Cử tri kỳ vọng ở Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
(ĐCSVN) - Với việc quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các mặt của đời sống xã hội; xem xét, thảo luận và thông qua nhiều dự án luật gắn với cơ sở và người dân, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước.
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Nam Sơn. |
Sáng nay (20/10), Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên khai mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Với việc quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các mặt của đời sống xã hội, Kỳ họp đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước. Đánh giá về các nội dung sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp, đặc biệt là tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, cử tri Nguyễn Thị Hoàn ở phường Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình (Hòa Bình) cho rằng, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế. Do đó, Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp trì trệ.
Về tình trạng nhiều người bỏ việc ở các cơ quan thuộc khu vực công, bà Hoàn đề xuất ý kiến Quốc hội nên quan tâm, nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong khối y tế và giáo dục.
Cử tri Nguyễn Thị Hoàn ở phường Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình (Hòa Bình). Ảnh: Quang Đạo. |
Quan tâm đến Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cử tri H’Cân Ayun ở phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ, có những tiềm năng thuận lợi song vì nhiều lý do, thời gian qua Buôn Ma Thuột chưa có được những bước phát triển đột phá. "Nếu nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột được thông qua tại kỳ họp này, tôi tin chắc sẽ mở ra cơ hội để Thành phố chuyển mình mạnh mẽ trên cơ sở khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của địa phương", cử tri H’Cân Ayun bày tỏ.
Liên quan đến các nội dung của công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ tư, cử tri Kim Ngọc Hải ở quận Ba Đình (Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu. Tuy nhiên, anh Hải cho rằng, dự thảo luật cần chi tiết hơn, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, tránh chồng chéo, có kẽ hở trong quản lý dẫn đến thất thoát, lấn chiếm; đó là cơ sở để giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay, nhằm giải phóng nguồn lực, tạo thông thoáng cho qua trình phát triển kinh tế - xã hội.
Cử tri Kim Ngọc Hải ở quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Quang Đạo. |
Đồng tình với quan điểm trên, cử tri Nguyễn Mạnh Cường ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng cho rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gắn với những vấn đề “nóng” nhất hiện nay. Vì vậy, anh Cường kỳ vọng các đại biểu sẽ tập trung thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến, có giá trị tham khảo; làm cơ sở để từng bước hoàn chỉnh dự án Luật Đất đai (sửa đổi), một vấn đề quan trọng đối với cuộc sống người dân và sự phát triển đất nước. “Vấn đề quan trọng là luật sau sửa đổi phải tháo gỡ được những “điểm nghẽn” trong các hoạt động quản lý, sử dụng, chuyển nhượng liên quan đến tài nguyên đất đai”, cử tri Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ./.