Chương trình “Hành động vì một Việt Nam xanh” trồng thêm 120.000 cây xanh tại Cà Mau
(ĐCSVN) - Chương trình trồng cây “Hành động vì một Việt Nam xanh” năm 2024 nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Chiến dịch trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu “Trồng 1 triệu cây xanh cho màn chắn xanh Việt Nam tới năm 2025”. Từ đó, chương trình đã triển khai trồng cây cho rừng phòng hộ, rừng sản xuất… trên khắp các tỉnh, thành phố của cả nước.
150 đoàn viên thanh niên tích cực trồng cây xanh để góp phần xây dựng đất nước ngày càng xanh-sạch-đẹp (Ảnh: Quỳnh Anh). |
Ngày 23/8, tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tỉnh đoàn Cà Mau cùng các đơn vị đồng hành đã tổ chức chương trình trồng cây “Hành động vì một Việt Nam xanh” năm 2024.
Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Chiến dịch trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu “Trồng 1 triệu cây xanh cho màn chắn xanh Việt Nam tới năm 2025”. Từ đó, chương trình đã triển khai trồng cây cho rừng phòng hộ, rừng sản xuất… trên khắp các tỉnh, thành phố của cả nước.
Năm nay, chương trình triển khai trồng 160.000 cây xanh tại 3 tỉnh: Cà Mau, Quảng Nam và Kon Tum. Trong đó, chương trình sẽ trồng 120.000 cây mắm tại tỉnh Cà Mau để chắn sóng, góp phần phòng, chống sạt lở…
Tại buổi lễ, đồng chí Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn hệ sinh thái, giảm nhẹ tác động của nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, rừng ngập mặn ở Việt Nam đang có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sự thay đổi lượng mưa, nhiệt độ và tăng độ mặn của nước, trong khi đó một số nguyên nhân chủ quan cũng đã gây suy giảm nghiêm trọng rừng ngập mặn, đặc biệt là hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác hệ sinh thái rừng ngập mặn chưa cao. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang nuôi trồng thủy hải sản; phát triển cơ sở hạ tầng như: Giao thông, nông nghiệp, công nghiệp đang có xu hướng gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường cũng gây ảnh hưởng lớn đến rừng ngập mặn...
Thông qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn cùng cộng đồng góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống xói mòn, bảo vệ các khu vực ven biển, hạn chế các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Hơn hết là chung tay góp công, góp sức để kiến tạo một môi trường sống tốt đẹp hơn không chỉ cho chúng ta hôm nay mà cho cả thế hệ con, cháu mai sau.
Theo Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến năm 2024, chương trình đã trồng được hơn 690.000 cây xanh, gieo 60.000 banh hạt giống tại 19 tỉnh, thành và 9 vườn quốc gia trên cả nước. Chương trình góp phần quan trọng giữ nước đầu nguồn, chống xói mòn, sạt lở đất, nâng cao độ che phủ rừng và tạo lá phổi xanh ngăn chặn bụi và cải thiện chất lượng không khí theo chiều hướng tích cực; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước./.