về quản lý mã số vùng trồng vải thiều an toàn, quy trình chăm sóc, các biện pháp phòng dịch bệnh… Đảm bảo quả vải thiều chất lượng, an toàn phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Chính những quả vải chất lượng được chăm sóc cẩn thận, chu đáo từ các hộ dân của Bắc Giang đã thu hút thị trường khó tính của Nhật Bản bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh. Không chỉ vậy, giá vải các doanh nghiệp thu mua lô vải sớm đầu tiên của nông dân cũng được giá với mức 55.000 đồng/kg.
Không chỉ vậy, trước đó, theo Sở Công Thương Bắc Giang, cập nhật đến 16 giờ ngày 23/5, toàn tỉnh đã xuất khẩu sang Trung Quốc 1.100 tấn vải thiều qua 2 cửa khẩu tại Lào Cai và Lạng Sơn. Đồng thời, tỉnh cũng đang xúc tiến làm thủ tục xuất khẩu vải sang các nước như Anh, Australia, Singapore, Nhật Bản…
Hoặc ngay tại Hải Dương, niên vụ vải năm 2021, dự kiến Hải Dương sẽ xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải sang thị trường Nhật Bản; khoảng 1.000 tấn sang thị trường Mỹ, Australia, Singapore và khoảng 800-1.000 tấn sang Thái Lan, Trung Đông. Trước đó, vào sáng 18/5, tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ mở vườn thu hái vải xuất khẩu và xuất khẩu chuyến vải thiều đầu tiên đi Nhật Bản, Singapore với tổng sản lượng khoảng 100 tấn, vải thu mua được giá.
Trước khi vào vụ vải chín, đã có rất nhiều thương lái, doanh nghiệp,…tuân thủ các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 để “săn đón” thu mua vải thiều của người dân.
Nhìn hai bức tranh trên cho thấy, tại sao có những loại nông sản mặc dù ở trong tâm dịch COVID-19 vẫn thu hút được thị trường và được cả giá bán, và dĩ nhiên, còn được các thị trường săn đón để tiêu thụ, trong khi đó có những nông sản phải đi “giải cứu”, giá bán thấp.
Đề cập đến hai câu chuyện trên cho thấy, bản thân nông sản Việt trước hết để không còn câu chuyện “giải cứu”, cần tự nâng cao chất lượng của “bản thân”, cần làm sao cho các sản phẩm nông sản thật ngon, mang tính đặc trưng mà mỗi khi đến mùa vụ, người tiêu dùng trong và ngoài nước đều có nhu cầu tiêu thụ. Và chỉ có những nông sản ngon, đảm bảo chất lượng chắc chắn sẽ tự thu hút thị trường bất chấp dịch bệnh. Câu chuyện vải thiều của tỉnh Bắc Giang và Hải Dương ở trên là minh chứng rõ nét.
Tương tự, câu chuyện về việc gạo ST25 có nguy cơ bị mất thương hiệu tại một số thị trường như Mỹ, Úc cũng cho thấy rõ “sức nóng” của những sản phẩm ngon, có giá trị. Điều đáng quan tâm ở đây, không phải ngẫu nhiên các doanh nghiệp của các nước khác lại “nhăm nhe” tới gạo ST25 mà tại sao lại không phải là một loại gạo khác, bởi bản thân gạo ST25 vốn là một loại gạo ngon, hạt thơm, dẻo và đã tạo được tiếng vang khi đạt giải Nhất “Giải gạo ngon nhất thế giới” năm 2019 và năm 2020 đạt giải Nhì cuộc thi này.
Điều đó cho thấy rằng: Các nông sản ngon, có chất lượng, thực sự sẽ tự hấp dẫn và thu hút thị trường.
Bởi vậy, để tránh câu chuyện “giải cứu” nông sản, các địa phương cần tìm chọn những sản phẩm mà nhu cầu thị trường đang rất cần, đồng thời cũng cần làm sao tạo ra được sản phẩm mang thế mạnh của địa phương, đặc trưng riêng của địa phương. Các sản phẩm này phải thực sự ngon, mang lại giá trị cao thì khi đó, “hữu xạ tự nhiên hương”, bản thân thị trường sẽ tự tìm đến để tiêu thụ mà không cần phải đi kêu gọi hỗ trợ “giải cứu”.
Một vấn đề nữa cần chú ý rằng, xu thế tiêu dùng của thế giới hiện nay đang ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, đây cũng chính đang là điểm yếu của nông sản Việt Nam.
Đơn cử, nếu so sánh nông sản Việt Nam với nông sản của Thái Lan, tại sao nông sản của Thái Lan vẫn có lợi thế hơn. Theo đại diện của các doanh nghiệp, chỉ đơn giản bởi, khách hàng họ cần gì? Họ cần sự minh bạch, bất biến, mọi lúc mọi nơi, an toàn, liên kết, chuẩn hóa về sản phẩm nông nghiệp. Điều này các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa có được nhưng sản phẩm của Thái Lan đã giải quyết được tất cả.
Đó là lý do tại sao sản phẩm nông nghiệp Thái Lan dù giá cao, chưa chắc có lợi thế chất lượng hơn sản phẩm của Việt Nam nhưng vẫn được khách hàng tìm đến. Họ không cần mất quá nhiều chi phí quảng cáo mà vẫn hiệu quả trong việc tìm kiếm khách hàng.
Chính vì vậy, ngoài tạo được sản phẩm ngon, chất lượng, cần đảm bảo được tính minh bạch của các thông tin về quy trình sản xuất, đảm bảo vấn đề truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm. Nếu làm được điều này, sẽ là bước đi tiến xa cho nông sản Việt Nam.
Nhắc lại vấn đề vải thiều của tỉnh Bắc Giang và Hải Dương để thấy, chính những quả vải tươi ngon, được trồng theo các quy trình sản xuất nghiêm ngặt và được đảm bảo về vấn đề truy xuất nguồn gốc thì sẽ được xuất khẩu và bán được giá đến các thị trường.
Tất nhiên, để đạt được những kết quả này, không phải là điều đơn thuần khi vải ở Bắc Giang, Hải Dương được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và các ngành liên quan, để tạo điều kiện tối đa cho người dân có thể sản xuất ra được quả vải thơm ngon mang hương vị đặc trưng.
Chính vì vậy, để góp phần đưa nông sản không còn rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”, phải đi “giải cứu” thì vai trò của các chính quyền địa phương cũng rất quan trọng trong việc hỗ trợ, định hướng, hướng dẫn cho người dân trong việc sản xuất và vai trò kết nối, xúc tiến thương mại từ các đơn vị thu mua, thị trường.
Bấy lâu nay, nông sản Việt Nam vẫn thường gặp câu chuyện “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, chính vì vậy, để không còn những câu chuyện “giải cứu” nông sản, ngẫm thấy rằng, chính việc nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản chính là vấn đề cốt lõi để “hữu xạ tự nhiên hương”, nông sản ngon sẽ nhất định có được thị trường tiêu thụ./.