Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đà Nẵng: Vụ chặt phá cây rừng ở bán đảo Sơn Trà chỉ là “phát quang cây bụi và dây leo” ?

Thứ Bảy, 27/02/2016 09:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trước thông tin phản ánh của báo chí về tình trạng chặt phá cây rừng tại bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) làm ảnh hưởng đến môi trường sống của loài vọoc chà vá chân nâu, ngày 26/2, đại diện chính quyền địa phương đã lên tiếng cho rằng đây không phải là hành vi phá rừng mà chỉ là “phát quang cây bụi và dây leo”…

Đây là hiện trạng cây rừng bị chặt phá chứ không phải phát quang cây bụi và dây leo

 

Theo văn bản số 184/UBND-VP của UBND quận Sơn Trà do bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận ký gửi UBND thành phố Đà Nẵng vào ngày 26/2 thì, khi nhận được thông tin phản ánh của cá nhân Tuan Greenviet trên mạng xã hội facebook, trưa ngày 24/02/2016 UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo UBND phường Thọ Quang cùng các cơ quan chức năng liên hệ, làm việc với cá nhân và cơ quan của người đăng tin (Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh) để nắm thông tin và đi kiểm tra thực tế xác minh, khẩn trương xử lý vụ việc. Đoàn đi xác minh đến 17h30 do trời sắp tối, địa hình khó khăn nên phải tạm dừng để sáng 25/2/2016 tiếp tục đi.

Chiều cùng ngày, UBND quận Sơn Trà cũng đã nhận được Công văn số 02/CV-NVX ngày 24/02/2016 của Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh về việc kiến nghị tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động chặt cây rừng tại bán đảo Sơn Trà thuộc diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND phường Thọ Quang quản lý.

Văn bản trên cũng cho biết, vào sáng ngày 25/2, UBND quận đã giao UBND phường Thọ Quang chủ trì phối hợp cùng Đội Kiểm tra quy tắc Đô thị và các đơn vị chuyên môn liên quan đi kiểm tra và xử lý tại hiện trường. Qua kiểm tra cho thấy, hiện trạng khu vực mà báo chí và cá nhân có tên Tuan Greenviet trên mạng xã hội facebook phản ánh “phá rừng” là 02 trường hợp thuộc diện nhận giao khoán đất trồng rừng.

Trong đó, trường hợp thứ nhất là của ông Phan Hùng Mạnh. Ông Mạnh được giao khoán đất trồng rừng tại Tiểu khu 64 (Tiểu khu 53 và 54 cũ) theo Hợp đồng số 98b/HĐGK ngày 20/10/1997 và Hợp đồng số 78b/HĐGK ngày 10/8/1998 với Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Tại hiện trường, hộ ông Mạnh có phát quang cây bụi và dây leo từ khu vực suối Om về phía Bắc với chiều dài khoảng 200m, chiều sâu từ 20-30m và có tập kết một số cây giống là xoài và mít để chuẩn bị trồng.  

Trường hợp thứ 2 là với ông Nguyễn Văn Tâm. Ông Tâm được giao khoán 7 ha đất để trồng rừng tại Tiểu khu 62 (Tiểu khu 54 cũ) theo Hợp đồng số 69/HĐGK ngày 20/10/1998 với Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Ông Tâm đã ủy quyền cho ông Lê Việt Hồng được sử dụng 1,5 ha rừng của mình vào ngày 06/02/2016.

Tại hiện trường, hộ ông Hồng có phát quang cây bụi, dây leo (diện tích phát quang đang được Hạt Kiểm lâm xác định), xây dựng lán trại và mở đường với chiều dài khoảng 300m, nơi rộng nhất khoảng 2,5m từ đường bê tông đến khu vực lán trại. 

Theo UBND quận Sơn Trà, qua kết quả kiểm tra này, các lực lượng chức năng của quận và phường đã lập biên bản và tổ chức tháo gỡ lán trại xây dựng trái phép của ông Lê Việt Hồng. Đến trưa cùng ngày đã hoàn thành việc tháo dỡ lán trại.

Chiều cùng ngày, UBND phường Thọ Quang chủ trì phối hợp cùng các ngành có liên quan mời ông Nguyễn Văn Tâm, ông Lê Việt Hồng, ông Phan Hùng Mạnh lên làm việc. Tại buổi làm việc, các lực lượng chức năng đã yêu cầu hộ ông Nguyễn Văn Tâm và ông Lê Việt Hồng dừng ngay việc phát rừng và vận chuyển vật dụng dùng để làm lán trại ra khỏi khu vực đất trồng rừng trước 17h 00 ngày 27/02/2016; đồng thời thực hiện biện pháp khắc phục bằng cách trồng cây theo quy định và hướng dẫn của Hạt Kiểm lâm bắt đầu từ đầu đường bê tông đến lán trại. Thời gian hoàn thành là đến hết ngày 10/03/2016.

Nếu trường hợp ông Tâm và ông Hồng không thực hiện, UBND phường sẽ tham mưu UBND quận thu hồi hợp đồng giao khoán đất đối với hộ ông Nguyễn Văn Tâm. Đối với các lao động làm thuê cho hộ ông Hồng, giao Trưởng Công an phường Thọ Quang xử lý theo quy định của Luật cư trú.

Theo văn bản báo cáo trên của UBND quận Sơn Trà, qua buổi làm việc, hộ ông Nguyễn Văn Tâm và ông Lê Việt Hồng đã xác nhận việc tự ý mở rộng lối mòn để làm đường đi và xây dựng lán trại tại khu vực trên khi chưa xin phép là sai quy định. Đồng thời cam kết thực hiện các yêu cầu khắc phục đúng thời gian yêu cầu và chấp hành xử phạt theo quy định.

Đối với trường hợp ông Mạnh có xuất trình Đơn xin trồng cây, đơn này UBND phường Thọ Quang đã chuyển cho Hạt Kiểm lâm xử lý, hướng dẫn hộ dân thực hiện. Lực lượng chức năng đã yêu cầu ông Mạnh dừng ngay việc phát quang tại khu vực này; đồng thời liên hệ với Hạt Kiểm lâm để được hướng dẫn việc trồng cây theo đúng quy định.

Cũng theo văn bản báo cáo trên, 2 trường hợp này thuộc hộ giao khoán trồng rừng trên đất khác, đang trong giai đoạn Hạt Kiểm lâm bàn giao cho UBND phường quản lý (mới bàn giao trên giấy tờ, chưa bàn giao trên thực địa). Hiện nay, UBND quận tiếp tục tập trung chỉ đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn, UBND phường Thọ Quang khẩn trương xử lý dứt điểm vụ việc và tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng rừng trên bán đảo.

Một đoạn con đường đất mở để xuống lán trại

Như vậy, theo UBND quận Sơn Trà, các trường hợp mà cá nhân có tên Tuan GreenViet trên mạng xã hội facebook và báo chí phản ánh mấy ngày qua cho rằng “đã phá rừng Sơn Trà, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của loài Vọoc chà vá chân nâu- Một trọng những loài sinh quyền quý cần được bảo vệ và đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam chỉ là “Phát quang cây bụi, dây leo” chứ không phải chặt phá rừng ?! Chính vì nhận định và kết luận như vậy nên trong văn bản này, UBND quận Sơn Trà- địa phương trực tiếp quản lý về mặt hành chính và được UBND thành phố Đà Nẵng giao trách nhiệm quản lý thực địa Bán đảo Sơn Trà cũng như hệ sinh thái của khu vực rừng Sơn Trà hoàn toàn không đề cập đến trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm và UBND phường Thọ Quang khi để xảy ra vụ việc này.

Trong khi trước đó, vào ngày 24/2, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.Đà Nẵng)- đơn vị có chức năng nghiên cứu, truyền thông và giáo dục trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, từ năm 2012 đến nay đã phối hợp với các ngành hữu quan của TP.Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn loài Vọoc chà vá chân nâu và đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà đã có Công văn số 02/CV-NVX kiến nghị đến UBND quận Sơn Trà và  UBND phường Thọ Quang tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động chặt cây rừng tại bán đảo Sơn Trà thuộc diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND phường Thọ Quang quản lý. Theo Công văn trên, ghi nhận của Trung tâm GreenViet từ tháng 12/2015 đến nay, tại diện tích đất rừng thuộc 2 dự án du lịch là dự án du lịch sinh thái biển Tiên Sa mở rộng (phía tuyến đường Tiên Sa) và dự án Khu du lịch sinh thái biển bãi Bắc mở rộng (ở khu vực suối Om) đang có nhiều công nhân được chủ thuê để làm việc. Các hoạt động tại đây của những công nhân này là mở đường đi và chặt phá rừng tự nhiên để phát tầng cây bụi đã làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của bán đảo, đặc biệt với loài Vọoc chà vá chân nâu- Loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao. Diện tích thuộc quyền sử dụng của 2 dự án này là nơi sống của Vọoc chà vá chân nâu với khoảng 75 cá thể.

Theo Trung tâm GreenViet, việc công nhân ăn, ở, sinh hoạt tại lán trong rừng nên khó kiểm soát việc họ bẫy bắt động vật rừng. Đặc biệt, vào ngày 24/2/2016, cán bộ Trung tâm đã gặp khoảng gần 10 công nhân vừa trở lại lán thuộc diện tích của dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa mở rộng; trong khi đó 12 công nhân khác cũng đang chặt phá cây rừng tại dự án Khu du lịch sinh thái biển bãi Bắc mở rộng. Những công nhân này cho biết họ được ông chủ thuê làm.

Để xác minh thông tin trên, sáng 25/2, lực lượng chức năng quận Sơn Trà đã tiến hành kiểm tra thực địa mà Trung tâm GreenViet đã phản ánh. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện và cho tháo dỡ lán trại xây dựng trái phép ở tiểu khu 62, rừng bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) do ông Nguyễn Văn Tâm làm chủ. Đích thân ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng cũng đến hiện trường để kiểm tra tình trạng phá rừng, trồng rừng và xây dựng lán trại trái phép này.

Theo biên bản, tại thời điểm lập biên bản, ông Tâm không xuất trình được giấy tờ liên quan đến đất trồng rừng cũng như giấy phép xây dựng công trình lán trại tại tiểu khu 62. Sau khi tiến hành tháo dỡ, cơ quan chức năng cũng buộc ông Tâm không được xây dựng bất cứ công trình gì trên phần diện tích được giao khoán trồng rừng tại tiểu khu 62, đồng thời di dời toàn bộ vật dụng, vật liệu xây dựng và công nhân lao động làm rừng ra khỏi khu vực rừng.

Khu lán trại được làm bằng tôn và gỗ và cũng là nơi ăn ở của hàng chục công nhân

 

Theo ghi nhận của phóng viên, tại thực địa, hộ ông Tâm đã thuê công nhân chặt phá phát rừng, đào đất làm đường gần 400 m vào rừng xây dựng lán trại (rộng gần 50m2 bằng tôn và khung sắt, gỗ, nền lót gạch vỉa hè) từ trước tết Nguyên Đán đến nay. Cũng tại hiện trường, một mảng rừng rộng lớn trải dài gần 400m bị phát trọc, cây cối loại nhỏ bị chặt hạ, thân cây phơi khô bỏ ngổn ngang quanh khu vực này.

Trước thực tế đó, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng đã phải chỉ đạo: “Vụ việc này cần phải xử lý đến nơi đến chốn. Ai làm sai, thiếu trách nhiệm phải nhận trách nhiệm chứ không đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau”.

Như vậy, mặc dù ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Ban tại buổi kiểm tra trước đó 1 ngày khá rõ ràng, nhưng UBND quận Sơn Trà trong văn bản báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng mà trên chúng tôi đã đề cập đã không hề đề cập đến trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm và UBND phường Thọ Quang khi để xảy ra vụ việc này; đồng thời cũng cho rằng đây không phải là vụ phá rừng mà chỉ là "phát quang cây bụi và dây leo"...

Có điều gì uẩn khúc trong vụ việc này? Có hay không việc bao che cho các hành vi sai phạm? 

Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh và thông tin về vấn đề này.

Bài, ảnh: Đình Tăng

 

 


có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN