Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đặc sắc trong lễ hội cầu mưa của người Khơ Mú

Thứ Ba, 06/07/2021 16:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Người Khơ Mú có đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Trong đó là các nghi lễ nông nghiệp hay các làn điệu dân ca. Lễ hội cầu mưa của đồng bào là một nét văn hóa dân gian đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào. Qua nghi lễ, con người thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin vào cuộc sống và thiên nhiên.

 Thầy cúng hành lễ mời các vị thần linh và tổ tiên về chứng giám.
(Ảnh: Baotintuc)

Lễ hội cầu mưa hay còn gọi là Tê hội cơ mạ của đồng bào Khơ Mú thường được tổ chức vào ngày 15/4 hằng năm. Đây là một nghi lễ nông nghiệp, đặc trưng tiêu biểu trong đời sống kinh tế cũng như văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khơ Mú. Họ quan niệm rằng sau khi reo hạt với ước nguyện một mùa năng suất cao phải tổ chức lễ hội cầu mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa để cây trồng tốt tươi, tránh khỏi hạn hán.

Thời điểm để tổ chức lễ cầu mưa của người Khơ Mú vào tháng Giêng, sau Tết Nguyên đán. Đó cũng là thời điểm để chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Lễ hội gồm 2 phần: phần nghi lễ cúng mời các vị thần linh và thế lực siêu nhiên về chứng giám, phần hội với các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca của dân tộc.

Nghi lễ cầu mưa của người Khơ Mú được chuẩn bị rất công phu. Đồ lễ dâng lên tổ tiên gồm một con gà trống, 1 chai rượu, 1 đĩa xôi, 1 bát nước, 2 đôi đũa, 2 cái thìa, 2 cái chén, 2 bát nhỏ, 1 bát canh. Trước bàn thờ tổ tiên thầy cúng khấn mời tổ tiên về thụ lễ và chứng giám, phù hộ cho dân bản được ấm no, hạnh phúc.

 Cô gái Khơ Mú trong lễ hội. (Ảnh: Baotintuc)

Cúng xong mỗi người một việc chuẩn bị đồ lễ cho ngày lễ hôm sau. Những lễ vật biểu chưng đại diện cho thế lực siêu nhiên đều được chuẩn bị hết sức chu đáo. Lễ vật không thể thiếu hình tượng sấm sét, hình con thuồng luồng và  hoa chuối đỏ tượng trưng cho mao của con thuồng luồng.

Sau khi chuẩn bị, thầy cúng bắt đầu làm lễ, gọi các vị thần làm ra mưa. Trong đó sẽ có những người đóng vai các vị thần, những con vật đại diện cho thế lực siêu nhiên để có thể mang mưa đến. Thông thường đây sẽ là những người đàn ông giỏi đối đáp, hiểu biết về phong tục tập quán và phải là người có uy tín. Những người được chọn vai sẽ trang trí mặt nạ theo nhân vật được giao, có thêm những đạo dụ như búa, dao đối với những người đóng vai thần sấm, thần sét.

Người đại diện cho thần sấm, thần sét khi được gọi đều phải múa theo nhịp chiêng và nghe hiệu lệnh của thầy cúng. Sau đó thần nước sẽ ra vẩy nước xung quanh tất cả mọi người  như lộc đầu năm rơi xuống mình để cầu may.

Bà con dân bản cùng nhảy những điệu múa truyền thống của dân tộc.
(Ảnh: Baotintuc) 

Ngoài ra, trong lễ cầu mưa của người Khơ Mú còn có hoạt động rất đặc biệt và thú vị. Theo quan niệm của đồng bào, nếu trời xảy ra hạn hán nghĩa là ông trời không giữ lời hứa. Vì vậy, họ sẽ chọc tức trời để cầu mưa theo một cách khác. Họ sẽ làm ngược lại những gì thường làm: thay vì nấu cơm bằng nồi, niêu, đồng bào Khơ Mú sẽ dùng mai cua, bẹ chuối để nấu. Hay họ làm vẩn đục khu vực suối sâu nơi con thuồng luồng trú ngụ, hoặc dùng cây rau dớn cho vào hang cua. Họ tin rằng khi làm điều trái ngược với lẽ tự nhiên, ông trời sẽ nổi giận, chừng phạt con người và cho mưa xuống.

Kết thúc phần lễ, phần hội diễn ra với các trò chơi: đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy… diễn ra sôi nổi. Những chàng trai cô gái uyển chuyển, duyên dáng trong từng nhịp bước chân nhảy múa hòa vào tiếng chiêng, tiếng khèn mang ý nghĩa phồn thực, thể hiện sự trường tồn theo thời gian. Phần hội diễn ra trong niềm vui, ước vọng về một vụ mùa mới khởi sắc và những điều tốt đẹp trong cuộc sống./.

Đỗ Thủy

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN