Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc 60 năm thực hiện lời Bác (1963-2023)
(ĐCSVN) - Thực hiện lời căn dặn của Bác: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”, 60 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh đã luôn nêu cao ý chí quyết tâm, đồng lòng, sáng tạo, vượt qua nhiều thử thách, khó khăn, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Bác (1963-1996)
Nhiều hoạt động thiết thực được kỷ niệm nhân 60 năm Bác Hồ thăm và làm việc tại Vĩnh Phúc (Ảnh: PV) |
Trong những năm 1963-1996, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Vĩnh Phúc (sau đó là Vĩnh Phú) đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ mà vinh quang, kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thực hiện đường lối đổi mới đất nước đạt được nhiều thành tích vẻ vang, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau những thất bại thảm hại ở chiến trường miền Nam trong phong trào “Đồng khởi” và chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ liều lĩnh gây chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc nước ta. Ngày 7/11/1965, máy bay đế quốc Mỹ bắt đầu bắn phá Trạm Rađa Tam Đảo, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại đối với Vĩnh Phúc. Từ đây, Nhân dân Vĩnh Phúc cùng quân dân miền Bắc vừa phải trực diện chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ngay trên bầu trời quê hương mình, vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa làm nghĩa vụ hậu phương cho tiền tuyến.
Hòa chung khí thế quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ, quân dân Vĩnh Phúc với truyền thống cách mạng vẻ vang đã xiết chặt đội ngũ trong tư thế “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, thanh niên hăng hái trong phong trào “3 sẵn sàng”, phụ nữ “3 đảm đang” quyết tâm bảo vệ vững chắc những thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Trong bối cảnh chiến tranh diễn ra gay go, ác liệt, nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển và đạt kết quả cao. Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), cả 3 chỉ tiêu chủ yếu là năng suất, diện tích và sản lượng cây trồng đều tăng so với những năm trước. Đáng phấn khởi là từ năm 1963 đến năm 1965, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn miền Bắc về sản xuất lương thực, trồng cây, làm thuỷ lợi và phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, đặc biệt là về năng suất lúa.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, trong các phong trào: Làm phân, làm thủy lợi, trồng cây, chăn nuôi thời kỳ này của tỉnh cũng đã đạt những kết quả nổi bật.
Năm 1966, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, giảm so với năm 1965. Trước tình hình đó, ngày 10/9/1966, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ra Nghị quyết số 68-NQ/TU “Về một số vấn đề quản lý lao động trong HTX nông nghiệp hiện nay” đánh dấu sự ra đời chủ trương “Khoán hộ” (tiến hành khoán việc cho lao động, cho hộ, cho nhóm trong HTX nông nghiệp) ở Vĩnh Phúc, đã tạo động lực mới giúp nhiều HTX vươn lên đạt năng suất cao, trở thành điển hình tiên tiến của tỉnh. Tổng kết năm 1967, Ủy ban hành chính tỉnh công bố bảng vàng đạt trên 6 tấn thóc/ha cả năm gồm các huyện: Vĩnh Tường (10 HTX); Yên Lạc (5 HTX) và Tam Dương (2 HTX). Bảng vàng 7 tấn gồm 4 HTX của xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường là Thôn Trung, Thôn Thượng, Phù Lập và Cao Bình. Nhiều HTX được chọn làm điểm về “Khoán hộ” để nhân rộng, giới thiệu với các địa phương khác trong toàn tỉnh đến thăm và học tập. Do nhiều HTX đạt năng suất cao, đến năm 1967, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 222.000 tấn, tăng so với năm 1966 trên 4.000 tấn.
Khoán hộ và bước chuyển mình tiên phong của Vĩnh Phúc
Chủ trương “Khoán hộ” đã làm thay đổi đời sống của người nông dân ở nông thôn trong tỉnh (Ảnh tư liệu) |
Chủ trương “Khoán hộ” đã làm thay đổi đời sống của người nông dân ở nông thôn trong tỉnh, từng bước thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp phát triển, đáp ứng yêu cầu trong tình hình vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ. Với những kết quả đạt được sau khi đưa chủ trương “Khoán hộ” vào thực tiễn, đã chứng tỏ tính phù hợp, tiến bộ, sáng tạo trong đổi mới tư duy quản lý lao động hợp tác xã nông nghiệp lúc đó và sau này. Đồng thời, chủ trương “đi trước thời gian” đó trở thành một trong những căn cứ, cơ sở thực tiễn để Đảng ta nghiên cứu, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp về sau.
Lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả quan trọng. Đến năm 1967, mặc dù trường lớp phải sơ tán, điều kiện giảng dạy và học tập của thầy và trò khó khăn hơn, nhưng chất lượng giáo dục ngày càng cao. Công tác y tế đảm bảo khám, chữa bệnh kịp thời cho Nhân dân và chuyển hướng theo yêu cầu thời chiến một cách tích cực, khẩn trương.
Thắng lợi trên các mặt trận, nhất là nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với việc đảm bảo đời sống Nhân dân và làm nghĩa vụ với Nhà nước. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Phúc đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ hậu phương, cung cấp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm và hàng vạn người con Vĩnh Phúc lên đường ra chiến trường, được Chính phủ khen ngợi.
Không chỉ sản xuất giỏi, trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu, quân dân Vĩnh Phúc cũng đạt được nhiều thành tích rất vẻ vang. Ngay từ năm 1965, Vĩnh Phúc đã tiếp nhận nhiều cơ quan, trường học, các vụ, viện, đơn vị quân đội, kho tàng của Trung ương, Quân đội, thủ đô Hà Nội sơ tán về địa phương ăn ở và làm việc. Quân dân Vĩnh Phúc đã bỏ ra hàng triệu ngày công để đào hầm, hào phòng tránh máy bay tại gia đình, trên các trục đường, nơi công cộng như: Trường học, trạm, trại, cửa hàng, trụ sở và cả trên đồng ruộng, đảm bảo giao thông liên lạc, giải quyết hậu quả sau mỗi trận địch đánh phá... Tất cả các hoạt động được thực hiện theo quy định quân sự hóa. Mọi người, mọi nhà đều sẵn sàng tư thế phòng tránh, đánh địch.
Nhân dân và lực lượng dân quân, du kích ở nhiều địa phương còn tham gia xây dựng hàng chục trận địa pháo cao xạ, tên lửa cho bộ đội chủ lực. Đặc biệt, quân dân các huyện xung quanh sân bay Nội Bài đã đóng góp hàng vạn ngày công để san lấp hố bom, sửa chữa gấp sân bay khi bị địch bắn phá.
Với ý chí quyết chiến, quyết thắng bằng sức mạnh của chiến tranh nhân dân, trong 2 lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân dân trong tỉnh đã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh 783 trận, bắn rơi 120 máy bay Mỹ, trong đó có 2 chiếc pháo đài bay B52; 1 chiếc F111 (cánh cụp cánh xòe) là loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ lúc đó. Chỉ tính từ giữa năm 1966 đến hết năm 1967, quân dân Vĩnh Phúc đã phối hợp với bộ đội chủ lực bắn hạ 40 chiếc máy bay hiện đại của Mỹ, góp sức không nhỏ vào việc làm lung lay ý chí xâm lược của quân Mỹ, buộc Mỹ phải tuyên bố “phi Mỹ hóa” chiến tranh xâm lược (tức là thừa nhận thất bại), chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đến đàm phán ở Pari để bàn về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Hợp nhất Vĩnh Phúc – dấu ấn đặc biệt
Bộ mặt nông thôn Vĩnh Phúc ngày càng trù phú và no đủ (Ảnh: PV) |
Ngày 26/1/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504/NQ-QH về hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Tỉnh Vĩnh Phú có diện tích 5.103 km2, gần 1 triệu 30 vạn dân, trong đó có 9 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số; các đơn vị hành chính gồm: Thành phố Việt Trì, 3 thị xã (Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên), 18 huyện, 4 thị trấn và 422 xã. Mặc dù hợp nhất giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, nhưng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm làm theo lời Bác đã giành được những thắng lợi quan trọng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Giai đoạn 1968-1975, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh có bước tiến dài hơn so với trước. Trên địa bàn tỉnh rất nhiều HTX đạt 5 tấn thóc/ha cả năm trở lên (huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Yên đạt trên 6 tấn thóc/ha). Phong trào hợp tác hoá có chuyển biến, hợp tác xã được củng cố, chế độ sở hữu tập thể trong HTX được tăng cường. Đến đầu năm 1975, quy mô HTX được mở rộng, toàn tỉnh Vĩnh Phú còn 974 HTX, thu hút 98,9% số hộ nông dân vào HTX, trong đó có 162 HTX toàn xã.
Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển. Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” được đẩy mạnh. Phong trào bố túc văn hoá được duy trì. Công tác khám và điều trị bệnh được nâng lên.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Phúc đã lần lượt tiễn đưa 116.509 thanh niên nam, nữ lên đường tham gia quân đội, đạt chỉ tiêu 117,7% hàng năm. Huy động 3.850 thanh niên vào lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, quê hương, đất nước.
Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí giành thắng lợi hoàn toàn. Trong chiến công chung ấy, có sự đóng góp xứng đáng của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Vĩnh Phú (trong đó có Vĩnh Phúc). Với những đóng góp đó, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng: 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất; Năm 1978, Nhà nước phong tặng cho tập thể lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh, Nhân dân và lực lượng vũ trang phường Phúc Thắng, Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; có 42.174 người được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ các loại và 67.803 người được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ các loại.
Từ năm 1976 – 1985, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Vĩnh Phúc cùng Nhân dân cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với sản xuất nông nghiệp, ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100-CT/TW “Về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”; được coi là khâu đột phá quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc chuyển đổi cơ chế quản lý, từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh; nhấn mạnh tính chủ động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của người nông dân; trở thành động lực làm cho các hộ xã viên và người lao động phấn khởi sản xuất .
Với những lợi thế ban đầu, “Khoán 100” nhanh chóng đi vào cuộc sống của nông dân trong tỉnh. Từ năm 1981 - 1983, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh có sự chuyến biến khá hơn trước. Đến năm 1985, tỉnh đã chặn được đà giảm sút của sản xuất, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của cả nước. Đặc biệt, quá trình khoán sản phẩm ở tỉnh góp phần cung cấp cơ sở để Trung ương Đảng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý mới. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội những năm này trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước chưa toàn diện và chưa bền vững, có những mặt lại trì trệ , đến năm 1985, đất nước ta chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Ghi nhận những kết quả đạt được, năm 1985, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám, Hội đồng Nhà nước tặng Nhân dân các dân tộc, cán bộ chiến sỹ tỉnh Vĩnh Phú (trong đó có Vĩnh Phúc) Huân chương Sao vàng.
Từ năm 1986 – 1996, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong hoàn cảnh đất nước phải trải qua muôn vàn khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kêt một lòng vượt qua thử thách, giành được những thành tựu rất quan trọng. Kinh tế phát triển tương đối toàn diện và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng, nông, lâm nghiệp giảm; cơ chế kinh tế mới được khẳng định và đem lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều công trình quan trọng được xây dựng và đưa vào sử dụng phục vụ đắc lực nền kinh tế, xã hội của tỉnh. Văn hoá, xã hội một số mặt có chuyển biến tích cực. Công tác quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội có những mặt tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể Nhân dân có sự đổi mới bước đầu. Đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp Nhân dân được cải thiện./.