Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đa dạng hoá, bảo đảm phổ biến, giáo dục pháp luật trọng tâm, trọng điểm

Thứ Năm, 22/12/2022 18:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được các đại biểu quan tâm, kiến nghị tại Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 22/12, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, qua 10 năm triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013) công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng bài bản và đi vào nền nếp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. 

Để có một cách nhìn toàn diện, sâu sắc về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong chặng đường 10 năm triển khai thi hành luật, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả thực hiện Luật trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổng kết thực hiện Luật PBGDPL trong phạm vi cả nước.  

Trình bày báo cáo, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên cho hay, Luật PBGDPL đã được các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tổ chức quán triệt, phổ biến một cách nghiêm túc, rộng rãi, có sự chuyển biến tích cực về nội dung theo hướng ngày càng đa dạng, phong phú hơn.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TH.

Luật đã phát huy vai trò là thiết chế nền tảng để tạo lập khung khổ pháp lý đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật  hoạt động và phát triển ổn định, ngày càng có chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần đảm bảo quyền được thông tin pháp luật, hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Thông qua PBGDPL, người dân đã dần chủ động, tích cực trong việc tự học tập, tìm hiểu pháp luật, sử dụng pháp luật như công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Đồng thời, nhờ vậy đã góp phần giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo, nâng cao trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. 

Nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đã được nâng lên trên tinh thần thống nhất nhận thức, xác định rõ công tác PBGDPL là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.

“Kết quả thực hiện Luật cũng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và tăng cường quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật; góp phần ngăn chặn, giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhiều lĩnh vực”, Phó Vụ trưởng Phan Hồng Nguyên khẳng định.

Tại Hội thảo, các ý kiến đã tập trung thảo luận làm rõ các kết quả đã đạt được, phân tích nguyên nhân, hạn chế trong quá trình triển khai Luật 10 năm qua. Trên cơ sở đó thống nhất quan điểm, trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa của công tác PBGDPL đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Đồng thời, đề xuất các giải pháp trong hoàn thiện thể chế công tác PBGDPL bao gồm: Kiện toàn bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về PBGDPL; thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chính sách thu hút, khuyến khích sự tham gia của xã hội vào hoạt động PBGDPL và bảo đảm kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Tiếp tục đổi mới nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, chú trọng đối tượng đặc thù; bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các vấn đề nổi cộm…/.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN