Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chờ đến Tết!

Thứ Ba, 24/01/2023 23:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với những đứa trẻ quê mùa năm nao giờ đã chuẩn bị lên ông, lên bà, không khí tết, ước ao tết, những giây phút hạnh phúc của Tết đã như vết sơn dầu vạch lên mảnh toan trắng, quên cả thời gian để cả đời gieo thương, rắc nhớ về một miền gần gũi mà xa thẳm.

Giữa đường, nghe hương trầm đầu đông, bâng khuâng nhớ Tết!

Mắt vương mớ quýt hôi lấm tấm vàng hanh hao lăn lóc quang gánh người bán rong giữa phố cuối thu, lầm rầm nhớ Tết.

Qua cửa hàng xóm, mùi Tết thảng bay theo làn khói gánh bún chả trưa hè…

…Nỗi nhớ đó là khoảng sáng ký ức của những đứa trẻ quê mùa năm nao giờ đã chuẩn bị lên ông, lên bà. Không khí tết, ước ao tết, những giây phút hạnh phúc của Tết đã như vết sơn dầu vạch lên mảnh toan trắng, quên cả thời gian để cả đời gieo thương, rắc nhớ về một miền gần gũi mà xa thẳm.

Tết xưa hình như là một thứ sức mạnh tinh thần, một hy vọng, một động lực để phấn đấu, để mong chờ. Ảnh: Phụ nữ và Gia đình

Thời hiện đại, hình như cảm nghĩ về tết chỉ chạm đến trước ngày ông Công ông Táo vài mươi ngày với những nỗi lo quà biếu, lễ nghĩa. Tết dường như chỉ còn là một điểm mốc của thời gian, khi cuốn lịch đã vơi, thay tờ lịch mới, khi mùa đông hết chuyển mùa xuân sang. Tết nay không còn là nỗi khắc khoải từ lúc lật vành đất ải để lo xuống mạ vụ mùa tháng 6, tháng 7 xa xưa, người Cha lẩm nhẩm tính vạt ruộng nào nhiều “màu” hơn, để gieo xuống đó những đon mạ nếp, đong đếm từng đon mạ, từng này thước ruộng, mong mỏi mưa thuận gió hòa trời đất sẽ cho thu về bao nhiêu hạt nếp ngọc ngà, thứ làm ra những đòn bánh chưng vỡ òa mùi tết. Cũng khắc ấy, người mẹ trỉa đậu bên sông, động viên đứa con bé bỏng co ro trong gió trái mùa đang lúi húi bên cạnh, rằng chịu khó chăm bón, đến mùa sẽ bán bớt mớ đậu mua quần áo mới… Trong gió sông ù ù, đứa bé mắt sáng lên, mơ đến một ngày cách đó còn vài tháng, sẽ được tung tăng chơi tết trong vạt áo hoa cà…

Cách tết non tháng, buổi tối cả nhà đã có một công việc rất thú vị, nó gây cho lũ trẻ con một sự náo nức, được kéo dài cảm giác chờ đợi quý giá, đấy là chẻ lạt, nối lạt giàng bánh. Những cây giang đưa về từ núi, được chẻ và tước từng lớp cho đến lúc mỏng tang như mảnh lụa trắng, xé nhỏ, nối và cuộn lại treo lên thân cau non đầu nhà để thấm đẫm sương khuya cho mềm mại, chờ ngày thân ái choàng quanh những đòn bánh hạnh phúc.

Tết, vui nhất là sáng 30, khi tiếng eng éc bốn phía trong làng, những đứa trẻ hớn hở cắp rổ theo bố mẹ đi “ăn đụng” lợn. Miếng thịt ngày ấy, hầu như chỉ ngày tết mới có. Một con lợn cọc thiếu cám nuôi cả năm không nổi dăm chục ký, sẽ là Tết của hàng chục nhà. Thế mà hớn hở, mà náo nức! Bữa trưa 30 có món nước suýt luộc lòng, thứ đặc sản cả năm có một lần sao quá thơm, để rất nhiều năm sau mỗi lần  có dịp, lại dâng lên niềm thương cha nhớ mẹ quắt lòng…

Nồi bánh chưng, thứ làm nên Tết, sẽ được nấu vào chiều 30, cho nó tươi mới mùi xuân. Củi gộc chuẩn bị cả năm cất kỹ ở trái hè được khuân ra vườn, nhen lửa như một lễ nghi. Chêm nước, chêm củi, thêm lửa, bớt lửa… cũng đều đặn, khuôn phép như một lễ nghi. Nồi bánh sẽ được đun thâu đêm, sẽ có người ngủ bên bếp lửa để canh bánh. Thủa đói kém, chuyện kể có nhà nấu bánh, cắt cử người canh, nằm bên bếp lửa ấm mà ngủ quên, ông trộm lẻn vào, khuân hết bánh, để lại chiếc nồi rỗng. Ôi cái thời, đến ông trộm cũng chỉ lấy được của khổ chủ vài chiếc bánh! Hẳn là nhà ông trộm bần cùng, rớt nước mắt biến mình thành trộm đi kiếm vị tết cho con…

Ngày ấy 4 mùa vất vả, niềm vui trong năm ít lắm, vì thế 3 ngày Tết như mỏ neo giằng díu những quan hệ thân sơ. Từ sáng mùng một, sau Lễ cúng nhà, là ríu rít khắp nẻo đường chúc tết. Ngày thường, sáng tối giáp mặt nhau, trăm thứ chuyện, suồng sã ngôn từ. Ấy vậy mà sáng mùng một, vẫn những con người tưởng nhẵn mặt nhau, bỗng trở nên khách khí, trang trọng, đi hẳn cổng chính sang nhà hàng xóm vốn dĩ chung dậu mùng tơi, chào hỏi như cả thế kỷ không gặp, chúc tụng nhau những thứ rất xa vời… nhưng mà vui lắm, hể hả lắm, tưởng chừng lời chúc năm mới sẽ đem đến cho người ta muôn điều hơn năm cũ, nuôi con trâu béo mầm vừa kéo cày vừa sinh sôi nảy nở, mảnh ruộng cấy không sâu phá không chuột bọ, thóc lúa đầy nhà, gà vịt đầy sân, con cái học hành đỗ đạt…

Ngày tết, trẻ con được ăn no hơn, cỗ tết sang hèn nhà nào cũng bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, cha mẹ có nhịn cũng sắm một mâm đặt sẵn trên ban thờ, khách nào đến cũng khệ nệ bê xuống mời, khách có no cũng phải cầm đũa xêu một miếng bánh chưng, khua vào đĩa thịt cho gia chủ vừa lòng, coi như lấy may cả năm cho gia chủ…

Tết vui nhất là trẻ con, được ăn no, nghịch mấy cũng không bị đánh vì cha mẹ kiêng, sợ mất “giông” cả năm. Tết được nghỉ học, có quần áo mới, dù có khi chỉ là may lại từ chiếc quần cũ của cha, được nhuộm màu từ cái chảo nhuộm chàm khói nghi ngút chợ làng ngày áp tết. Cái chảo nhuộm đem đến niềm vui mới mẻ đầu năm cho những đứa trẻ trong làng, đến bao giờ quên được! Chẳng đứa trẻ nào thắc mắc vì sao chúng đều diện đồng phục một màu xanh chàm rua rúa, thuốc nhuộm dính hết vào cẳng chân trần không dép. Tết hân hoan, reo ca trong lòng, đã át đi những lăn tăn, những nghèo đói, những khoảng cách giàu nghèo như thế…

 Không khí tết, ước ao tết, những giây phút hạnh phúc của Tết ngày ấy đã gieo thương, rắc nhớ về một miền gần gũi mà xa thẳm. Ảnh: internet.

Tết xưa, gọi là “ăn Tết”, có lẽ quanh năm đói kém thèm thuồng, có 3 ngày tết để ăn no, ăn ngon nên bao đời quen goi là ăn tết. “Đói quanh năm, no 3 ngày tết” là vậy.

Ngày nay người ta chơi tết, không còn là ăn tết nữa. Tết cũng không còn nhiều nhà ngóng con cái đi xa bất chợt trở về. Không còn hình ảnh những bóng người về ăn tết đổ dọc đường quê, người làng làm đồng nghển cổ lên đoán con cái nhà ai… và thế nào cũng có ai đó nhận ra con, ra chồng mà lao lên bờ mặc bùn bám đến hông, lao vào mà ôm, mà nghẹn ngào, mà tíu tít…

Nỗi lo tết ngày ấy được truyền từ đời cha đến con như một sự tiếp nối tự nhiên, sự tiếp nối của nghèo khó. Có những điều tưởng chừng cần phải mất đi, khi không còn bỗng thấy luyến nhớ, ấy là nỗi lo tết!

Tết xưa hình như quan trọng hơn, hình như là một thứ sức mạnh tinh thần, một hy vọng, một động lực để phấn đấu, để mong chờ. Nuôi được con lợn, con gà cũng chờ đến tết để được ăn. Muốn sắm cái bàn cái ghế cũng chờ đến tết cho mới. Muốn đến thăm nhau cũng chờ đến tết… Chẳng thể quên những năm tháng tuổi thơ, mong  mỏi Tết từ giữa năm, từ tháng 9, đếm ngược từng ngày…

Giờ mọi thứ đã đổi thay, đã tạm đủ đầy, mà sao bỗng dưng mong mỏi, bao giờ lại có cảm giác da diết CHỜ ĐẾN TẾT?! 

Đỗ Quyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN