Chuyên gia khẳng định nhiễm sán lợn có thể chữa khỏi hoàn toàn
(ĐCSVN) – Sự việc nhiều trẻ ở Bắc Ninh có kết quả dương tính với ấu trùng sán lợn đang khiến dư luận quan tâm; đồng thời tạo ra tâm lý lo lắng ở nhiều người. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, khi mắc sán, người dân không nên quá hoang mang và lo lắng. Việc điều trị sán lợn cũng rất đơn giản theo phác đồ của Bộ Y tế.
Vụ việc bắt nguồn từ cuối tháng 2/2019, phụ huynh Trường mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đã tới bếp ăn của trường, quay lại hình ảnh một miếng thịt lợn có sán. Ngày 5/3, phụ huynh tiếp tục vào bếp ăn trường này, phát hiện những miếng thịt gà luộc chín bị bở ra có thể bóp nát được trên tay. Tiếp nhận thông tin, ngay sau đó lực lượng công an đã có mặt để thu giữ số lượng thịt gà có tại Trường mầm non Thanh Khương và đưa đi giám định, đồng thời thu giữ một số phiếu, hóa đơn nhập thực phẩm tại trường học này. Hiện Công ty TNHH Hương Thành - đơn vị cung cấp thực phẩm cho Trường mầm non Thanh Khương và 18 trường mầm non, 2 trường tiểu học khác trong toàn huyện đã bị tạm dừng hoạt động, chờ kết quả điều tra.
Lo lắng cho sức khỏe của con em mình, những ngày gần đây, nhiều gia đình ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đã đưa các cháu về xét nghiệm tại BV Bệnh nhiệt đới TW và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW. Đến nay, đã có khoảng trên 2.000 trẻ được tiến hành xét nghiệm tại các cơ sở này; trong đó có hơn 200 cháu dương tính với ấu trùng sán lợn.
Liên quan đến vấn đề này, theo Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét và ký sinh trùng Quy Nhơn, khi mắc sán, người dân không nên quá hoang mang và lo lắng về việc xét nghiệm máu dương tính với sán lợn. Hiện nay, trên cả nước có khoảng hơn 50 tỉnh, thành có bệnh sán lợn lưu hành. Thực tế cho thấy, đây không phải là bệnh cấp tính nên khi sán chưa có biến chứng gì thì người nhà cũng như bệnh nhân không nên quá lo lắng.
Nhìn nhận từ góc độ chuyên môn, Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang nhấn mạnh, nếu chỉ xét nghiệm máu dương tính với sán lợn thì đó chưa được coi là ca bệnh, chưa cần điều trị nếu trẻ không có các triệu chứng đi kèm như rối loạn tiêu hóa, trên da, niêm mạc có thể ngứa, mày đay từng đợt, có đốt sán đi ra từ hậu môn... Chỉ khi có những triệu chứng đó thì mới có thể coi là ca bệnh và cần phải uống thuốc.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TW, phụ huynh không nên quá lo lắng khi các cháu có kết quả dương tính với nhiễm sán lợn. Việc điều trị sán lợn cũng rất đơn giản theo phác đồ của Bộ Y tế. “Sán lợn có thể lây do nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước (ăn các rau thủy sinh không rửa sạch, không nấu chín) hoặc lây từ các thực phẩm không được nấu chín. Dù vậy, đây không phải là bệnh cấp tính, do đó các phụ huynh hết sức bình tĩnh. Khi nghi ngờ con có giun sán nên đưa đến bệnh viện khám”- Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính cho biết.
Theo các chuyên gia, để phòng bệnh sán, mọi người không nên ăn thịt lợn, gan lợn hoặc thịt trâu, bò chưa nấu chín như nem, thính, nem chua, thịt lợn tái, gan tái, thịt trâu, bò tái; kết hợp với các ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ các lò mổ lợn, trâu bò và loại bỏ các con vật mang ấu trùng sán; tốt nhất không nuôi lợn thả rông; không ăn rau sống, không uống nước lã; quản lý phân tốt, nhất là phân của những người nhiễm ấu trùng sán dây lợn T.solium; phát hiện và điều trị sớm những người mắc bệnh sán dây và xử lý những con sán được tẩy ra, đặc biệt sán dây lợn để ngăn ngừa mắc bệnh ấu trùng sán lợn theo cơ chế tự nhiễm.
Tìm hiểu được biết, theo phác đồ điều trị hiện nay, để tiêu diệt sán trưởng thành chỉ mất 1 ngày, tiêu diệt hết trứng sán mất 2 tuần. Do đó các trường hợp dương tính sẽ được bác sĩ tư vấn, quay lại để nhận thuốc điều trị. Nếu uống đủ trong 15 ngày sẽ sạch sán. Tuy nhiên, do nhiễm sán thường không có dấu hiệu điển hình, không sốt, để nhiễm sán dài ngày hậu quả suy giảm thể lực, rối loạn tiêu hóa, lâu năm trở nên gầy mòn. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nếu nghi ngờ con nhiễm sán có thể sắp xếp thời gian để đi kiểm tra và điều trị.
Liên quan đến việc xét nghiệm cho các cháu học sinh ở huyện Thuận Thành, bà Tô Thị Mai Hoa - Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh cho biết, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức xét nghiệm và hỗ trợ chi phí xét nghiệm sán lợn miễn phí cho học sinh 19 trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành.
Cụ thể, ngành y tế Bắc Ninh sẽ tổ chức xét nghiệm sán lợn tại chỗ cho các trẻ ở một số trường mầm non nghi nhiễm sán (các trường có thực phẩm do Công ty Hương Thành cung cấp); sau đó, toàn bộ mẫu máu này sẽ được đưa ra viện đầu ngành để làm xét nghiệm. Việc làm này nhằm giúp phụ huynh không phải vất vả đưa con ra Hà Nội để xét nghiệm sán lợn nữa.
Được biết, về phía tỉnh Bắc Ninh, trong cuộc họp ngày 16/3, đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng cùng vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ về vụ việc; giao Sở Y tế phối hợp với các chuyên gia Bộ Y tế làm rõ nguyên nhân. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng đề nghị các ngành xem xét, tính toán hỗ trợ cho các trường hợp xét nghiệm là học sinh ăn thịt lợn do Công ty Hương Thành cung cấp. “Tỉnh sẽ kiên quyết làm rõ vụ việc đảm bảo quyền lợi của học sinh, phụ huynh” - đồng chí Nguyễn Nhân Chiến nhấn mạnh./.