Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đám cưới của người Mông tỉnh Hà Giang

Thứ Ba, 24/01/2023 21:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Lễ cưới hỏi của người Mông tỉnh Hà Giang luôn có sức hấp dẫn không chỉ đối với đồng bào dân tộc Mông, mà còn thu hút sự quan tâm của những dân tộc anh em khác trên vùng cao các tỉnh phía Bắc.

Vào dịp Xuân về, Tết đến cũng là mùa cưới hỏi của người Mông, vùng đất này lại trở nên nhộn nhịp khác thường bởi khách du lịch trong và ngoài nước đến đây chiêm ngưỡng và thưởng thức một phong tục đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc Mông.

Để tiến tới hôn nhân, người Mông phải thực hiện trang trọng các nghi lễ như: “dạm hỏi”, “dẫn cưới” và “lễ đón dâu”, trong đó “lễ đón dâu” là một nghi lễ đặc biệt. Lễ được tổ chức vào mùa xuân, vì theo quan niệm của người Mông, đây là mùa vạn vật sinh sôi nẩy nở. Phong tục cưới hỏi này đã lưu truyền trong đời sống người Mông qua nhiều thế hệ và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, cũng như góp phần cho sắc màu vườn hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm rực rỡ.

 Tại nhà trai, họ hàng tề tựu, chuẩn bị lễ vật đón dâu. Theo phong tục, lễ vật mang sang nhà gái gồm có thịt lợn, thịt gà, rượu ngô, thuốc lào, tiền mặt, mèn mén, cơm xôi, túi vải, ô đen.
  Trước khi sang nhà gái, trưởng họ kiểm tra kỹ càng lễ vật, bàn giao lễ cho ông mối và phân việc cho từng người trong dòng họ.
Theo nghi lễ truyền thống, chú rể và phù rể vái lạy tổ tiên và trời đất...
 ... rồi ra cửa đợi đoàn chuẩn bị lên đường sang nhà gái.
 Trong nhà, ông mối và đại diện nhà trai cùng nhau uống rượu đi vòng tròn quanh bàn hai lần để xin phép tổ tiên.
 Dẫn đầu đoàn đón dâu là ông mối - ông là người có uy tín, biết ca hát, uống rượu, có kinh nghiệm giao tiếp, dẫn chuyện.
 Sau đó, ông mối hát bài “Xin chiếc ô đen” và nhận ô đen, túi vải từ trưởng họ, rồi dẫn đoàn lên đường.
 Bên nhà cô dâu hồi hộp, rộn rã chờ đón đoàn nhà trai đến xin dâu.
 Được nhà gái đón vào nhà, ông mối thực hiện nghi thức truyền thống, hát bài “Xin bàn ghế” và trao ô, túi vải, đồ lễ cho nhà gái và xin phép cho phù dâu vào buồng dẫn cô dâu ra chờ chú rể. 
Sau khi nhận dâu, chú rể, phù rể, ông mối phải lạy tổ tiên nhà gái, thực hiện các nghi thức tạ ơn, và nhận lễ vật của nhà gái và ra về. 
Cô dâu trong tâm trạng vui vẻ về "gánh vác giang san nhà chồng".
  Nhà trai làm Lễ nhập gia cho cô dâu khi hành trình đón dâu kết thúc.
 Tiếp đó, ông mối phấn khởi báo cáo với họ tộc về kết quả việc đón dâu. Ngay sau các nghi lễ truyền thống, mọi người trong họ và khách mời quây quần bên mâm rượu mừng hạnh phúc cô dâu chú rể, mừng gia tộc thêm một thành viên mới.
N.Quyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN