Đặc sắc Chẳm chéo của người Thái Tây Bắc
(ĐCSVN)- Trong mâm cơm của người dân tộc Thái ở Tây Bắc, có một món chấm được coi là “linh hồn” (phi khuôn) của bữa ăn. Đối với người Thái, bữa cơm có thể không có thịt, không có cá nhưng không thể thiếu bát chéo đặt giữa mâm. Tuy chỉ là một thứ đồ chấm, song chéo lại mang trong mình giá trị đặc biệt trong đời sống văn hóa người Thái.
Ảnh minh họa |
Chẳm chéo không phải là món ăn “thần thánh” nó giản dị, gần gũi nhưng chứa đựng trong đó biết bao tinh hoa giá trị của những người con dân tộc Thái.
Có nhiều người khi phiên dịch món ăn này ra tiếng phổ thông đã gọi là “chẳm chéo” và cách gọi này đã trở nên gần gũi quen thuộc. Thực ra cách gọi chính xác nhất món này là “chéo”, bởi từ “chẳm” trong tiếng Thái vốn dĩ là một động từ: chấm.
Không biết chéo đã xuất hiện trong mâm cơm người Thái từ khi nào, chỉ nhớ rằng kể từ khi biết ăn cơm, món đầu tiên mẹ dạy tôi ăn là cơm nắm chấm chéo: “kin khảu chẳm chéo chắng khà tăm” (ăn cơm chấm chéo thì chân mới khỏe).
Để có được bát chéo thơm ngon, thì nguyên liệu cần chuẩn bị cơ bản gồm có: Ớt khô (hoặc ớt tươi); tỏi củ; muối và mì chính. Từ nguyên liệu trên, ta có thể làm được hai loại chéo cơ bản: chéo khô (từ ớt khô nướng) và chéo ướt (từ ớt tươi nướng). Ở một số vùng khác nhau thì nguyên liệu làm chéo cũng sẽ khác nhau. Đặc biệt là ở Điện Biên, người Thái nơi đây giã chéo (tằm chéo) không thể thiếu nguyên liệu đặc biệt, là hạt mắc khén (một loại hạt tiêu rừng có mùi thơm và vị cay nồng). Nhưng ở quê hương Sơn La, món chéo lại chỉ có những nguyên liệu đơn giản, hạt mắc khén sẽ tùy từng món ăn hoặc món chấm mà cho vào.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, ớt đã nướng chín thơm, tỏi đã được bóc vỏ thì các nguyên liệu này sẽ được cho vào một chiếc cối (chuyên chỉ để giã chéo), dùng chày giã đều tay đến khi nhuyễn mới cho ra bát. Bình thường như vậy là xong nhưng nếu món chéo hôm đó để chấm măng ta có thể bỏ vào một hai lá chanh hoặc nếu để chấm thịt thì ta có thể bỏ vào một ít rau mùi giã cùng cho món chấm của mình thơm hơn.
Cách làm đơn giản, nguyên liệu bình dị sẵn trong cuộc sống nhưng từ lâu chẳm chéo đã trở thành món ăn đặc trưng thẫm đẫm văn hóa của núi rừng Tây Bắc.