Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển ngành y tế

Thứ Ba, 01/10/2024 12:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Theo Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong y tế đòi hỏi sự phối hợp giữa các chuyên gia y khoa, các nhà công nghệ, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư để mang lại những thay đổi tích cực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Ngày 1/10, tại Hà Nội đã diễn ra "Diễn đàn Công nghệ ngành y tế: Công nghệ sinh học và chuyển đổi số phục vụ phát triển ngành y tế" do Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chủ trì tổ chức.

Diễn đàn nằm trong khuôn khổ của Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 nhân dịp chào mừng 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

 Các đại biểu dự Diễn đàn.

Phát biểu tại sự kiện, TS. BSCKII. Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong y tế liên quan đến việc phát triển và thực hiện các quy trình, sản phẩm, chương trình, chính sách hoặc hệ thống mới để cải thiện sức khỏe và công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức, đổi mới sáng tạo trong y tế đề cập đến việc phát triển và áp dụng các ý tưởng, công nghệ, quy trình và giải pháp mới cải thiện chất lượng và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học trong y học. Sự đổi mới sẽ giải quyết những thách thức và nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động chăm sóc sức khoẻ, nó diễn ra trong tất cả các khâu từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm và thiết bị y tế.

Công nghệ sinh học và chuyển đổi số được xem là các thành tố quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công nghệ sinh học và chuyển đổi số trong thế kỷ XXI, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

 Thứ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Tri Thức phát biểu tại Diễn đàn.

Ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Để thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, triển khai thành công các nhiệm vụ được Chính phủ giao, trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ tập trung vào hai chủ đề chính là "Công nghệ sinh học phục vụ phát triển ngành y tế" và "Chuyển đổi số phục vụ phát triển ngành y tế".

Theo Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong y tế đòi hỏi sự phối hợp giữa các chuyên gia y khoa, các nhà công nghệ, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư để mang lại những thay đổi tích cực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Thông qua Diễn đàn, ngành Y tế rất mong nhận được sự hỗ trợ của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ.

"Chúng tôi mong muốn và kỳ vọng Diễn đàn sẽ giới thiệu và kết nối tiềm năng phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực y tế giữa các tổ chức, đơn vị, các nhà phát triển công nghệ, nhà đầu tư nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới, ý kiến tham mưu của các giáo sư đầu ngành", Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nói.

Tại Diễn đàn, báo cáo Ứng dụng công nghệ sinh học trong y học do GS.TS Trần Huy Thịnh - Trưởng phòng, Phòng Quản lý KH&CN, Trường ĐH Y Hà Nội trình bày cho thấy sự phát triển vượt bậc của nền công nghệ sinh học trong nước: Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh; phát hiện đột biến gen gây bệnh, xác định người mang gen, sàng lọc trước sinh và tư vấn di truyền; xác định tình trạng gen quyết định tính đáp ứng thuốc trong điều trị ung thư phổi, vú, máu, đại trực tràng...

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Hội Y học tái tạo và trị liệu tế bào Việt Nam có tham luận liệu pháp tế bào cho các bệnh nan y, cuộc cách mạng trong y học. Hiện các bệnh được phép điều trị bằng tế bào gốc là xơ gan, teo mật, chấn thương tủy sống, thoái hóa khớp gối. Các bệnh đang nghiên cứu ghép tế bào gốc điều trị là đột quỵ, chấn thương sọ não, COPD, tự kỷ, bại não, suy giảm sức khỏe người cao tuổi, suy giảm nội tiết tố nam/nữ, liệu pháp CAR-T điều trị ung thư huyết học.

Tại Diễn đàn, các diễn giả đã chia sẻ những nội dung quan trọng về ứng dụng công nghệ sinh học trong y học, liệu pháp tế bào, ứng dụng tế bào gốc, nghiên cứu nguồn gen dược liệu, công nghệ in 3D cá thể hóa; chuyển đổi số, dữ liệu mở trong ngành y tế, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe, ứng dụng kỹ thuật số trong kinh doanh dược phẩm…/.

Bích Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN