COP27: Các chuyên gia kêu gọi giữ mục tiêu nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C
(ĐCSVN) – Sự mở rộng đáng lo ngại các dự án trong lĩnh vực dầu khí và than đá, mặc dù khoa học cho rằng nhiên liệu hóa thạch nên nằm trong lòng đất để tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu, đã là trung tâm của các cuộc thảo luận trong “Ngày Năng lượng” 15/11 tại COP27, khi nhiều chuyên gia lo ngại mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C đang bị đe dọa.
Năng lượng tái tạo, như những tuabin gió ở Thái Lan, giúp chống lại biến đổi khí hậu. (Ảnh: ADB) |
Ngành năng lượng, vốn chịu trách nhiệm đối với hơn 2/3 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, chủ yếu chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù nguồn nhiên liệu này cung cấp điện và giao thông cho hầu hết thế giới, nhưng nó đi kèm với những đau khổ và mất mát sâu sắc cho các cộng đồng và hệ sinh thái dễ bị tổn thương. Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), chỉ 29% sản lượng điện toàn cầu hiện nay là từ năng lượng tái tạo và lượng khí thải carbon tiếp tục có xu hướng tăng lên.
Phát biểu tại một sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27, Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở Sharm El-Sheikh (Ai Cập), Giám đốc điều hành UNEP, bà Inger Andersen cho rằng, kể từ COP26 tại Glasgow, thế giới vẫn đang "trì hoãn" trong hành động vì khí hậu. "Đến năm 2030, chúng ta cần giảm lượng khí thải từ 30 – 45%, nhưng kể từ COP26, chúng ta mới giảm được 1%. Vì vậy, chúng ta còn cả một chặng đường dài phía trước” - bà nêu rõ.
Bà Andersen lưu ý rằng chúng ta hiện đang sống trong một thế giới đã ấm lên 1,1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp, và đang chứng kiến tình trạng gia tăng các trận bão, hạn hán, lũ lụt và mất mùa. “Các chính sách hiện tại đang đưa chúng ta đến một thế giới ấm lên 2,8 độ C… Điều quan trọng là phải có một cuộc thảo luận về việc giảm lượng khí thải và ai là người chịu trách nhiệm về điều đó. G20, nhóm họp vào tuần này... cùng chịu trách nhiệm về 75% tổng lượng khí thải” – bà nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế G20 đầu tư vào tài chính khí hậu và “công bằng khí hậu”.
Mục tiêu luôn là 1,5 độ
Cùng chia sẻ về nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu, ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, nói rằng đây là mục tiêu do Thỏa thuận Paris năm 2015 đặt ra nhưng cũng bắt nguồn từ khoa học và dữ liệu thực tế.
Chuyên gia của Liên hợp quốc nhấn mạnh, bất kỳ mức tăng nào trên 1,5 độ C đều làm tăng rủi ro đối với sức khỏe, sinh kế, an ninh lương thực, cung cấp nước, an ninh con người và tăng trưởng kinh tế. “Đối với nhiều người, nó đã là địa ngục... mỗi phần nhỏ của mức độ vượt quá 1,5 sẽ khiến ngày càng có nhiều cuộc sống con người gặp rủi ro trên hành tinh này" – ông Simon Stiell nêu rõ, đồng thời kêu gọi các quốc gia nghiêm túc trong nỗ lực thực hiện cam kết đã đưa ra ở Glasgow.
Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu kêu gọi các quốc gia cần đưa ra “lập trường quan trọng” về những vấn đề như: Giảm thiểu, thích ứng, hỗ trợ tài chính và trách nhiệm pháp lý cho tổn thất và thiệt hại.
Những diễn biến tích cực
Bên cạnh đó, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cũng hoan nghênh việc Nam Phi đã khởi động một chương trình trị giá hàng triệu USD để chuyển từ than đá sang năng lượng xanh, đồng thời gọi đây là thời điểm quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Ông Simon Stiell bày tỏ hy vọng sẽ “nghe được nhiều tham vọng hơn trong lĩnh vực này khi các Bộ trưởng G20 nhóm họp tại Bali”. “Chúng ta đang đạt được tiến bộ tại COP27, nhưng tiến xa hơn và nhanh hơn cũng có nghĩa là hành động vượt ra ngoài COP để giảm lượng khí thải” – ông nhấn mạnh.
Trong một diễn biến có liên quan khác, ngày 15/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Mỹ, Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Đầu tư Khí hậu sẽ đầu tư 20 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Indonesia. Khoản tài trợ này được cung cấp cho Công ty Sarana Multi Infrastruktur (SMI) trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Indonesia.
Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra tại Bali (Indonesia), Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan cho biết khoản đầu tư 20 tỷ USD mà Indonesia nhận được sẽ được sử dụng để tạo ra một nền kinh tế bền vững cho các thế hệ tương lai. Ông nhấn mạnh: “Indonesia đã cam kết hướng tới một nền kinh tế ít thải CO2, trong đó quá trình chuyển đổi năng lượng là chìa khóa”, đồng thời cho biết thêm rằng khoản đầu tư trên sẽ được sử dụng để giảm khí thải, thúc đẩy năng lượng tái tạo và chuyển giao kiến thức để phát triển công nghệ. Theo ông Luhut, quá trình chuyển đổi năng lượng cũng có thể giúp tạo ra những việc làm mới thân thiện với môi trường và mang lại lợi ích cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ tình trạng biến đổi khí hậu. Ông Luhut cũng cam kết trong vòng 6 tháng tới, Chính phủ Indonesia sẽ dẫn đầu soạn thảo một kế hoạch hành động hợp tác nhằm thúc đẩy đầu tư bao trùm cho quá trình chuyển đổi năng lượng tại quốc gia Đông Nam Á này.
Các công cụ luôn sẵn có, chỉ cần sử dụng chúng
Theo ông Jim Skea, nhà khoa học và là thành viên của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), những năm qua, thế giới đã chứng kiến những bước phát triển lớn trong năng lượng tái tạo, với chi phí giảm và việc triển khai ngày càng tăng.
Ông Jim Skea nêu rõ: “Một nửa lượng khí thải toàn cầu hiện được quy định trong luật khí hậu. 1/5 lượng khí thải toàn cầu được bao phủ bởi giá carbon. Vì vậy, mọi người vẫn chưa hoàn toàn sử dụng tất cả các công cụ, nhưng họ có sẵn. Và nếu mọi người có đủ ý chí để làm điều đó, những điều tuyệt vời có thể xảy ra”.
Ông Jim Skea cho biết các báo cáo của IPCC chỉ rõ rằng trong ngắn hạn, cần phải cắt giảm "rất lớn" việc sử dụng than, cắt giảm trung bình dầu và cắt giảm khí đốt một cách khiêm tốn để đảm bảo kịch bản 1,5 độ C vẫn có thể đạt được.
Nhà khoa học này nhấn mạnh chúng ta phải giảm tiêu thụ khí đốt 45% vào năm 2050, điều này thể hiện mức giảm 2% mỗi năm; đồng thời lưu ý rằng thế giới cần“ từ bỏ "tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch, nhưng có lẽ ở các tốc độ khác nhau".
Tương lai của năng lượng
Theo ông Francesco La Camera, Tổng giám đốc IRENA, tương lai của các hệ thống năng lượng sẽ chủ yếu dựa vào năng lượng tái tạo và được bổ sung bởi hydro xanh và sử dụng sinh khối bền vững.
Đồng tình với đánh giá của nhà khoa học Jim Skea, ông Francesco La Camera cho biết, chúng ta hiện có chưa đầy 1/3 nhiên liệu tái tạo và 2/3 nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng. Chúng ta sẽ có một tình huống hoàn toàn khác vào năm 2050, nơi năng lượng tái tạo và năng lượng sạch sẽ chiếm hơn 2/3 năng lượng…
Tổng giám đốc IRENA cũng nói thêm rằng năng lượng tái tạo có thể tạo ra nhiều việc làm gấp 3 lần so với mức đầu tư bình đẳng vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đóng góp nhiều hơn vào GDP của các quốc gia.
Theo chuyên gia này, “cuộc khủng hoảng Ukraine đã xác nhận sự kết thúc của hệ thống năng lượng tập trung dựa trên nhiên liệu hóa thạch. Các chính phủ đã bất ngờ phát hiện ra rằng chúng ta không thể có 80% đất nước phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và mọi người hiện muốn lựa chọn một hệ thống có thể độc lập hơn”.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc IRENA lưu ý quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra không đủ tốc độ và quy mô cần thiết để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu./.