Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Con gà trong đời sống người Tày ở vùng Tây Bắc

Thứ Hai, 10/06/2024 13:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Gà là con vật lành, không chỉ gắn bó với đời sống nông nghiệp của cư dân Tày vùng Tây Bắc mà còn gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân tộc của người dân nơi đây.

Từ bao đời nay, đồng bào Tày vùng Tây Bắc đã thuần hóa, đưa gà rừng về nuôi và dần dần gà trở thành vật nuôi chính trong đời sống nông nghiệp của con người. Đối với người Tày, gà có mặt trong nhiều hoạt động từ văn hóa ẩm thực cho tới các hoạt động tế lễ, tâm linh gắn với những quan niệm nhân sinh sâu sắc về thiên nhiên, con người và cuộc sống.

Theo quan niệm xưa, khi gà trống gáy, tiếng gáy vang vọng đến núi cao, vang đến rừng sâu, xua tan đêm tối, khiến ma quỷ khiếp sợ không dám phá hoại. Vì vậy, vào ngày tết đầu năm mới, người dân có tục dán tranh gà ở cửa như một tấm “bùa” để xua đuổi ma quỷ và cầu mong một năm tốt lành. Ngoài ra, con gà trống oai vệ, hùng dũng còn biểu tượng cho sự thịnh vượng và 5 đức tính tốt mà nam giới cần có là: văn, võ, dũng, nhân, tính. Hình tượng gà trống gắn liền với ý nghĩa văn hóa trong đời sống dân sinh. Theo truyền thuyết, gà trống ứng vào tháng Giêng. Đặc biệt ngày mùng một lại ẩn chứa thời khắc cầm tinh gà. Vì thế, gà còn mang biểu tượng sâu sắc cho ngày Tết Nguyên đán. Hình tượng gà trong tục thờ Mẫu, Thánh, Ngũ phủ cũng thường được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh.

Gà là con vật lành, gắn bó với đời sống nông nghiệp của cư dân Tày vùng Tây Bắc. 

Quan niệm về con gà của người Tày vùng Tây Bắc luôn gắn với sự kính trọng, sung túc. Trong mâm cỗ, khi ngồi ăn, cái đầu gà bao giờ cũng phải xếp lên trên cùng của đĩa thịt và đặt ở mâm những bậc cao niên trong gia đình. Bao giờ cũng vậy, người ta luôn gắp chiếc đầu gà được chặt đôi cho người cao tuổi nhất trong gia đình với sự kính trọng đối với người dẫn đầu, đứng đầu. Còn phần đùi gà thì luôn được để nguyên, không chặt từng miếng vì theo quan niệm của người Tày, chặt ra như thế cuộc sống sẽ trở nên lụn bại không sung túc. Khi biếu quà, người Tày Tây Bắc thường biếu các loại bánh kèm theo cặp đùi gà gói trong lá dong xanh ngắt. Trong những phiên chợ, người dân từ trong các bản Tày khi mang gà đi bán không bao giờ mang bán một con mà thường bán cả đôi vì theo quan niệm của đồng bào, cái gì cũng phải có đôi, có lứa, như thế cuộc sống mới luôn sung túc, phát triển.

Không chỉ vậy, hầu hết những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Tày đều không thể thiếu con gà. Đặc biệt mỗi năm tết đến, xuân về phải có gà luộc trên mâm cỗ cúng tổ tiên. Gà cúng tết phải là con gà thiến béo và ngon nhất. Sáng mùng một tết, mọi người sẽ dậy thật sớm, bắt con gà thiến to nhất để thịt cúng tổ tiên. Người Tày quan niệm, bữa cơm sáng mùng một tết là bữa cơm quan trọng nhất trong năm mới, nên phải cúng tổ tiên những thứ ngon nhất. Sau khi cúng xong mọi người sẽ cùng quây quần ăn bữa cơm đầu năm, rồi mới được đi chúc tết làng xóm.

Đối với trẻ con, gà được coi như “bùa hộ mệnh”. Thông thường, người mẹ đưa con đi thăm bên ngoại vào các dịp lễ, tết đều đem theo một con gà choai với ý nghĩa để dẫn đường và làm “bùa hộ mệnh” cho trẻ khỏi bị ma quỷ dòm ngó. Tuy nhiên, theo các cụ xưa, ma quỷ thường háu ăn thịt gà, khi thấy gà sẽ đi theo nên khi ra cửa, người lớn trong nhà sẽ “làm phép” bằng cách nín thở, lấy ngón tay trỏ quệt nhọ nồi hoặc nhọ kiềng chấm vào trán đứa trẻ. Khi ra đến đầu làng, người mẹ lại nín thở nhổ một nhánh cỏ tranh tươi buộc quanh thắt lưng bé để bảo vệ bé khỏi ma quỷ quấy rầy.

Mâm cỗ cúng tết của người Tày rực rỡ màu sắc với món ăn cầu kỳ độc đáo. 

Với phụ nữ người Tày sau khi sinh con, gà là món ăn không thể thiếu trong tháng ở cữ. Trong ngày đầu tiên mới sinh, gia đình người phụ nữ sẽ mổ một con gà trống tơ om với nghệ để cho người mẹ ăn. Gà trống tơ được thịt phải là gà khỏe mạnh, cân đối, đẹp mắt, mào đỏ tươi, bộ lông màu vàng rực rỡ, hai chân màu vàng... Người Tày quan niệm, phải ăn thịt con gà như thế thì đứa trẻ sau này mới khỏe mạnh, da dẻ mịn màng, hồng hào. Trong suốt một tháng ở cữ, người mẹ chỉ ăn thịt gà với cơm nếp. Người Tày cho rằng, thịt gà có nhiều chất bổ nên người mẹ sẽ mau chóng hồi phục sức khỏe và có nhiều sữa, giữ cho thân nhiệt luôn ấm áp.

Con gà cũng có mặt trong nghi lễ đám ma của người Tày vùng Tây Bắc từ lâu đời. Khi ở bản Tày có người qua đời, anh em ở khắp các bản trong vùng đến cùng gia chủ tổ chức tang lễ. Khi đến, họ không quên mang theo chai rượu và một chiếc bu đan bằng nứa, trong đó nhốt một con gà ri nhỏ chừng nửa ký. Những con gà phúng viếng đó không để giết thịt làm cơm mà để cho tang chủ dùng làm vật nuôi. Theo quan niệm của người Tày, phúng viếng con gà nhỏ để mong cho cuộc sống của tang chủ sau đám tang sẽ nảy nở, sẽ hồi sinh để lại được ấm no, hạnh phúc chứ không bị lụn bại. Khi đưa đám, người nhà sẽ xách theo chiếc bu gà để khi xây xong mồ mả, người ta buộc con gà cạnh mộ với mong muốn cuộc sống được hồi sinh.

Ngoài ra, trong lễ vào nhà mới, người Tày sử dụng gà để làm vật cúng tế thần linh, tổ tiên... Họ hàng khi đến chúc mừng sẽ mang theo một con gà mừng nhà mới, chúc gia chủ làm ăn phát đạt, cuộc sống sung túc. Trong các phần nghi lễ của thầy cúng người Tày hay trong lễ hội xuống đồng, hội thanh minh, lễ mừng cơm mới, lễ hội cầu mùa..., gà luôn là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng. Gà để cúng được người dân nuôi bằng thóc, lựa chọn con to, khỏe nhất để thể hiện sự kính trọng, biết ơn thần linh và tổ tiên, cầu mong gia đình, bản làng bình an, sức khỏe và no đủ.

Từ đời này qua đời khác, với những quan niệm nhân sinh, những phong tục tập quán của người Tày, gà đã trở thành con vật lành gần gũi và rất đỗi thân thiết của con người, gắn với những nét văn hóa cổ truyền mang đậm bản sắc. Cuộc sống ngày càng phát triển, tuy nhiên những quan niệm nhân sinh, phong tục, tập quán của người Tày vẫn được lưu giữ từ đời này sang đời khác. Hình ảnh con gà bình dị, sâu sắc với những giá trị tâm linh, tín ngưỡng mang nhiều ý nghĩa vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của người Tày./.

Nguyễn Thế Lượng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN