Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam từ động lực đổi mới sáng tạo

Thứ Năm, 27/06/2024 17:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Trong những năm tới, nhu cầu điện năng của Việt Nam dự báo tăng trưởng khoảng 8-10%/năm, đối mặt với nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng cao; do đó, các giải pháp năng lượng mới là một yêu cầu cấp thiết.

Chiều 27/6, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm quốc tế công nghệ năng lượng - môi trường Hà Nội 2024. Diễn đàn do Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức.

 Diễn đàn thu hút đông đảo các đại biểu trong nước và quốc tế.

Diễn đàn đã thu hút trên 300 đại biểu đến từ đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương trên toàn quốc; đại diện các viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế; đại diện các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, doanh nghiệp công nghệ, năng lượng; đại diện các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ...

Diễn đàn tập trung trao đổi về chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn tới; đồng thời cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới trong ngành năng lượng trên thế giới, các khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ, đặc biệt là giải pháp công nghệ cho phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, góp phần đáp ứng các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) và các Chương trình hành động của Chính phủ về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cho biết, dự báo sản lượng tiêu thụ điện của Việt Nam năm 2024 tăng khoảng 15%; nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng khoảng  8 -10%/năm trong những năm tới. Điều đó cho thấy các giải pháp năng lượng mới là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam. Chuyển dịch năng lượng là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 

 Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phát biểu tại Diễn đàn.

Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách quan trọng để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo như: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị; Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Theo đó, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung sẽ đạt khoảng 30-39% vào năm 2030 và thậm chí là 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Phát triển công nghệ năng lượng là một trong 10 định hướng phát triển, nổi bật có nghiên cứu ứng dụng, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghệ tích trữ năng lượng tiên tiến, pin nhiên liệu...

Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cho biết thêm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1217/QĐ-BKHCN ngày 8/7/2022 phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2023 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” để thực hiện thăm dò, khai thác, sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp, sạch, sinh học, tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính; Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2023-2030 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt phát thải ròng về 0 tại Việt Nam” (NET Zero). Chương trình NET Zero của Việt Nam đóng góp vào việc thực hiện cam kết quốc gia nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Đây là một phần trong nỗ lực để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và đối phó với biến đổi khí hậu.

Tại Diễn đàn, ông Philipp Munzinger, Giám đốc Chương trình hỗ trợ năng lượng - GIZ (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam đưa ra dự báo, điện mặt trời và gió dự kiến sẽ chiếm phần lớn trong các nguồn bổ sung công suất điện trong bối cảnh chi phí phát điện và giá điện phát từ các nguồn tái tạo ngày càng cạnh tranh hơn.

Diễn đàn diễn ra các nội dung, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu; trao đổi về chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn tới; các khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ, đặc biệt là giải pháp công nghệ cho phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng; cung cấp những thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới trong ngành năng lượng trên thế giới; thảo luận về vai trò và định hướng của các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, kinh nghiệm hợp tác và chuyển giao công nghệ.

Diễn đàn nêu các giải pháp quan trọng để phát triển năng lượng ở Việt Nam như: Chuyển dịch năng lượng cần bốn yếu tố cốt lõi - Nền kinh tế cạnh tranh; mở cửa thị trường; chính sách hỗ trợ; công nghệ. Các giải pháp khác: Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trong ngành điện; thúc đẩy giao thông xanh trong ngành giao thông vận tải; phát triển hydro xanh… 

 Các đại biểu tham dự chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, thực nghiệm chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.

Trong số các giải pháp để phát triển năng lượng, công nghệ đóng vai trò trung tâm trong chuyển dịch năng lượng. Theo đánh giá của Tổ chức Năng lượng thế giới năm 2018, chỉ cần dựa trên các công nghệ đã được thương mại hóa hiện nay thì các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có thể giúp giảm lượng phát thải đến 3,5Gt CO2 hàng năm, tương đương gần 40% mức giảm theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris.

Theo kịch bản chuyển dịch năng lượng đến năm 2050 của IRENA, điện năng sẽ chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng vào năm 2050, tăng hơn gấp đôi so với mức 20% hiện nay. Trong đó, năng lượng tái tạo sẽ chiếm đến 86% lượng điện năng cung cấp trên toàn cầu. Trên thế giới, năng lượng tái tạo hiện đang chiếm hơn 1/3 công suất lắp đặt toàn cầu, đạt xấp xỉ 2,500 GW. Trong ngành giao thông vận tải, doanh số bán hàng xe điện ở nhiều quốc gia ngày một gia tăng, tỉ lệ xe điện toàn cầu trong tổng số lượng xe đang tăng lên nhanh, với xe điện dự kiến sẽ chiếm trên 50% doanh số bán hàng xe mới vào năm 2030. Điều đó cho thấy ý nghĩa của việc phát triển “giao thông xanh” đối với chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.

Đối với phát triển hydro xanh hiện nay, ước tính có khoảng 6% lượng khí tự nhiên và 2% lượng than trên toàn thế giới đang được sử dụng để sản xuất hydrogen, chủ yếu phục vụ sản xuất amoniac và metan để sử dụng trong các ngành công nghiệp. Tổng tiêu thụ hydrogen trên toàn thế giới năm 2020 ước đạt 90 Mt và có thể tăng đến gần 200 Mt vào năm 2030. Hydrogen được đề cập đến như một giải pháp quan trọng trong ngành điện (bao gồm cả hydrogen và amoniac) và giao thông vận tải.

Tại Diễn đàn, đại diện một số doanh nghiệp cũng chia sẻ những kinh nghiệm đã áp dụng thành công, hiệu quả mô hình chuyển dịch năng lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh; vai trò và định hướng của các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo; kinh nghiệm hợp tác và chuyển giao công nghệ; cùng các đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng thành công ở Việt Nam./.

Tin, ảnh: N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN