Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất có tác động tới thị trường?

Thứ Năm, 10/10/2024 15:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay, để hạn chế tình trạng đầu cơ đồng thời ổn định thị trường, Bộ Xây dựng đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất đánh thuế đối với nhà, đất thứ hai và bất động sản bỏ hoang, không sử dụng. Vấn đề đặt ra, việc Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất tác động thế nào tới thị trường bất động sản và đời sống người dân?

 Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (Ảnh: PV)

Bộ Xây dựng vừa có văn bản phân tích cơ cấu giá thành, giá bán và nguyên nhân tăng giá bất động sản gửi Văn phòng Chính phủ. Theo Bộ này, giá bất động sản, nhà ở thương mại tại một số đô thị tăng cao trong thời gian gần đây, một phần lý do đến từ hiện tượng đầu cơ của các hội, nhóm, cá nhân.

Để hạn chế tình trạng đầu cơ đồng thời ổn định thị trường, Bộ Xây dựng đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất đánh thuế đối với nhà, đất thứ hai và bất động sản bỏ hoang, không sử dụng.

"Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng; nghiên cứu có chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời", Bộ Xây dựng nêu rõ.

Đề xuất của Bộ Xây dựng đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay. 

Đề cập đến việc Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất tác động thế nào tới thị trường bất động sản và đời sống người dân? Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Sở hữu tài sản nói chung và sở hữu bất động sản nói riêng là quyền của cá nhân đã được luật định. Khi nhận chuyển nhượng, tặng cho, hầu như để sở hữu tài sản người dân đều phải chịu các khoản phí, lệ phí, thuế như: Thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất, lệ phí sang tên… việc áp dụng đánh thuế đối với tài sản là bất động sản thứ hai tức đang áp dụng thu thuế thêm một lần nữa đối với tài sản. Nếu quy định đánh thuế thêm một lần nữa đối với người sở hữu bất động sản thứ hai tôi cho rằng có những mặt tích cực và tiêu cực.

Mặt tích cực này là giúp tạm thời ổn định thị trường bất động sản, tránh lãng phí do đầu cơ bất động sản, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng bất động sản bỏ hoang, không sử dụng. Ngoài ra, đối với hoạt động rửa tiền của hoạt động tội phạm qua việc đầu tư bất động sản cũng cần lưu ý. Đề xuất của Bộ Xây dựng được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay, đặc biệt ở phân khúc chung cư, nhà ở riêng lẻ, tạo nên cung - cầu giả gây bất ổn thị trường.

Mặt tiêu cực của bất động sản này là có thể quy định này thêm một lần nữa gây khó khăn cho người có thu nhập thấp, người nghèo, bộ phận dân cư ở nông thôn… ví dụ một cá nhân sở hữu bất động sản đầu tiên là do thừa kế bố mẹ tặng cho, nhưng sau đó lao động dành dụm tích cóp để mua thêm 01 bất động sản để sau này cho con, họ vẫn quản lý sử dụng bình thường nếu đánh thuế bất động sản thứ hai với họ có thể sẽ là bất hợp lý và không công bằng. Ngoài ra, đối với gia đình đông con nhưng con chưa đến tuổi nhận giao dịch chuyển nhượng, tặng cho khi bố mẹ có nhu cầu mua thêm đất để cho con cái có thêm chỗ ở mới thuận tiện cho việc học tập thì họ buộc phải đứng bất động sản thứ hai. Rất nhiều trường hợp trong thực tế mà việc sở hữu bất động sản thứ hai chỉ là tình thế, hoàn cảnh không phải mua bán - sở hữu nhằm mục đích đầu cơ, rửa tiền…

Do đó theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, khi đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất cần đánh giá tác động của quy định này đối với từng nhóm dân cư. Nếu cần thiết, cần phân loại để chỉ áp dụng đánh thuế bất động sản thứ hai có hiện trạng bỏ hoang không sử dụng là tác nhân chính gây lãng phí và gây bất ổn thị trường bất động sản. Là nguyên nhân khiến cho bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp mất cơ hội sở hữu nhà đất.

Ngoài ra, cần tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở pháp luật để hợp thức hoá giấy tờ cá nhân để đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, nhiều người không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội khi có tiền lại tìm cách trở thành đối tượng được mua nhà ở xã hội dành cho đối tượng đặc thù cũng là tác nhân khiến người nghèo, người thu nhập thấp bị hạn chế cơ hội tiếp cận chính sách nhà ở gây nên bất ổn cho phân khúc loại hình nhà ở này./.

Khánh Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN