Đầu tư PPP: Cứ giảm doanh thu lại được chia sẻ rủi ro là không ổn
(ĐCSVN) – Nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với quy định cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Quang Khánh/ĐBND) |
Tiếp tục phiên họp thứ 43, chiều 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
‘Nếu là doanh nghiệp, đọc xong dự luật này tôi không đầu tư”
Cho ý kiến về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, có nhiều vấn đề của dự thảo Luật cần phải được rà soát, xem xét lại.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, luật này ra đời với mong muốn thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân bỏ tiền ra cùng với nhà nước đầu tư những công trình, lĩnh vực mà nhà nước cần thu hút vốn của khu vực tư nhân.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đặt hàng loạt câu hỏi: Luật ra đời có thay đổi được diện mạo của việc huy động vốn của khu vực tư nhân vào thực hiện những mục tiêu của nhà nước không? Nếu chúng ta là doanh nghiệp, đọc dự thảo luật này thì có dám bỏ tiền ra đầu tư không?.
Chủ tịch cũng thẳng thắn bình luận: “Nếu là doanh nghiệp, đọc xong dự luật này tôi không đầu tư”.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển quan tâm đến cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án PPP. Dù bày tỏ đồng tình phải có chia sẻ rủi ro song theo ông, nếu chia sẻ rủi ro bằng doanh thu khi sụt giảm doanh thu hoặc tăng doanh thu thì không phù hợp với cơ chế thị trường. Khi nhà đầu tư đầu tư vào nếu sụt giảm doanh thu cũng phải chấp nhận, nhất là những dự án đầu tư cần thời gian dài thì phải chấp nhận có những rủi ro nhất định. “Nhưng rủi ro đến mức độ nào thì Nhà nước can thiệp để hỗ trợ doanh nghiệp, còn nếu cứ giảm doanh thu là hỗ trợ thì rất nguy hiểm, không cẩn thận chúng ta sẽ trở thành những con nợ, nhất là khi không thỏa thuận chặt chẽ về giá ban đầu để xác định doanh thu qua việc dự toán” – ông nêu quan điểm.
Theo ông, chỉ bù đắp chia sẻ khi bị lỗ hoặc mất vốn còn giảm doanh thu là chuyện bình thường, nhà đầu tư phải chấp nhận. “Cá nhân tôi không đồng tình với việc chia sẻ rủi ro khi tăng giảm doanh thu” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh lại.
Cũng bàn về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, với nền kinh tế thị trường, nhà đầu tư phải lường được, tính toán được trong việc quản trị, điều hành những tình huống có thể xảy ra. “Trong các luật khác, nhà nước chia sẻ rủi ro trong trường hợp thiên tai bất khả kháng, giờ nếu quy định doanh nghiệp khi tham gia đầu tư bị giảm doanh thu lại được nhà nước chia sẻ rủi ro thì không ổn” – bà Nga phát biểu.
Nguồn: VTV |
Xem xét việc kiểm toán trước khi ký kết hợp đồng
Hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập xung quanh dự luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự luật được tiếp thu, sửa đổi bổ sung quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước thực hiện ở hai giai đoạn gồm trước khi ký kết hợp đồng và sau khi ký kết hợp đồng.
Trong đó, trước khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật kiểm toán Nhà nước về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần làm rõ việc kiểm toán quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công. Đây là quy định mới, phải xem xét có phù hợp với thông lệ quốc tế không. “Từ trước đến nay, cuối năm mới kiểm toán, giờ kiểm toán xong mới được ký hợp đồng. Đây là vấn đề phải giải thích và xem thực tiễn có thực thi được không?”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu băn khoăn.
Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Chỉ kiểm toán khi phát sinh, chứ chưa phát sinh thì kiểm toán cái gì? Ví dụ trước khi thanh toán, phải kiểm toán để còn thanh toán, chứ chưa có gì mà đã kiểm toán hợp đồng thì cần xem lại”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, trong giai đoạn chưa thực hiện dự án, vai trò chính là của cơ quan có trách nhiệm thẩm định, chứ không phải là của cơ quan kiểm toán. Phải quy định cơ quan thẩm định dự án phải chịu trách nhiệm về dự án đó. Nếu quy định cơ quan kiểm toán vào từ giai đoạn này là trái với thông lệ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải đối chiếu với thông lệ quốc tế, bởi có một thực tế đang đặt ra là nhiều doanh nghiệp không muốn làm BOT. "Chưa thực hiện dự án đã kiểm toán, làm xong lại kiểm toán lần nữa có thể gây phiền hà cho hoạt động của doanh nghiệp" - Chủ tịch Quốc hội nói./.