Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài, khi về Việt Nam có phải đăng ký lại?

Thứ Ba, 07/05/2024 17:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thời gian qua, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài về việc đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài, khi về Việt Nam sinh sống có phải đăng ký lại không?

 Luật sư Hà Thị Khuyên, Trưởng phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hà Thị Khuyên (Trưởng phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Tại khoản 2, Điều 2, Luật Hộ tịch, đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, hoặc ghi vào sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư. Bên cạnh đó, tại khoản 3, Điều 3, Luật Hộ tịch, việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì ghi vào sổ hộ tịch tại cơ quan hộ tịch ở Việt Nam.

Hiện nay, nhiều công dân Việt Nam khi ra nước ngoài đã kết hôn và sinh sống một thời gian tại nước sở tại, nhưng sau đó muốn trở về Việt Nam để sinh sống. Khi về Việt Nam, người đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài cần làm thủ tục như sau:

Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài rồi, thì khi về Việt Nam chỉ phải thực hiện việc ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn:

Tại Điều 48, Luật Hộ tịch năm 2014 quy định khi công dân Việt Nam đã đăng ký kết hôn với người nước ngoài hoặc với công dân Việt Nam khác ở nước ngoài thì không cần phải thực hiện việc đăng ký lại kết hôn:

- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cá nhân đã đăng ký kết hôn hoặc ghi chú việc kết hôn trước đây ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn của cá nhân đã thực hiện ở nước ngoài.

Khi thủ tục kết hôn đã được thông qua tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì công dân Việt Nam chỉ phải thực hiện việc ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn này khi tại thời điểm kết hôn các bên đáp ứng điều kiện kết hôn, không vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Còn trong trường hợp không đáp ứng điều kiện kết hôn nhưng không vi phạm điều cấm vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì cũng ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch trong hai trường hợp sau đây:

- Khi yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục;

- Ghi vào Sổ hộ tịch để bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em.

Vì thế khi đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài thì công dân Việt Nam không cần thực hiện việc đăng ký kết hôn lại ở Việt Nam mà chỉ cần thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn để việc kết hôn tại nước ngoài được công nhận ở Việt Nam.

Hồ sơ đăng ký ghi chú kết hôn cần chuẩn bị:

Theo quy định tại Điều 35 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, hồ sơ cần phải có để thực hiện việc ghi chú kết hôn gồm:

- Tờ khai ghi chú kết hôn theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP;

- Bản sao Giấy đăng ký kết hôn đã được thực hiện ở nước ngoài, do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp;

- Nếu gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì còn phải nộp bản sao giấy tờ của cả hai bên nam, nữ.

Hình thức nộp hồ sơ: Việc nộp hồ sơ này có thể thực hiện nộp trực tiếp hoặc nộp thông qua hệ thống bưu chính và do một trong hai bên kết hôn nộp tại cơ quan có thẩm quyền.

Trình tự xử lý Hồ sơ đăng ký ghi chú kết hôn tại Việt Nam:

Tại khoản 1, Điều 48, Luật Hộ tịch năm 2014 quy định cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc ghi vào Sổ hộ tịch việc đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài của công dân Việt Nam là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt nam.

Vì thế, để được công nhận việc kết hôn đã thực hiện ở nước ngoài tại Việt Nam, công dân Việt Nam cần đến trực tiếp hoặc nộp qua bưu điện những giấy tờ, tài liệu kể trên đến UBND cấp huyện nơi mình sinh sống ở Việt Nam để thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn.

Theo quy định tại khoản 3, Điều  35, Nghị định 123/2015/NĐ-CP, trình tự thủ tục ghi chú vào Sổ hộ tịch việc kết hôn đã đăng ký ở nước ngoài gồm các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu theo quy định.

Bước 2: Nộp hồ sơ qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú (thường trú + tạm trú) của công dân Việt Nam.

Bước 3: Hướng xử lý các trường hợp cụ thể…

- Nếu thấy yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn là đủ điều kiện theo quy định tại Điều 34 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Trưởng phòng Tư pháp ghi vào sổ và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.

- Nếu thấy yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 36, Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Trưởng phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để từ chối.

Theo đó, tại Điều 36 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định các trường hợp bị từ chối ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn bao gồm:

- Việc kết hôn vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

- Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam.

Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện từ chối ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, Phòng Tư pháp thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho người yêu cầu. Thời gian thực hiện thủ tục được quy định tại khoản 2, Điều 35, Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cụ thể:

- Thời hạn giải quyết ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Tư pháp tiếp nhận hồ sơ.

- Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc.

Như vậy, khi một công dân Việt Nam đã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn ở nước ngoài, mà muốn được công nhận ở Việt Nam, thì phải thực hiện thủ tục ghi vào sổ hộ tịch, mà không phải đăng ký kết hôn tại Việt Nam./.

Khánh Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN