Đẩy mạnh số hóa trong khám chữa bệnh
(ĐCSVN) – Thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ, đặc biệt là tại các cơ sở khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Việc này đã làm tăng hiệu quạ, tạo thuận lợi giảm tải cho nhân viên y tế cũng như tạo thuận lợi cho người bệnh đến khám.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Thống kê của Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế cho thấy, hiện 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, kết nối liên thông với hệ thống giám định thanh toán bảo hiểm y tế đạt 99,5%.
Có 20 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng; Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… ; Có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Với nội dung liên quan đến hồ sơ sức khỏe điện tử, hiện nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Dương, Thái Bình, Nam Định, Lâm Đồng, Phú Thọ, Bình Phước, Bình Thuận, An Giang, Quảng Bình…
Bên cạnh đó, nhằm giảm tải cho nhân viên y tế cũng như tạo thuận lợi cho người bệnh đến khám, bệnh viện đã lắp đặt các cây đăng ký khám bệnh tự động tại các tầng. Tại những điểm đăng ký khám bệnh tự động này sẽ có nhân viên của bệnh viện túc trực, trực tiếp hướng dẫn người bệnh cách đăng ký và lấy số.
Mặc dù vậy, đối với nhiều người dân, việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành y tế vẫn còn đang rất chậm. Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), phần mềm ứng dụng, hạ tầng mạng và phần cứng ở các cơ sở y tế hiện nay chưa được đầu tư đúng mức đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Phần lớn cơ sở y tế chưa có trung tâm dữ liệu đạt chuẩn theo quy định, chỉ có phòng máy chủ. Các cơ sở y tế chủ yếu dùng máy chủ để lưu trữ dữ liệu ít khi có hệ thống lưu trữ chuyên dụng, hệ thống máy chủ chưa đủ mạnh để vận hành hệ thống phần mềm và chưa có cơ chế hoạt động song song trong hệ thống vận hành xuyên suốt. Hệ thống mạng cũng chưa được đầu tư đúng mức, một số cơ sở y tế còn dùng các thiết bị mạng dùng cho gia đình mà không trang bị các thiết bị mạng chuyên dùng, do đó chưa đáp ứng đủ lưu lượng về băng thông cũng như bảo đảm tính ổn định của hệ thống. Các hệ thống phần mềm quản lý thông tin trong bệnh viện chủ yếu được xây dựng theo yêu cầu của từng bệnh viện, kiến trúc kỹ thuật đặc thù riêng, không thống nhất trục thông tin quản lý bệnh viện chung... Dẫn đến, công nghệ sử dụng trên phần mềm lạc hậu, khó khăn khi ứng dụng chữ ký số để thực hiện các quy trình nghiệp vụ trên môi trường số hoặc không bảo đảm được tính toàn vẹn dữ liệu.
Bên cạnh đó, khi thực hiện chuyển đổi số, trình độ của một số cán bộ chưa thể đáp ứng khi thay đổi từ bệnh án giấy sang thực hiện trên máy tính, nên cần đào tạo thêm hoặc có thể phải chuyển sang bộ phận khác, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của họ. Ngoài ra, khi thực hiện hoàn toàn trên nền tảng kỹ thuật số, các công việc được minh bạch, hạn chế một số bất cập trước đây.
Để có thể triển khai thành công công cuộc chuyển đổi số thì cần sớm thay đổi về các quy định liên quan hồ sơ lưu trữ, phương pháp quản lý và thói quen làm việc của nhân viên và cán bộ y tế. Hầu hết quy trình, quy định trong các cơ sở y tế hiện nay chủ yếu phục vụ cho công việc truyền thống là trên cơ sở giấy, chữ ký truyền thống. Để thực hiện công việc trên nền tảng số, dùng chữ ký số thì toàn bộ quy trình, quy định trong hoạt động hành chính phải được thay đổi. Điều quan trọng nhất, đó là sự hưởng ứng của người dân trong việc tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại giúp người dân thuận lợi hơn và rút ngắn thời gian chờ khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân quan tâm và sử dụng các tiện ích chuyển đổi số của ngành y tế vẫn còn rất thấp, điều này sẽ kéo dài thời gian duy trì đồng bộ cả hệ thống số và hệ thống giấy tại các cơ sở y tế, tác động không nhỏ đến mục tiêu và lộ trình thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế.
Mặt khác, cần hoàn thiện và đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số trên phương diện quốc gia, nhất là quy định pháp lý cho việc lưu trữ hồ sơ, bệnh án trên môi trường điện tử, thừa nhận các loại giấy phép được cấp trên môi trường mạng. Hỗ trợ ngân sách đầu tư hạ tầng CNTT cho các cơ sở y tế nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế. Cơ sở dữ liệu chung của ngành y tế cần sớm được hình thành, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý y tế ở các địa phương với hệ thống dữ liệu y tế quốc gia. Xem xét chủ trương cho phép thành lập các trung tâm CNTT thuộc các địa phương nhằm tăng cường nguồn nhân lực hỗ trợ hoạt động CNTT trong hoạt động chuyển đổi số tại các cơ sở y tế trên cùng địa bàn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách nhằm động viên, khuyến khích các chuyên gia CNTT làm việc trong cơ sở y tế, đưa chi phí đầu tư CNTT vào cấu thành giá bảo hiểm y tế để các cơ sở y tế yên tâm, đẩy mạnh ứng dụng CNTT cải tiến chất lượng phục vụ người dân.