Đặc sắc lễ dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu
(ĐCSVN) - Trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Cơ Tu, cây nêu là vật kết nối giữa thần linh và con người, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và các vị thần linh. Chính vì vậy, nghi lễ dựng cây nêu được diễn ra vào những dịp lễ quan trọng như: lập làng, cầu mưa, mừng lúa mới…
Đối với người Cơ Tu, cây nêu được xem như “lễ đài” chính của lễ hội. Cây sẽ được dựng ở trước nhà Gươl, ngay trung tâm của buôn làng, là nơi sẽ diễn ra các hoạt động khấn tế thần linh, lễ hội đâm trâu, nhảy múa. Không chỉ vậy, cây nêu còn là một sản phẩm mĩ thuật độc đáo thể hiện tài nghệ điêu khắc, trang trí của các nghệ nhân dân gian Cơ Tu.
Cây nêu của đồng bào dân tộc Cơ Tu. (Ảnh: Đỗ Thủy) |
Trước khi diễn ra lễ hội, già làng sẽ thay mặt cho cả làng làm lễ cúng, báo cáo thần Giàng trong nhà Gươl để xin phép làm lễ dựng cây nêu. Sau đó dân làng sẽ đánh trống và nhảy múa vũ điệu truyền thống của người Cơ Tu ở trong nhà Gươl trước khi ra ngoài dựng cây nêu.
Cây nêu, cột lễ, cột đâm trâu của đồng bào Cơ Tu là cây thân gỗ và những cây tre được trang trí khá cầu kỳ trước 1 tháng diễn ra lễ hội; chúng được dựng, chôn ở chính giữa trung tâm sân của nhà làng. Cây nêu gồm nhiều chi tiết, hoa văn với 4 màu chủ đạo là: đen, trắng, đỏ, vàng thể hiện nét văn hóa truyền thống và chứa đựng yếu tố tâm linh trong tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu.
Cây nêu được dựng ngay trung tâm nhà làng. ( Ảnh: Đỗ Thủy) |
Trong ý tưởng tạo hình, cột lễ là hình ảnh tái hiện hình dáng của thần Lúa dang hai tay lên trời giống như hình ảnh của người phụ nữ Cơ Tu trong vũ điệu dá dá, đưa đôi tay họ lên trời để cầu xin hạt lúa của thần linh. Trên thân cột, hình cái cối được chạm khắc ở chính giữa là biểu tượng của phồn thực, ấm no, hạnh phúc. Đỉnh cột lễ có một đoạn tre được chẻ nhỏ tạo thành hình cái phễu ngửa lên trời. Trong khi đó, cây nêu được làm bằng 2 cây tre, được chôn ở vòng ngoài đối xứng nhau và uốn ngọn vào phía trong tạo thành hình cánh cung trên đỉnh cột lễ.
Già làng làm lễ cúng mời các vị thần linh về chứng giám. ( Ảnh: Đỗ Thủy) |
Đồng bào Cơ Tu xem đây là nơi thần linh hội tụ về dự lễ, nơi đón nhận sinh khí của đất trời, nơi để thần linh chứng giám và hưởng thụ lễ vật hiến tế. Sau khi cây nêu được dựng lên, lễ cúng lại được diễn ra ngay dưới thân cây. Mâm lễ cúng bao gồm: 2 con gà, 1 con lợn, 1 ché rượu và tiết lợn tươi để làm lễ dâng lên Giàng.
Phụ nữ Cơ Tu trong vũ điệu "Tung tung dá dá". ( Ảnh: Đỗ Thủy) |
Trong nghi lễ đâm trâu và cúng hồn lúa, già làng cùng đội cồng chiêng, đội múa đi vòng quanh cây nêu, ngược chiều kim đồng hồ để khóc trâu, tiễn biệt. Sau phần lễ sẽ là phần hội, cả buôn làng từ người già đến người trẻ sẽ cùng nhau đứng thành vòng tròn xung quanh cây nêu, cột lễ để trình diễn vũ điệu “Tung tung dá dá”. Trong tiếng trống chiêng, tiếng khèn cùng tiếng hú tù rộn rã, đồng bao Cơ Tu cùng nhau nhảy múa để cầu mong cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu.
Nghi lễ dựng cây nêu của đồng bào dân tộc Cơ Tu là điển hình trong việc bảo lưu các giá trị văn hóa nguyên gốc của văn hóa truyền thống.