Đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
(ĐCSVN) - Nhấn mạnh rào cản liên quan đến thể chế vẫn tồn tại, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) đề nghị, Quốc hội cần có Nghị quyết cụ thể tháo gỡ vấn đề này, trong đó có thể trao quyền vận dụng linh hoạt để tránh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức hiện nay.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 23/5, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút nguồn lực xã hội cho đầu tư
Thảo luận tại tổ, các ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ ấn tượng về Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng quyết liệt, sát thực tiễn, đóng góp vào nhiều kết quả trong các lĩnh vực, nhất là 3 khâu đột phá thể chế, hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên), Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, trước tình hình bối cảnh quốc tế vừa qua, tình hình mâu thuẫn địa chính trị, địa kinh tế, xung đột cục bộ diễn ra hết sức khốc liệt trên thế giới dẫn tới hình thành các khối, cực cạnh tranh gay gắt với nhiều hình thức, vừa chia cắt, vừa bảo hộ thị trường, vừa làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đi ngược lại quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành hết sức sáng suốt, khôn khéo tận dụng thời cơ để phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia. Điều này đã và đang đem lại những khởi sắc cho nền kinh tế.
Cùng với đó, kết quả thu ngân sách đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2% và tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán, đây là cơ sở quan trọng để tăng chi đầu tư cho nhiều công trình, dự án quan trọng.
Phiên thảo luận tại Tổ 2 gồm các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: QH) |
Tuy nhiên, theo đại biểu Tạ Thị Yên, vẫn có một số biến động bất thường của thị trường, ví dụ như thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy có sự không ổn định. Đối với thị trường vàng, đại biểu cho rằng có thể thấy rõ đây không phải là nhu cầu thực tế của người dân, mà có thể là do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi. Hay đối với thị trường bất động sản, việc thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình hợp với khả năng tài chính của người dân cũng cần phải điều chỉnh. Điều đó cho thấy cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.
"Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83.000 tỉ đồng là rất thấp", đại biểu nêu và cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan vì sao chính sách của chúng ta là rất tốt, rất nhân văn, thế nhưng lại chậm được triển khai thực hiện, trong khi người dân thì rất mong mỏi, chờ đợi điều này.
Để nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: Chính sách tài khóa của nước ta còn dư địa nên có thể sử dụng các nguồn lực tài khóa, gói hỗ trợ thông qua các khoản thuế, phí như giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ nền kinh tế. Bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đang phát huy hiệu quả, kích thích sản xuất, hỗ trợ nền kinh tế.
Đi cùng với đó, phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp thành lập, lôi kéo nguồn lực xã hội cho đầu tư. Thực tế thời gian qua những bất cập trong các thủ tục hành chính đã làm “thủ tục đầu tư” rất chậm. Các dự án y tế, giáo dục, giao thông còn chậm, phải đẩy nhanh các dự án trọng điểm.
Trao quyền vận dụng linh hoạt để tránh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội), tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%… Bên cạnh đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường; cầu nội địa và cầu quốc tế thấp cùng với tính cạnh tranh của hàng trong nước cao… Mặt khác, cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; vẫn còn tồn tại tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm…
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) phát biểu ý kiến. (Ảnh: QH) |
Nêu kiến nghị, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần tăng kích cầu trong nước, có chính sách tiếp tục miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí; có giải pháp cụ thể khơi thông hoạt động doanh nghiệp, để doanh nghiệp tin tưởng mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất…
Nhấn mạnh rào cản liên quan đến thể chế vẫn tồn tại, đại biểu cũng đề nghị, Quốc hội cần có Nghị quyết cụ thể tháo gỡ vấn đề này, trong đó có thể trao quyền vận dụng linh hoạt để tránh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức hiện nay.
Đề cập khó khăn của doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phản ánh việc xử lý thủ tục hành chính còn trì trệ, người thực thi công vụ còn sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy, hiệu quả giải quyết công việc không hiệu quả, kịp thời.
Một số đại biểu cho rằng, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần đẩy nhanh hoàn thành ban hành định mức, đơn giá trong các lĩnh vực, tránh thất thoát, lãng phí; xử lý các vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ; hướng dẫn xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; sớm ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong từng ngành, lĩnh vực…/.