Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chống COVID-19: Tuyệt đối không được phép chủ quan, lơ là

Thứ Năm, 09/04/2020 10:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cả nước vừa hoàn thành tuần đầu tiên thực hiện “cách ly toàn xã hội”, nhưng tại một số địa phương đã xuất hiện những biểu hiện chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19. Điều này là cực kỳ nguy hiểm trong bối cảnh dịch COVID-19 đã có dấu hiệu xâm nhập ra cộng đồng.

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 01/4, chấp hành Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trong cả nước chính thức bước vào quá trình “cách ly toàn xã hội”. Nhìn chung, người dân cả nước đã thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị số 16/CT-TTg, qua đó bảo đảm tốt giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Đây chính là cơ sở quan trọng để Việt Nam tiếp tục khống chế được dịch, bệnh; hạn chế việc gia tăng số ca nhiễm mới. Tính đến 7 giờ ngày 09/4, cả nước có 251 người nhiễm COVID-19; trong đó có 126 ca đã được điều trị thành công, chiếm 50,2%; liên tục trong 5 buổi sáng, tính từ ngày 05/4, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm mới.

Ngã tư Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng trưa 7/4 khá đông người, phương tiện qua lại. Ảnh: Ngọc Thắng 

Tuy nhiên, từ góc tiếp cận khác, những số liệu tích cực trong công tác phòng, chống COVID-19 dường như đang tạo tâm lý chủ quan ở nhiều người; làm giảm ý thức chấp hành các quy định ở một bộ phận người dân. Minh chứng là trong một số ngày gần đây, tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh..., đã có những thời điểm các nút giao thông chật kín người đi lại, dù cả nước vẫn đang trong thời gian “cách ly toàn xã hội”.

Điển hình là tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, đến trưa ngày 08/4, trên các phố Xã Đàn, Phạm Ngọc Thạch, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Tây Sơn, Chùa Bộc… lưu lượng người, phương tiện đi lại đã ngày một đông. Đặc biệt, nhiều người bán hàng rong,  xe ôm công nghệ... không thuộc diện được ra ngoài đường nhưng vẫn thản nhiên đi lại trên phố. Một số nơi, người dân ngồi túm năm tụm ba bàn tán, chuyện trò; trong số này, nhiều người không đeo khẩu trang theo quy định...

Tương tự, tại TP.Hồ Chí Minh, dù vẫn đang trong thời gian “cách ly toàn xã hội” từ 1/4 đến 15/4 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhưng từ ngày 06/4 đến nay, lượng phương tiện lưu thông trên nhiều tuyến phố lớn đã dần trở lên khá đông đúc. Điển hình là các tuyến đường: Nguyễn Tri Phương; Đinh Tiên Hoàng; Hai Bà Trưng; Nguyễn Thị Minh Khai; Võ Thị Sáu; Đường 3/2; Đường Cách mạng tháng 8...

Hình ảnh dòng xe nối đuôi nhau trên đường Đinh Tiên Hoàng vào chiều 07/4. Ảnh: Hà Mai 

Sau những ngày đầu thực hiện nghiêm túc, từ ngày 04/4, nhiều người dân TP Hòa Bình (Hòa Bình) đã tỏ ra chủ quan trong việc cách ly xã hội, các hoạt động tập trung đông người diễn ra phổ biến. Theo đó, tại một số điểm như khu vực đường dẫn lên Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, tuyến đường đê Đà Giang, quảng trường Hòa Bình... có nhiều người tụ tập đi thể dục, đi chơi theo từng nhóm vào thời điểm buổi sáng và chiều. Có nhiều nhóm lên đến cả chục người. Ngoài ra, tại hai bờ hạ lưu sông Đà, nhiều nhóm người tụ tập để chơi đùa, câu cá. Đặc biệt, nhiều người tụ tập còn không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách theo khuyến cáo. Điều đáng nói là khi cơ quan chức năng lập chốt kiểm soát tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh thì người dân tản ra. Nhưng khi lực lượng chức năng đi khỏi thì tình trạng người dân tụ tập đông người lại tái diễn.

Thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của người dân cả nước, chúng ta đã khống chế có hiệu quả đại dịch COVID-19. Tính đến thời điểm này, có thể thấy chiến lược phòng, chống dịch của Việt Nam rất phù hợp,  hiệu quả; chúng ta vẫn đang làm chủ tình hình và cơ bản chủ động trong các tình huống.

Tuy nhiên, có một thực tế cần phải thẳng thắn thừa nhận đó là, dịch COVID-19 ở Việt Nam đã có dấu hiệu xâm nhập ra cộng đồng với nhiều nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu.

Trên đê Đà Giang, người dân TP Hòa Bình vẫn tấp nập đi lại,nhiều người không đeo khẩu trang. Ảnh: Trần Hảo 

Điển hình như tại tỉnh Hà Nam, chiều 07/4 đã ghi nhận ca bệnh nhiễm COVID-19 thứ 4 là nam bệnh nhân 64 tuổi ngụ xóm 3 Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục. Đây đồng thời là ca mắc COVID-19 thứ 251 tại Việt Nam. Ngành Y tế tỉnh Hà Nam xác định đây là ca bệnh phức tạp do bệnh nhân nằm viện dài ngày, tiếp xúc với nhiều đối tượng, vì thế nguy cơ lây nhiễm bệnh sang người khác rất lớn. Hiện vẫn chưa xác định được trường hợp F0 của ca bệnh này; toàn bộ những người tiếp xúc gần với bệnh nhân 251 đã được cách ly; thôn 3 Ngô Khê (xã Bình Nghĩa) nơi bệnh nhân sinh sống cũng đã được diệt khuẩn và cách ly phong tỏa.

Trước đó, liên quan đến bệnh nhân 243 ở Mê Linh (Hà Nội), cơ quan chức năng đã xác định 2 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân có kết quả dương tính; có 104 trường hợp F1. Đây là bệnh nhân có lịch trình đi lại dày đặc, liên tục. Hà Nội đã thực hiện cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, nơi bệnh nhân 243 sinh sống. Theo các chuyên gia, hiện vẫn chưa thể xác định chính xác F0 của ca bệnh số 243 do bệnh nhân có thời gian ủ bệnh dài.

Với những diễn biến phức tạp, rõ ràng nguy cơ lây nhiễm dịch, bệnh COVID-19 trong cộng đồng vẫn còn hiện hữu. Ngày 8/4, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu phải cảnh giác với những ca nhiễm trong cộng đồng. Do vậy, mọi biểu hiện lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19 sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho cá nhân và cộng đồng.

Trong tình hình hiện nay, yêu cầu khách quan đặt ra là các cơ quan chức năng cần tiếp tục kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị; xác minh, cách ly, khoanh vùng ngay các đối tượng F1, F2 của các ca lây nhiễm trong cộng đồng...

 Một chốt kiểm soát dịch bệnh được bố trí tại xóm 3 Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, nơi sinh sống của bệnh nhân 251. Ảnh: Kim Chiến

Cùng với đó, mỗi cá nhân cần đề cao trách nhiệm với sức khỏe của bản thân, người thân và xã hội; cần thực hiện tốt các việc phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay; không ra đường khi không cần thiết... Bởi lẽ, việc một bộ phận người dân chủ quan, coi thường việc cách ly xã hội là vấn đề hết sức nguy hiểm; tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến lây nhiễm trong cộng đồng, lây nhiễm chéo. Mọi sự nỗ lực của Chính phủ và toàn dân trong suốt thời gian vừa qua sẽ trở lên vô nghĩa nếu tiếp tục còn những biểu hiện lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch COVID-19.

“Cuộc chiến” chống dịch COVID-19 của Việt Nam chỉ có thể giành thắng lợi trên cơ sở sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân với những việc làm cụ thể, thiết thực. Và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tuyệt đối không cho phép chúng ta lơ là, chủ quan hay bằng lòng với những thành công bước đầu./.

Quang Đạo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN