Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cứ đúng quy định mà làm

Chủ Nhật, 19/09/2021 10:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Lo lắng cho sự an toàn của bản thân và gia đình khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp là đương nhiên, nhưng nếu đi ngược với quy định, quy tắc nghề nghiệp thì nó lại được coi là hành vi, hành động chưa đẹp, thậm chí có thể bị xem xét xử lý.

Ngày 13/9, mạng xã hội lan truyền thông tin bé gái P.K.T. (13 tuổi, trú tại phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer vào các ngày 11/8 và 4/9, điểm tiêm là Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt, thu hút nhiều người quan tâm.

Nhiều người thắc mắc việc tiêm này có đúng quy định hay không vì hiện Bộ Y tế chưa cho phép tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi.

Căn cứ báo cáo của Tổ công tác kiểm tra, xác minh thông tin trẻ 13 tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin Pfizer, Thường trực UBND quận Thốt Nốt họp và đã thống nhất đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Kim Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt trong 15 ngày và một cán bộ liên quan công tác tại Trạm Y tế phường Tân Lộc để rà soát, kiểm tra tổng thể mức độ vi phạm, sau đó sẽ có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.

Ảnh chụp Giấy xác nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 của cháu bé 13 tuổi sinh sống tại thành phố Cần Thơ.

Dù cho Giám đốc Trung tâm y tế quận Thốt Nốt lý giải cháu bé 13 tuổi nói trên là cháu ở cùng nhà của cán bộ Trạm Y tế phường Tân Lộc nên việc tiêm cho cháu bé này là đúng quy định nhưng lãnh đạo Sở Y tế TP Cần Thơ cho rằng, hiện Bộ Y tế cũng như Sở Y tế chưa có chủ trương tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết đã chỉ đạo ngành chức năng và địa phương kiểm điểm những người liên quan trong vụ việc trên, quan điểm ai sai sẽ bị xử lý nghiêm.

Thực tế là việc phê duyệt danh sách tiêm do quận quyết định, dựa theo lượng vaccine được phân bổ, nhưng bất luận thế nào tất cả phải dựa theo hướng dẫn chuyên môn, văn bản chỉ đạo, chấp thuận mới nhất của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành y tế cấp Bộ và Sở.

 Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đây là loại vaccine được phê duyệt để tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên và nêu rõ trong hướng dẫn của nhà sản xuất. Hiện nay, hãng cũng đã hoàn thiện hồ sơ để có thể tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi và đang chờ phê duyệt.

Tuy nhiên, trong thời điểm nguồn cung vaccine vẫn còn hạn chế như hiện tại, Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất rõ về các đối tượng ưu tiên tiêm như: Lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và phát triển kinh tế, người cao tuổi, người có bệnh lý nền... và phải trên 18 tuổi. Việc sử dụng vaccine không đúng đối tượng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng toàn quốc nói chung, và đặc biệt là sự công bằng, điều này là hết sức không nên.

Ngoài ra, vaccine sẽ không thể dùng được nữa nếu để quá 6 tiếng sau khi mở nắp. Do vậy, có thể linh hoạt trong trường hợp khi hết người tiêm chủng mà vẫn còn thuốc thì có thể tiêm cho những người không có trong danh sách tiêm nhưng vẫn đang có mặt tại điểm tiêm.

“Nếu thực sự vận dụng trong những tình huống bất khả kháng như trên thì có thể cân nhắc, chấp nhận được. Còn trong trường hợp không phải vận dụng mà bằng hình thức này hay hình thức khác, cố tình tiêm không đúng đối tượng thì đó là việc làm trái quy định”, bác sĩ Thái bày tỏ quan điểm.

 Về góc độ pháp lý, Luật gia Trần Thị Oanh, Công ty Luật TNHH Trường Sơn cho rằng, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn, nên không thể nói nữ nhân viên Trạm Y tế phường Tân Lộc không nắm được quy định này.

Chính phủ sẽ có kế hoạch tiêm cho người dưới 18 tuổi, vấn đề là sẽ phải lựa chọn thời điểm thích hợp, loại vaccine phù hợp để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người tiêm phòng; chứ không phải đối tượng dưới 18 tuổi không được tiêm.

Hành vi của nữ nhân viên y tế phường Tân Lộc cũng dễ hiểu vì nó xuất phát từ động cơ lo lắng cho sức khỏe của người thân trong gia đình, trong khi bản thân lại có điều kiện làm việc này. Tuy nhiên, nếu ai cũng vì lo cho người thân mà đi ngược lại với quy định của ngành thì hệ lụy sẽ như thế nào? Xét dưới góc độ đạo đức, quy tắc nghề nghiệp là hoàn toàn không phù hợp và không đảm bảo công bằng trong tiêm chủng, bởi vaccine COVID-19 thời điểm này đang còn hạn chế, cần tập trung cho nhóm đối tượng ưu tiên.

“Cơ quan quản lý Nhà nước đã đưa ra quy định thì phải làm theo. Trường hợp làm trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ nhân viên y tế bị xem xét trách nhiệm mà còn làm liên đới những người khác vì để được tiêm vaccine COVID-19 phải thực hiện rất nhiều bước như tiếp nhận và phân loại đối tượng tiêm tại nơi tiếp đón, hoàn thành phiếu đồng ý tiêm, khám sàng lọc trước tiêm chủng…”, Luật gia Trần Thị Oanh nhấn mạnh.

Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, cái gì sai chúng ta phải thừa nhận là sai. Nhất là những người công tác trong ngành y, cần phải tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật. Đối với những hành vi vi phạm, cần phải được xem xét, kiểm điểm để quy trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm vừa để giáo dục cá nhân sai phạm nói riêng đồng thời cảnh tỉnh cho người khác.

Thật may mắn tại thời điểm này chưa có báo cáo ghi nhận bất kỳ một biến động sức khỏe bất thường nào của cháu bé sau khi tiêm.

Do đó, một lần nữa chúng ta cần phải thực sự tuân thủ nghiêm và đầy đủ nguyên tắc nằm lòng, ngắn gọn nhưng hết sức cần thiết đối nhân viên y tế: 3 tra, 5 chiếu và 5 đúng trong dùng thuốc./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN