Đa số doanh nghiệp EU đánh giá tích cực về triển vọng hoạt động dài hạn tại Việt Nam
(ĐCSVN) - Theo Chỉ số Niềm tin kinh doanh do EuroCham Việt Nam công bố vào đầu năm 2024, gần 3/4 (71%) doanh nghiệp EU đánh giá tích cực về triển vọng hoạt động dài hạn tại Việt Nam.
Buổi làm việc với Phái đoàn của Hội đồng Kinh doanh châu Âu – ASEAN (EU-ABC) gồm hơn 40 tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực |
Ngày 27/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã có buổi tiếp và làm việc với Phái đoàn của Hội đồng Kinh doanh châu Âu – ASEAN (EU-ABC) gồm hơn 40 tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực như: năng lượng, dược phẩm, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, hóa chất, tài chính, bảo hiểm, dịch vụ phân phối, hàng không...
Chuyến công tác của Phái đoàn doanh nghiệp EU-ABC là hoạt động thường niên do EU-ABC và EuroCham phối hợp tổ chức tại một số quốc gia ASEAN, nhằm thúc đẩy hoạt thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại khu vực Đông Nam Á.
Tham gia buổi tiếp có Lãnh đạo các Vụ: Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Chính sách thương mại đa biên, Tiết kiệm năng lượng & Phát triển bền vững; các Cục: Điện lực & Năng lượng tái tạo, Điều tiết điện lực, Xuất nhập khẩu, Công nghiệp, Thương mại điện tử & Kinh tế số; Tổng cục Quản lý thị trường; Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long hoan nghênh và đánh giá cao mục đích chuyến công tác của Đoàn, đồng thời nhấn mạnh quan hệ hợp tác ASEAN - EU thời gian qua đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN với kim ngạch hai chiều đạt 296,87 tỷ USD năm 2023, đồng thời cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu vào khu vực Đông Nam Á. ASEAN - EU là minh chứng của mối quan hệ đối tác giữa hai tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới trong phát triển hợp tác đa phương, thúc đẩy thương mại tự do trên cơ sở chia sẻ các giá trị và lợi ích chung.
Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam hiện có điều kiện thuận lợi để triển khai hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác EU, nhất là khi Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong ASEAN và có ưu thế lớn từ Hiệp định EVFTA. Hai Bên bày tỏ lạc quan khi những năm gần đây, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – EU đã đạt nhiều kết quả tích cực và đặc biệt đáng ghi nhận trong bối cảnh khu vực thị trường bất ổn, chuỗi cung ứng, giao thương đối mặt với nhiều khó khăn. EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam; ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Trong vai trò là nước điều phối quan hệ hợp tác kinh tế ASEAN – EU và là nước đang phát triển đầu tiên ký kết và đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do với EU, Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Bên, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, góp phần duy trì ổn định và tính đa dạng của chuỗi cung ứng kết nối nền kinh tế hai khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và EU.
Đại diện Phái đoàn doanh nghiệp châu Âu, ông Jens Rübbert, Chủ tịch Hội đồng EU-ABC cho biết, EU-ABC luôn nỗ lực duy trì mối quan hệ hợp tác bền vững với khối ASEAN và các quốc gia thành viên; đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN trong thúc đẩy các mục tiêu kinh tế chung. Các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam vẫn luôn đặt niềm tin vào thị trường này. Theo Chỉ số Niềm tin kinh doanh do EuroCham Việt Nam công bố vào đầu năm 2024, gần 3/4 (71%) doanh nghiệp EU đánh giá tích cực về triển vọng hoạt động dài hạn tại Việt Nam. Chỉ số cho thấy tâm lý tích cực và lạc quan về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, cũng như khẳng định những nỗ lực hợp tác giữa hai Bên.
Chuyến công tác của Phái đoàn doanh nghiệp EU-ABC là hoạt động thường niên do EU-ABC và EuroCham phối hợp tổ chức |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và Phái đoàn doanh nghiệp châu Âu đã có những trao đổi cụ thể, thiết thực xoay quanh nhiều nhóm vấn đề như thực thi Hiệp định EVFTA, hợp tác trong chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững, thương mại điện tử, phòng chống hàng giả, hàng nhập lậu,… Phía EU – ABC ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy một nền kinh tế xanh, bền vững; đây cũng là tầm nhìn chung giúp tăng cường sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam đối với các doanh nghiệp châu Âu và kỳ vọng với định hướng này Việt Nam và châu Âu sẽ đạt được những chuyển biến tích cực hơn nữa trong các hoạt động hợp tác kinh tế song phương thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, hai Bên khẳng định và đánh giá cao triển vọng phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa ASEAN – EU và Việt Nam – EU; đồng thời thống nhất tăng cường hợp tác chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư hiệu quả, lâu dài. Bộ Công Thương đề xuất cần tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế từ Hiệp định EVFTA, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hoá chất, dược phẩm…). Đồng thời tăng cường các lĩnh vực hợp tác mới, quan trọng, hai Bên cùng quan tâm và cũng là thế mạnh của EU như kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn... Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được nguồn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cao từ phía các đối tác EU để xây dựng mô hình sản xuất, hệ thống kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, cùng xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng, bền vững.
Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế châu Âu mất đà tăng trưởng, lạm phát cao, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu hàng hóa tại EU sụt giảm đã tác động đáng kể đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực thị trường này. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2023 đạt 58,6 tỷ USD, giảm 5,8% so với năm 2022, trong đó xuất khẩu đạt 43,7 tỷ USD, giảm 6,7%, nhập khẩu đạt 14,9 tỷ USD, giảm 3,2%. Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU năm 2023 ở mức 28,7 tỷ USD, giảm so với mức 31,4 tỷ USD trong năm 2022. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đã có dấu hiệu cải thiện kể từ quý cuối năm 2023 khi chỉ còn giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Bước sang những tháng đầu năm 2024, hoạt động thương mại song phương ghi nhận khởi đầu khả quan khi tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tích cực, bất chấp kinh tế khu vực vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 26,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 20,3 tỷ USD, tăng 14%, nhập khẩu đạt 6,29 tỷ USD, tăng 9,5%. Theo số liệu từ Eurostat, EU nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 16,54 tỷ EUR, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái; đáng chú ý, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu của EU giảm nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng. Thị phần hàng hóa của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối trong 4 tháng đầu năm 2024 chiếm 2,1%, cao hơn thị phần của các nước ASEAN khác như Malaysia (1,1%), Thái Lan (1,1%), Singapore (0,7%), Indonesia (0,6%). |