Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Có thực sự tin tưởng hoa quả dán tem nhập khẩu ?

Thứ Ba, 03/10/2017 14:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Lâu nay, những loại hoa quả nhập khẩu luôn nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự đa dạng về chủng loại, xuất xứ, giá cả... của mặt hàng này đã khiến không ít người tiêu dùng "dao động" khi đánh giá về chất lượng thực sự của các sản phẩm hoa quả nhập khẩu.

Các loại hoa quả nhập khẩu thường được bán với giá khá cao. (Ảnh: TL)

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam tìm đến với các sản phẩm ngoại nhập nói chung và hoa quả nhập khẩu nói riêng. Và thị trường cũng đã mặc nhiên thừa nhận, cứ là hoa quả nhập khẩu thì giá bán bao giờ cũng phải cao. Cùng với đó là tâm lý “sính ngoại” nên nhiều người sẵn sàng bỏ ra từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng để mua được cân hoa quả dán tem nhập khẩu mà không biết rằng hoa quả nhập khẩu cũng có những loại giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg. Thậm chí, cùng một loại hoa quả, cùng có xuất xứ ở một quốc gia nhưng giá bán tại các cửa hàng khác nhau có khi lại chênh nhau đến vài lần. Chính điều này đã khiến nhiều người tiêu dùng băn khoăn xung quanh giá cả, chất lượng và sự an toàn của các loại hoa quả nhập khẩu.

 Thực tế thị trường hoa quả những năm gần đây cho thấy, các loại hoa quả nhập khẩu về Việt Nam có xuất xứ rất phong phú, từ những loại hoa quả cao cấp xuất xứ từ Mỹ, Pháp, Australia, New Zealand, Anh... đến các loại có nguồn gốc ở Hàn Quốc, Ai Cập... Các loại hoa quả này, ngoài được bày bán trong siêu thị, còn được bán tại nhiều cửa hàng, quầy hàng ở các chợ tập trung, thậm chí là được chào bán cả trên mạng xã hội với mong muốn tiếp cận thật nhiều người tiêu dùng. Điểm chung của các loại hoa quả nhập khẩu đó là tất cả đều được dán các loại tem dành cho sản phẩm có nguồn gốc ngoại nhập.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các loại hoa quả nhập khẩu hiện đang có rất nhiều mức giá khác nhau. Bên cạnh một số loại quả cao cấp đến từ Nhật Bản như Nho Shine Muscat (1,4 triệu đồng/kg), quả Biwa (3,6 triệu đồng/kg)... thì trên thị trường cũng có khá nhiều loại hoa quả nhập khẩu có giá vài trăm nghìn đồng/kg, thậm chí chỉ 60 - 70 nghìn đồng/kg. Cùng một loại hoa quả, cùng có xuất xứ nhưng giá bán thì lại chênh nhau tới vài lần. Cụ thể, tại một trang web, trái cherry vàng Canada có giá 699 nghìn đồng/kg; nho xanh không hạt của Mỹ có giá 299 nghìn đồng/kg; dưa Nhật có giá 499 nghìn đồng/kg..., thì cũng mặt hàng nói trên, tại một cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập khẩu ở đường Xuân Thuỷ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) giá lại rẻ hơn rất nhiều: 499 nghìn đồng/kg cherry vàng; 200 nghìn đồng/kg nho xanh không hạt của Mỹ; 350 nghìn đồng/kg dưa Nhật...


Để được sử dụng hoa quả có chất lượng đúng với giá tiền mình đã bỏ ra,
người tiêu dùng cần chủ động tìm đến những địa chỉ tin cậy, mua bán
có hoá đơn chứng từ đầy đủ. (Ảnh  minh họa: TL)

Lý giải điều này, chị Hoàng Thu Hường, một người có nhiều năm buôn bán các loại hoa quả nhập khẩu chia sẻ: So với những năm trước, giá các loại trái cây xuất xứ từ nước ngoài đã giảm khá nhiều. Tuy vậy, về nguồn gốc, xuất xứ của trái cây thì người tiêu dùng khó phân biệt được vì hàng không rõ nguồn gốc và hàng nhập khẩu “chuẩn” thường bị trà trộn, nhất là khi nhà phân phối chỉ mải chạy theo lợi nhuận. Do vậy, mới có sự chênh lệch giá khá lớn ở một số sản phẩm hoa quả nhập khẩu.

Còn theo chị Nguyễn Thị Vân Anh ở Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông (Hà Nội): "Nếu như trước đây, hoa quả nhập khẩu là mặt hàng xa xỉ thì nay người tiêu dùng có thể chạy ra chợ là cũng mua được các sản phẩm này với đầy đủ tem dán, mã vạch... Tuy nhiên, so sánh về giá cả sẽ thấy có sự chênh lệch rất lớn. Do đó, khi mua hoa quả nhập khẩu, tôi thường mua ở các siêu thị có uy tín hoặc những cửa hàng quen biết; và cơ bản là lựa chọn các mặt hàng theo... cảm giác và niềm tin đối với nhà phân phối”.

Nhìn từ góc độ quản lý, một số chuyên gia cho rằng, những băn khoăn của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hoa quả nhập khẩu là hoàn toàn có cơ sở bởi hiện nay, các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát hết được nguồn gốc xuất xứ cũng như nhãn mác của các loại sản phẩm này. Hàng nhập theo đường tiểu ngạch thường là hàng không được kiểm soát chất lượng nhưng nếu được dán các loại tem “giả” thì người tiêu dùng cũng sẽ rất khó phát hiện. Trong khi đó, việc mua các loại tem dùng để dán cho hoa quả nhập khẩu lại hết sức... dễ dàng. Điều này lý giải vì sao ngay cả một số người bán trái cây dạo cũng có thể cung cấp các loại hoa quả được quảng cáo là của Úc, Mỹ... với giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg. Chị Thanh, một người bán hoa quả trên đường Lê Văn Lương khẳng định hoa quả mình bán là táo Úc chứ không phải là táo Trung Quốc. “Tôi nhập của đại lý nguyên thùng táo là đã có sẵn tem rồi. Khi thì đại lý tự dán tem lên từng trái, khi thì đưa cho cả túi tem để mình mang về tự dán” - chị Thanh cho biết thêm.

Mặt khác, theo quy định, đối với trái cây nhập khẩu, phải có thông tin về cơ sở xuất khẩu, xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Hóa đơn, chứng từ mua, bán trái cây của các cửa hàng phải lưu trữ tối thiểu 6 tháng hoặc theo quy định hiện hành của Nhà nước để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc trái cây... nhưng thực tế không phải cơ sở kinh doanh nào cũng bảo đảm những quy định này. Do đó, không loại trừ trường hợp những sản phẩm như trái cherry xuất xứ Trung Quốc có giá từ 100 - 120 nghìn đồng/kg nhưng khi trà trộn được vào các cửa hàng chuyên kinh doanh hoa quả nhập khẩu thì sẽ được bán với giá cao gấp 2 - 3 lần.

Thiết nghĩ, để người tiêu dùng thực sự yên tâm khi sử dụng các loại hoa quả nhập khẩu, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhà phân phối, cửa hàng chấp hành không đúng các quy định về kinh doanh hoa quả nhập khẩu; nhất là hành vi cố tình trà trộn để các loại hoa quả không rõ nguồn gốc, không bảo đảm về chất lượng “khoác áo” hoa quả nhập khẩu. Đồng thời, để được sử dụng hoa quả có chất lượng đúng với giá tiền mình đã bỏ ra, người tiêu dùng cần chủ động tìm đến những địa chỉ tin cậy, mua bán có hoá đơn chứng từ đầy đủ. Trường hợp cần thiết, người mua hàng có quyền yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh xuất trình các loại giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của sản phẩm hoa quả nhập khẩu, tờ khai hải quan, giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm.../.

TL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN