Chuyển đổi số ngành BHXH để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp
(ĐCSVN) - Ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, ngành bảo hiểm xã hội cần sớm có kế hoạch, lộ trình cụ thể để tiến tới chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực của ngành phụ trách.
Trao đổi với phóng viên, ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, nhiều năm qua, ngành bảo hiểm xã hội đã có nhiều nỗ lực trong việc cải tiến chất lượng phục vụ người dân. Đặc biệt, những nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực của ngành đã làm cho người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện hơn, tăng cường công khai, minh bạch trong thu - chi, giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người dân... Dù những việc đã làm được rất nhiều, nhưng ngành bảo hiểm cần thực hiện một số đột phá quan trọng trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng) |
Phóng viên: An sinh xã hội là một trong những nội dung được đề cập toàn diện, xuyên suốt trong hệ thống quan điểm, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Xin ông đánh giá tác động của những chính sách này đã góp phần ổn định đời sống người dân như thế nào?
Ông Lâm Văn Đoan: Đảng và Nhà nước ta luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện các chính sách xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội. Quan điểm xuyên suốt các thời kỳ là coi chính sách xã hội, mà trụ cột là an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững đất nước, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang xây dựng.
Mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đã được khẳng định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đó là: Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững. Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đã ghi nhận quyền hiến định của công dân được bảo đảm an sinh xã hội. Đặc trưng nổi bật của hệ thống chính sách an sinh xã hội trước đổi mới là chính sách trợ giúp xã hội cho các nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người nghèo. Kết quả chính sách an sinh xã hội đã góp phần bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển, hướng tới sự công bằng, tiến bộ xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cuộc sống tốt đẹp, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân.
Một trong những kết quả nổi bật chúng ta đã đạt được là việc thực hiện các mục tiêu gia tăng độ bao phủ BHXH, BHTN và BHYT hằng năm. Trong đó, mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân đã đạt được những thành tựu ấn tượng với tỷ lệ dân số tham gia BHYT, năm 2021 là 91,01% và năm 2022 dự kiến đạt 92% dân số. Ước tính đến 30/9/2022, tỷ lệ tham gia BHXH đạt 34,84% lực lượng lao động trong độ tuổi, tương ứng khoảng 17,244 triệu (trong đó, BHXH bắt buộc khoảng 15,732 triệu người; BHXH tự nguyện là 1,512 triệu người). Số tham gia BHTN đạt 28,33% lực lượng lao động trong độ tuổi, tương ứng 14,025 triệu người. Theo ước tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2022, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt khoảng 38%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHTN khoảng 31%.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, rào cản trong việc thực hiện mục tiêu bao phủ an sinh xã hội toàn dân và nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho các nhóm xã hội, nhất là cho nông dân, lao động phi chính thức. Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân không nghiêm chỉnh chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH, trong đó có nợ đọng, trốn đóng BHXH. Tất cả những điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành BHXH cần tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao độ bao phủ và chất lượng an sinh xã hội cho người dân.
Phóng viên: Những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, ngành BHXH Việt Nam đã luôn nỗ lực thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Ông đánh giá ra sao về vai trò của ngành BHXH trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội này?
Ông Lâm Văn Đoan: Trong nhiều năm qua, ngành BHXH Việt Nam cùng với cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã luôn nỗ lực thực hiện tốt vai trò bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đã được tham mưu xây dựng, ban hành, triển khai đạt hiệu quả, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tôi đánh giá cao vai trò của ngành trên 3 khía cạnh gồm: Tham gia tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật; trực tiếp triển khai thực hiện chính sách và thanh tra, xử lý, giải quyết các kiến nghị, phản ánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân.
Các dự án Luật quan trọng về an sinh xã hội đều có sự tham gia tích cực của ngành BHXH, nhiều kiến nghị, phản ánh của ngành được đúc rút trong quá trình triển khai chính sách, được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu vì phản ánh được hơi thở của cuộc sống nhằm góp phần hoàn thiện mô hình an sinh xã hội, đặc biệt là trụ cột BHXH, BHYT, BHTN tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, đã định hình cho một thiết chế ASXH tiên tiến, hiện đại và hội nhập; là chỗ dựa ngày càng quan trọng cho hàng triệu người dân, người lao động trước các rủi ro trong cuộc sống, các cú sốc kinh tế, xã hội và y tế (dịch bệnh).
Nhìn lại qua 8 năm (tính từ 2014), Quốc hội lần đầu tiên giao cho ngành BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong thực tiễn. Trong giai đoạn hiện nay, với việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý BHXH, BHTN, BHYT với cơ sở dữ liệu điện tử đồng bộ, thống nhất, liên thông, tôi tin rằng, ngoài việc đạt được những kết quả tích cực trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thanh tra, chúng ta có thể tiến tới thiết kế nhiều giải pháp “số hóa” với các phần mềm chuyên dụng để tự động thống kê, rà soát, phát hiện những vấn đề bất cập phát sinh và cả những vi phạm để phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN
Người dân làm thủ tục tại BHXH tỉnh Sơn La (Ảnh: Kim Thanh) |
Phóng viên: Qua theo dõi cũng như thực tiễn giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN hằng năm, theo ông, ngành BHXH cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ gì để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, người lao động hiện nay?
Ông Lâm Văn Đoan: Bảo hiểm xã hội là ngành an sinh phục vụ người dân, gắn bó trực tiếp với cuộc sống của người dân, người lao động, doanh nghiệp. Do đó, mọi hoạt động của ngành về cơ bản đều hướng tới mục đích cuối cùng là phục vụ Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ngày càng tốt hơn. Nhiều năm qua, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc cải tiến chất lượng phục vụ người dân. Đặc biệt, những nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực của ngành đã làm cho người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện hơn, tăng cường công khai, minh bạch trong thu - chi, giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người dân: cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của Ngành; tích hợp, cung cấp 20 dịch vụ công thuộc 14 thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; hiện đã triển khai 07 dịch vụ công trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”; hằng năm tiến hành khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp với sự phục vụ của ngành…
Tôi cho rằng, những việc đã làm được rất nhiều, nhưng ngành bảo hiểm cần thực hiện một số đột phá quan trọng trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đối số, không chỉ là dữ liệu, quy trình, thủ tục hành chính và cần tiến tới chuyển đổi số toàn diện. Quá trình này kéo theo sự thay đổi về mọi mặt trong hoạt động của ngành từ quy trình làm việc, con người, hạ tầng, chính sách, thói quen, các mối quan hệ, văn hóa tổ chức… Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số có Thông điệp nhân Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022 trong đó nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Như vậy, ngành BHXH cần sớm có kế hoạch, lộ trình cụ thể để tiến tới chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực của ngành phụ trách.
Đồng thời tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện bộ công cụ khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của ngành BHXH Việt Nam hằng năm, tiến tới triển khai đánh giá trực tiếp ý kiến của người dân về mức độ hài lòng đối với cán bộ và ngành BHXH trong quá trình xử lý, giải quyết chính sách, chế độ. Đây là một thách thức lớn đối với toàn ngành trong việc chuyển đổi tác phong phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Cùng với đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH giỏi chuyên môn nghiệp vụ, yêu nghề, gắn bó với nghề và đi đôi với việc bảo đảm đời sống cán bộ, nhân viên toàn ngành ngày càng tốt hơn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng, giao phó.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.