Đẩy lùi tư tưởng chủ quan, lơ là trong cuộc chiến phòng, chống dịch
(ĐCSVN) - Sau khi Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng bài "Chống COVID-19: Tuyệt đối không được phép chủ quan, lơ là", tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi thể hiện sự đồng tình, nhất trí với nội dung bài viết. Đồng thời, nhiều bạn đọc cũng có ý kiến phân tích, chia sẻ làm sâu sắc thêm vấn đề Báo nêu.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tượng, Chủ nhiệm Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị: Tâm lý chủ quan, lơ là sẽ dẫn đến những hành vi thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội.
Những ngày gần đây, mặc dù các cấp, các ngành đã tăng cường tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm với những trường hợp không thực hiện nghiêm yêu cầu cách ly xã hội, tuy nhiên, nhiều người còn rất chủ quan. Tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương như: Cố tình không đeo khẩu trang khi ra đường; ra đường khi không việc cần thiết; lén lút kinh doanh, buôn bán trái quy định... Các hành vi này thể hiện thái độ thiếu ý thức trách nhiệm, cần phải bị lên án mạnh mẽ.
Những kết quả tích cực của chúng ta có được trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhờ sự nỗ lực, cố gắng, hy sinh của rất nhiều cá nhân, lực lượng. Đó là những y, bác sỹ không quản khó khăn, bất chấp nguy cơ lây nhiễm để điều trị cho bệnh nhân; là hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội phải hành quân vào rừng dựng lán để nhường doanh trại làm nơi cách ly cho người dân; là hàng nghìn chiến sĩ công an nhân dân ngày đêm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Nếu chỉ vì những cá nhân chủ quan, vô trách nhiệm mà dịch bệnh bùng phát thì chúng ta sẽ có lỗi với nhân dân, có lỗi với Tổ quốc và các lực lượng đang xung kích trên tuyến đầu chống dịch.
Thực tế cho thấy, cách ly xã hội là biện pháp mang lại tác dụng rất lớn trong việc hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, nhưng hiện vẫn còn nhiều người vẫn có tâm lý chủ quan, chưa thực hiện nghiêm. Tâm lý chủ quan, lơ là sẽ dẫn đến những hành vi thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội. Chế tài đối với các hành vi vi phạm đã có; do vậy, chính quyền cơ sở cùng các lực lượng chức năng cần phải tập trung xử lý kiên quyết để tăng tính răn đe.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tượng, Chủ nhiệm Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị. Ảnh: HMH |
Anh Cao Văn Tuân ở quận Đống Đa (Hà Nội): Để ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19, việc cần làm hiện nay là sớm loại bỏ tư tưởng chủ quan, lơ là ở nhiều người dân.
Tôi rất đồng tình với bài báo “Chống COVID-19: Tuyệt đối không được phép chủ quan, lơ là” được đăng tải trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta cần bày tỏ thái độ rõ ràng, lên án mạnh mẽ biểu hiện tâm lý chủ quan, xem nhẹ yêu cầu thực hiện cách ly xã hội đang có ở không ít người dân; cần phải coi đó là sự thiếu ý thức và vô trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Bởi lẽ, chính tâm lý chủ quan này sẽ kéo theo những hành động vi phạm; đồng thời, tạo ra nhiều nguy cơ khiến dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Điều này càng trở nên nguy hiểm trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở Việt Nam chưa xác định được nguồn lây nhiễm (F0).
Việc không xuất hiện những ca nhiễm mới tại một số thời điểm nhất định có thể được xem là tín hiệu tích cực, nhưng đó chỉ là những kết quả bước đầu của công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bản thân Hà Nội hiện cũng là địa phương có người mắc COVID-19 lớn nhất cả nước (bao gồm số đã chữa khỏi và số đang điều trị) nên người dân không nên chủ quan, coi thường việc thực hiện cách ly xã hội.
Để bảo vệ chính bản thân, gia đình và cả cộng đồng, mỗi công dân Thủ đô nên cân nhắc từ việc đơn giản nhất là không ra khỏi nhà nếu không vì những việc cấp thiết. Xã hội có thể sẽ phải thêm gánh nặng chỉ vì tâm lý chủ quan, xem nhẹ, dẫn đến các hành động thiếu ý thức của một số người.
Anh Cao Văn Tuân ở quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: HMH |
Chị Nguyễn Thanh Thủy ở TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình: Cần phát huy vai trò của chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng trong quản lý, xử lý các vi phạm.
Đến nay, Việt Nam đang làm tốt việc hạn chế gia tăng số ca nhiễm mới và điều trị dứt điểm các bệnh nhân mắc COVID-19. Có được những kết quả này là nhờ sự nỗ lực của không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và sự góp sức của nhân dân cả nước. Song, nếu chỉ cần số ít người có tâm lý chủ quan, không thực hiện đúng quy định về cách ly xã hội thì mọi nỗ lực vừa qua sẽ trở thành vô nghĩa. Vì vậy, hơn khi nào hết, mỗi người trong chúng ta cần nâng cao ý thức, tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, trước hết là vì sự an nguy của chính bản thân mình, gia đình mình và cả cộng đồng.
Bên cạnh sự thiếu ý thức của một số người dân, thì chính sự thiếu quyết liệt, buông lỏng trong giám sát, quản lý, cũng như chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm của các địa phương và cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân cần được bàn tới. Thực tế đã cho thấy, những địa bàn, khu vực nào có sự vào cuộc, trước là tuyên truyền, nhắc nhở, sau là xử phạt nghiêm khắc của lực lượng chức năng thì người dân ở đó thực hiện quy định hết sức nghiêm túc. Ngược lại, ở địa bàn nào, khu vực nào vắng bóng lực lượng chức năng thì người dân vẫn "vô tư" vi phạm, không tuân thủ yêu cầu cách ly xã hội; tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho cộng đồng. Do đó, chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng cần phát huy vai trò trong quản lý, xử lý các vi phạm; cần xử lý kiên quyết, nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch trên cơ sở coi trọng sự an toàn và lợi ích chung của cộng đồng.
Chị Nguyễn Thanh Thủy ở TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: HMH |
Chị Trần Thanh Minh ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội): Nâng cao ý thức cộng đồng gắn với kiên quyết thực hiện việc cách ly xã hội.
Theo dõi các bản tin về tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19, tôi thấy đúng là chúng ta đã đạt được những kết quả đáng mừng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhưng nguy cơ lây lan vẫn còn nên người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Bất kỳ một sự chủ quan và nhận thức không đúng nào về dịch bệnh đều sẽ dẫn đến những tình huống đáng tiếc với nhiều hậu quả khó lường. Do đó, mọi người dân phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
Từ sau tháng 01/2020 đến nay, chúng ta đã tuyên truyền rất nhiều, rất “đậm” về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên đến thời điểm này, đối với những trường hợp vi phạm cần phải được xử lý nghiêm để đảm bảo thực hiện nghiêm lệnh cách ly xã hội và ngăn chặn triệt để sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng, nhất là những cá nhân không thực hiện cách ly toàn xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường… Song song với việc tuyên truyền, nhắc nhở, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Ai không thực hiện phải xử phạt nghiêm".
Chị Trần Thanh Minh ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh: HMH |
Bên cạnh đó. Chính phủ đã quyết định triển khai gói hỗ trợ an sinh với khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 được thụ hưởng số tiền ước tính 62.000 tỉ đồng. Việc giải ngân sớm gói hỗ trợ này sẽ là cơ sở giúp người dân ổn định đời sống, giảm bớt khó khăn và yên tâm hơn trong thực hiện các giải pháp phòng, chống COVID-19.
Mục tiêu lớn nhất trong “cuộc chiến” chống COVID-19 ở Việt Nam hiện nay là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân nên biện pháp có ý nghĩa tốt nhất đó là mỗi người cần nêu cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tự giác chấp hành việc cách ly xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cả nước./.