Công dân có được từ chối giao đất khi thấy đền bù không thỏa đáng?
(ĐCSVN) - Theo pháp luật hiện hành, khi Nhà nước thu hồi đất thì người dân không có quyền thỏa thuận mức giá bồi thường mà sẽ được nêu ý kiến đối với phương án bồi thường. Bởi lẽ người dân không phải là chủ sở hữu đất đai mà chỉ là “người sử dụng đất” theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Trong nhiều năm qua, vấn đề công bố dự án, kiểm đếm, lên phương án thu hồi, bồi thường đền bù đất… cho mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng luôn nhận được sự chú ý của dư luận. Một trong những nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm là liệu người dân có quyền từ chối giao đất khi thấy mức đền bù không thỏa đáng?
Về nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật sư Trương Anh Tuấn (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất nếu người sử dụng đất không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
Luật Đất đai 2024 quy định mỗi địa phương sẽ quyết định bảng giá đất và điều chỉnh giá mỗi năm 1 lần để phù hợp với giá đất thị trường thay vì 5 năm/lần và căn cứ vào giá đất tối thiểu - tối đa do Chính phủ ban hành như hiện nay (Ảnh Tiến Hào) |
Cụ thể, Khoản 7 Điều 87 Chương VI Luật Đất đai 2024 (Luật số: 31/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024), có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 nêu rõ:
Ủy ban Nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
Việc tổ chức vận động, thuyết phục được tiến hành trong thời gian 10 ngày và phải được thể hiện bằng văn bản. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi vẫn không chấp hành việc bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 89 của Luật này.
“Có thể thấy, khi thực hiện thu hồi thì người dân sẽ chỉ được chọn và thỏa thuận phương án bồi thường chứ sẽ không được chọn mức bồi thường được nhận là bao nhiêu”, luật sư Tuấn phân tích.
Theo Khoản 2 Điều 91 Mục 1 Chương VII Luật Đất đai 2024, việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với người có đất thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.
Giá bồi thường về đất cũng được Nhà nước quyết định theo giá đất cụ thể (giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai và áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp).
Trong khi đó, theo ông Tạ Vũ Sơn, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận Long Biên (thành phố Hà Nội), Luật Đất đai 2024 quy định giá bồi thường về đất cũng được Nhà nước quyết định theo giá đất cụ thể (giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai và áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp).
Cụ thể, theo Điều 159 Mục 2 Chương XI Luật Đất đai 2024 thì bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Hàng năm, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo.
Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất trong năm, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất. Trong quá trình thực hiện, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức tư vấn xác định giá đất để xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.
Cùng với những quyền lợi hợp pháp, theo Điều 108 Mục 4 Chương VII Luật Đất đai 2024, người dân còn được hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: Hỗ trợ ổn định đời sống; Hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ di dời vật nuôi; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp quy định tại Khoản 8 Điều 111 của Luật này; Hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời theo quy định tại Khoản 3 Điều 105 của Luật này.
Ngoài ra, tùy thực tế tại địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cũng có thể quyết định biện pháp, mức hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản cho từng dự án cụ thể.
“Dù người sử dụng đất thấy giá đền bù không thỏa đáng thì vẫn phải bàn giao lại đất cho Nhà nước, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế thu hồi; trường hợp có căn cứ cho rằng cơ quan Nhà nước làm sai thì người sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện hành chính”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.