Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Công bố Pháp lệnh về trình tự áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND

Thứ Sáu, 30/12/2022 16:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND quy định những nguyên tắc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng bảo đảm tính đặc thù, phù hợp với người chưa thành niên.

Chiều ngày 30/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, phiên họp thứ 18 thông qua ngày 13/12/2022.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo.

Pháp lệnh gồm 5 Chương, 44 điều quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân (TAND) xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo.

Ảnh: TH 

Bổ sung biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

Giới thiệu về một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, so với Pháp lệnh số 09/2014, Pháp lệnh mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khó XV, phiên họp thứ 18 thông qua ngày 13/12/2022 có một số điểm mới cụ thể như sau: Bổ sung thẩm quyền Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là TAND cấp huyện nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm trong trường hợp người đề nghị là Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc công an cấp tỉnh; Quy định về chi phí, lệ phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Quy định về phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thể được tổ chức theo hình thức trực tuyến; Quy định trình tự, thủ tục tranh luận tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án; Bổ sung biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định.

Đề cập thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho hay: Pháp lệnh quy định một số thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên, bảo đảm lợi ích tốt nhất và phù hợp cho các em như sau: Thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn; trong phiên họp, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp được hỗ trợ người chưa thành niên; việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ.

Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ  giới thiệu về một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh. Ảnh: TH.

Thẩm phán tiến hành phiên họp không được hạn chế thời gian tranh luận

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng thay thế biện pháp xử lý vi phạm hành chính được thực hiện độc lập hay gắn với biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng?, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC) Nguyễn Chí Công cho biết: Theo quy định tại Điều 140a của Luật của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: “Giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính ….”. Như vậy, biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp phái sinh của biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng mà không phải là biện pháp độc lập. Để áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng, trước hết Tòa án phải xem xét người bị đề nghị đã đủ các điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, tiếp đó xem xét các điều kiện theo quy định tại Điều 140a của Luật Xử lý vi phạm hành chính để áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng mà không bắt buộc phụ thuộc vào đề nghị của cơ quan lập hồ sơ.

Một trong những điểm mới của Pháp lệnh là quy định về trình tự, thủ tục tranh luận tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Về vấn đề này, Vụ trưởng Nguyễn Chí Công cho biết: Việc tranh luận được tiến hành theo sự điều hành của Thẩm phán. Người tham gia tranh luận có quyền đối đáp lại ý kiến của người khác. Thẩm phán tiến hành phiên họp không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho họ tranh luận, trình bày hết ý kiến; có quyền yêu cầu dừng những ý kiến không liên quan đến vụ việc hoặc ý kiến lặp lại; nhằm bảo đảm phiên họp được diễn ra thuận lợi, phù hợp từng vụ việc nhất định./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN