Cơ quan đăng kiểm có quyền từ chối cấp lưu hành khi chủ xe chưa nộp tiền phạt “nguội” ?
(ĐCSVN) - Người vi phạm luật giao thông có trách nhiệm thực hiện quyết định xử phạt hành chính về lỗi vi phạm, còn phương tiện giao thông đủ điều kiện an toàn kỹ thuật phải được cấp đăng kiểm để lưu hành, không thể đánh tráo hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Thời gian gần đây, hàng chục nghìn chủ xe ô tô bị cơ quan đăng kiểm từ chối kiểm định với lý do chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phạt “nguội" lỗi vi phạm giao thông.
Cụ thể, ông Trần Kỳ Hình – Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam cho hay, từ tháng 1/2017 tới hết ngày 15/9 đã có trên 16.000 phương tiện giao thông vi phạm được lực lượng chức năng thông báo trên hệ thống. Theo đó, có hơn 5.000 lượt phương tiện đã có chứng từ và thông báo của cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm và gỡ khỏi hệ thống, đủ điều kiện đăng kiểm. Trong năm 2016, có khoảng 2.800 trường hợp phương tiện vi phạm đã tiến hành xử phạt “nguội”.
“Toàn bộ hệ thống các trạm đăng kiểm sẽ từ chối đăng kiểm khi nhận được thông báo phương tiện vi phạm Luật Giao thông từ cơ quan chức năng. Chỉ khi hệ thống gỡ bỏ thông tin phương tiện này, các đơn vị mới tiến hành thủ tục đăng kiểm cho phương tiện”, ông Hình nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, ông không đồng tình với việc cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm vì lý do chủ phương tiện giao thông chưa nộp phạt lỗi vi phạm giao thông. Vì người vi phạm luật giao thông và phương tiện giao thông cần đăng kiểm là hai chủ thể khác nhau. Nếu người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm luật giao thông thì cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông xử phạt theo luật định, còn phương tiện giao thông khi đăng kiểm là để kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật chiếc xe đó xem có đủ tiêu chuẩn để lưu hành hay không. Cơ quan đăng kiểm không có quyền mượn việc này để “bắt chẹt” chủ xe thực hiện quyết định xử phạt hành chính của lực lượng cảnh sát giao thông. Chuyện này, dễ liên tưởng đến việc vừa qua báo chí phản ánh một số nơi công dân đến UBND xã, thị trấn xin xác nhận về nhân thân nhưng lãnh đạo chính quyền địa phương mượn dịp này để làm khó, “phê xấu” vào lý lịch vì công dân đó chưa nộp quỹ này quỹ nọ của địa phương !
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Phú Thắng (Hãng luật Intercode) cho rằng, cơ quan đăng kiểm cần chứng minh việc pháp luật nào cho phép cơ quan này từ chối đăng kiểm phương tiện giao thông mà chủ phương tiện chưa nộp phạt “nguội” lỗi vi phạm giao thông. Trong khi theo Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 9/11/2015 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chỉ có hai trường hợp không được cấp giấy chứng nhận kiểm định, đó là trường hợp xe cơ giới “Khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng” và trường hợp xe cơ giới “Khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm”. Không có trường hợp nào không được cấp giấy chứng nhận kiểm định vì lý do chưa nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ.
Người vi phạm luật giao thông bị xử phạt có trách nhiệm thực hiện quyết định xử phạt hành chính về lỗi vi phạm, còn phương tiện giao thông đủ điều kiện an toàn kỹ thuật phải được cấp đăng kiểm để lưu hành, không thể đánh tráo hai khái niệm hoàn toàn khác nhau được. Trường hợp người vi phạm luật giao thông chưa thực hiện quyết định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm, cơ quan chức năng có thể tính tiền chậm nộp, hoặc dùng biện pháp khác mà pháp luật cho phép./.