"Đào, phở và piano" với phép thử quảng bá
(ĐCSVN) - Việc "Đào, phở và piano" gây sốt có thể xem là "hên xui" khi nhìn ở góc độ quảng bá. Bởi, làm phim thời hiện đại mà theo tư duy bao cấp, đợi "hữu xạ tự nhiên hương" thì e rằng đó là cách tự làm mình tụt hậu. "Đào, phở và piano” có thể thành hiện tượng nhưng các phim Nhà nước khác thì chưa chắc!?
Trong nhiều lý do làm nên thành công chưa từng có của một bộ phim Nhà nước đặt hàng như “Đào, phở và piano” ngoài việc đây bộ phim chất lượng, xứng đáng được khán giả quan tâm, ủng hộ thì yếu tố truyền thông quảng bá là vấn đề cốt lõi. “Đào, phở và piano” là bộ phim vốn không có áp lực hoàn kinh phí, dẫn đến không chú trọng các hoạt động truyền thông. Bộ phim không được chiếu rộng rãi tại các cụm rạp trên toàn quốc, mà ban đầu chỉ được chiếu vài suất nhỏ ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội). Đến trailer của phim cũng chỉ mới xuất hiện sau hơn 2 tuần công chiếu.
Tuy nhiên, một video review phim “Đào, phở và piano” của một tiktoker nổi tiếng đã tạo ra sự quan tâm ban đầu đến bộ phim. Đây được xem là hiệu ứng trên mạng xã hội từ chính những khán giả có tầm ảnh hưởng. Sau đó, các bài đăng review phim xuất hiện hàng loạt trên các hội nhóm cộng đồng yêu lịch sử. Mỗi ngày có hàng ngàn bài viết nói về bộ phim tạo cảm giác đây là một bộ phim đáng để quan tâm. Truyền thông bùng nổ hơn nữa khi hình ảnh hàng dài người xếp hàng mua vé tại Rạp Quốc gia được các phương tiện truyền thông đăng lên càng làm tăng thêm phần tò mò. Ngoài ra, “Đào, phở và piano” được lan truyền vì đánh trúng nhu cầu được tìm hiểu lịch sử của một lượng lớn khán giả, điều họ cần là một “mồi” truyền thông để khơi dậy nhu cầu này.
Cảnh trong phim. (Ảnh: cand.com.vn) |
Nhìn vào các bước truyền thông khiến “Đào, phở và piano” trở thành cơn sốt sẽ thấy nếu không có những video review lan truyền các trên trang mạng xã hội, có lẽ “Đào, Phở và Piano” sẽ có kết cục như các bộ phim nhà nước đầu tư khác, không mấy người đến xem do… không ai biết, bị giảm suất chiếu, và sớm “nằm kho”. Nhiều cư dân mạng còn bình luận rằng, nếu không có các bài review, sẽ không thể biết tới một bộ phim lịch sử ý nghĩa như “Đào, Phở và Piano”. Đây có thể xem là trường hợp hiếm hoi của điện ảnh Việt khi khán giả “thay” đoàn phim đi quảng bá với mong muốn tác phẩm đến được với nhiều người hơn.
Nói, “Đào, phở và piano” không được truyền thông ra mắt cũng không hoàn toàn đúng. Trên thực tế, tác phẩm Bông Sen Bạc này có được truyền thông sau khi hoàn thành. Phim cũng có một buổi ra mắt nhưng với quy mô nhỏ, chỉ có các nghệ sĩ tham dự mà không có truyền thông, PR. Đó là cách đưa thông tin hết sức truyền thống, không truyền thông mạng xã hội, không khai thác sức hút của diễn viên, đạo diễn, nhân vật, bối cảnh… Và có lẽ, “Đào, phở và piano” cứ thế trôi qua mà không gặp được lớp khán giả của mình.
Được biết, trong những năm qua, phim do Nhà nước đầu tư sản xuất có số lượng hạn chế. Mỗi năm, Nhà nước đặt hàng từ 2 - 3 phim truyện điện ảnh, khoảng hơn 20 phim tài liệu, khoa học và 20 phim hoạt hình. Trên thực tế, các phim này gần như không có đầu ra bài bản. Hiếm hoi lắm mới có các phim theo hình thức hợp tác với các đơn vị tư nhân sản xuất như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác”, “Thạch thảo”… được phát hành rộng rãi ở rạp. Các phim còn lại sau khi sản xuất, nghiệm thu, tham gia giải thưởng rồi… “cất kho”. Một số được ra rạp hay phát sóng trên truyền hình cũng rất lặng lẽ.
Tại nhiều hội thảo về điện ảnh, truyền hình, không ít nhà làm phim bày tỏ quan ngại về mặt phát hành của phim đặt hàng Nhà nước. Theo chủ trương, một phim được đặt hàng làm từ ngân sách Nhà nước sẽ được chiếu miễn phí để đảm bảo người dân tiếp cận rộng rãi. Tuy nhiên, bất cập là phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước, không vì mục đích thương mại nên chỉ được chiếu duy nhất tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia - đơn vị phát hành phim của Nhà nước và 100% doanh thu chiếu phim phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Chính cơ chế chiếu phim một rạp Nhà nước khiến khán giả tiếp cận được ít, nhất là trong thời điểm bộ phim tạo được tiếng vang, sự chú ý của công chúng. Điều này có thể thấy rất rõ ở “Đào, phở và Piano”.
Khán giả xếp hàng mua vé xem phim "Đào, phở và piano" (Ảnh: Hoài Sơn) |
Khi sức hút của “ Đào, phở và Piano” là rất lớn cũng chỉ có hai doanh nghiệp điện ảnh tư nhân là Beta Media và Cinestar Vietnam chủ động liên hệ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được chiếu phim tại các cụm rạp của mình đồng thời khẳng định, sẽ nộp toàn bộ doanh thu bán vé của bộ phim về cho Nhà nước. Câu hỏi đặt ra: Vì sao một bộ phim “hot” như vậy mà các doanh nghiệp điện ảnh tư nhân lớn lại không xin phát hành?! Bởi: “Đào, phở và piano” là phim được Nhà nước cấp hoàn toàn kinh phí sản xuất, nhưng chưa có kinh phí phát hành mà để có thể phát hành phim ở hệ thống rạp tư nhân cần phải có tỷ lệ % cho đơn vị này. Vì vậy, hầu hết các đơn vị phát hành phim tư nhân lớn như CGV, BHD, Galaxy… không tham gia chiếu dù phim rất hút khách. Đây là một rào cản lớn trong cơ chế khiến phim Nhà nước rất khó tiếp cận các cụm rạp lớn.
Không chỉ phim truyện điện ảnh chịu cảnh “đắp chiếu” do cơ chế phát hành mà những phim tài liệu rất quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và phục vụ nhiệm vụ chính trị khán giả cũng khó được tiếp cận. Được biết, chưa có quy định về tỷ lệ, thời gian phát phim tài liệu, khoa học trên truyền hình. Sản xuất xong, hãng phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua phát sóng trên đài truyền hình trung ương và địa phương, tuần phim, chiếu phim lưu động… Đây được cho là nghịch lý, bởi đối với những sản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, việc phổ biến, tuyên truyền, quảng bá rất quan trọng. Những tác phẩm đó đến được càng gần, càng quen thuộc với khán giả thì việc thực hiện nhiệm vụ chính trị càng cao. Việc sản xuất ra mà để đấy tức là không đáp ứng mong muốn của nhà đầu tư, cũng chính là Nhà nước.
Từ những bất cập trên, có thể thấy kinh phí và cơ chế cho việc quảng bá các sản phẩm phim đặt hàng của Nhà nước là vẫn đề lớn nhưng cũng không phải không làm được nếu nhìn từ “Đào, phở và piano”. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, việc phổ biến phim hiện nay có nhiều thuận lợi. Nhiều phương tiện truyền thông đã phát huy khả năng để truyền tải thông tin chính xác, hiệu quả đến khán giả. Ngoài phương thức truyền thống là truyền hình, các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Tiktok… là các kênh thông tin hiệu quả nếu các hãng phim chịu khó vận động, thay vì chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí được cấp.
Thiết nghĩ, với bất cứ bộ phim nào của Việt Nam, dù là phim thương mại hay phim Nhà nước đặt hàng thì tất cả các dự án phim phải chuẩn bị cho mình kế hoạch phát hành cũng như các kế hoạch truyền thông và quảng bá một cách kịp thời mới có thể chạm được vào tất cả khán giả. Với tư duy là phim Nhà nước đặt hàng không có kế hoạch phát hành, chỉ chiếu và mong chờ khán giả để ý thì đến, không để ý thì thôi, như thế rất lãng phí. Và mục đích tuyên truyền cũng không đạt được.
Hiện tượng “Đào, phở và piano” cho thấy việc đưa các bộ phim sử dụng ngân sách Nhà nước ra rạp là một “phép thử” và bước đầu có những tín hiệu khả quan. Để phim sử dụng ngân sách Nhà nước đến gần hơn nữa với khán giả, chúng ta cần nghĩ đến việc xây dựng cơ chế “mở” để truyền thông bài bản, phát hành diện rộng như các phim tư nhân khác, trích % doanh thu sau phát hành để tái đầu tư, quảng bá cho các phim nghệ thuật khác… Các cơ quan quản lý cũng nên tính đến một phương thức hợp tác ngắn hạn với các nhà phát hành tư nhân trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Sự thay đổi ở đây, bắt đầu từ tư duy làm nghề, phải mang tính đồng bộ ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất để không còn cảnh “ném tiền qua cửa”.