Chương trình 135 góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh Lai Châu
(ĐCSVN) - Được đánh giá là một trong những chương trình đầu tư có hiệu quả, Chương trình 135 với nội dung đầu tư cụ thể, thiết thực đã góp phần giải quyết kịp thời những nhu cầu cấp thiết đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu về hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, nâng cao trình độ dân trí...
Để bảo đảm Chương trình 135 trên địa bàn triển khai đạt hiệu quả, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định phê duyệt Chương trình Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp cụ thể hoá các chỉ tiêu giảm nghèo vào Nghị quyết, kế hoạch của cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, tỉnh cũng tiến hành phân cấp quản lý chương trình theo đúng quy định. UBND các huyện, thành phố quyết định đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; còn UBND xã được giao làm chủ đầu tư đối với những dự án phát triển sản xuất. Tất cả các xã đều thành lập Ban Giám sát xã và Ban Giám sát cộng đồng để giám sát việc thực hiện các chính sách trên địa bàn. Việc quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư được thực hiện theo quy định, trong đó, tập trung giám sát về đối tượng, định mức và quy trình thực hiện, thanh toán vốn duy tu, bảo dưỡng. Với phương châm “xã có công trình, dân có việc làm và tăng thêm thu nhập”, nên phần lớn các công trình được đầu tư trên địa bàn xã, bản đều có sự tham gia lao động của người dân để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, người dân cũng được tham gia vào hầu hết các khâu thực hiện dự án như: Cho ý kiến vào kế hoạch thực hiện các dự án; tham gia lựa chọn đối tượng, nội dung hỗ trợ; giám sát quá trình tổ chức thực hiện; tiếp nhận, quản lý và sử dụng các dự án đầu tư...
Có thể khẳng định, Chương trình 135 tiếp tục có nhiều tác động tích cực tới tình hình kinh tế, xã hội vùng đặc biệt khó khăn. Nguồn lực của Chương trình cơ bản ổn định đã giúp chính quyền địa phương chủ động trong việc triển khai các giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn; góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (bình quân mỗi năm có khoảng trên 70 công trình được đầu tư mới; trên 80 công trình được duy tu bảo dưỡng); tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập… Chương trình đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc ở các vùng miền núi, vùng cao phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Việc đầu tư xây dựng, ổn định và phát triển kinh tế xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn thông qua các chương trình dự án 135 là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân.
Nói về quá trình triển khai Chương trình 135 trong thời gian qua, đồng chí Lò Thị Vương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, Chương trình 135 được triển khai theo hướng đầu tư trực tiếp và trao quyền nhiều hơn cho người dân. UBND cấp huyện quyết định đầu tư tất cả các dự án thuộc Chương trình 135; 100% các xã được phân cấp làm chủ đầu tư dự án phát triển sản xuất và nguồn vốn duy tu bảo dưỡng. Người dân là người chủ thực sự của các chính sách các công trình đầu tư phúc lợi công cộng, hỗ trợ trực tiếp cho người dân; người dân là người trực tiếp được hưởng lợi từ các chương trình, chính sách, do vậy họ được trao quyền nhiều hơn trong việc trực tiếp tham gia hoặc cử đại diện cho mình tham gia vào các hoạt động của chương trình. Người dân được thông báo về chủ trương, kế hoạch đầu tư của chương trình, được hỏi ý kiến, bàn bạc, thảo luận, được tham gia, ra quyết định, được giám sát, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và đặc biệt khẳng định quyền làm chủ thực sự của người dân.
Từ nguồn vốn Chương trình 135 đã hỗ trợ mua con giống giúp những hộ gia đình nghèo phát triển chăn nuôi... (Ảnh: Trần Quỳnh)
Nhờ sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, việc triển khai Chương trình 135 đã đạt được nhiều kết quả tích cực; song quá trình thực hiện đã gặp phải không ít những hạn chế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của Chương trình.
Theo chia sẻ của đồng chí Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, so với cả nước, Lai Châu vẫn là một tỉnh nghèo. Toàn tỉnh hiện có 6/8 huyện, thành phố nằm trong tốp những huyện nghèo nhất cả nước và có 75 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 617 thôn, bản ĐBKK. Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 90% như: Bum Tở 94,8%, Pa Vệ Sủ 94%, Pa Ủ 94%... Con số này cho thấy tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, tập trung chủ yếu ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa, do đó đối tượng thụ hưởng cao, nhu cầu vốn lớn; trình độ dân trí không đồng đều ảnh hưởng tới việc tuyên truyền chính sách đến với người dân, sự tham gia của người dân vào quá trình thực hiện Chương trình,… Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo ở đồng bào DTTS để được hưởng đầu tư nhiều hơn. Công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình 135 sau đầu tư cũng còn bất cập, trách nhiệm của người sử dụng đối với các công trình chưa cao, trông chờ vào nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Đồng chí Lò Thị Vương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Để giải quyết những khó khăn, hạn chế nói trên, tỉnh đã đặt ra nhiều giải pháp thiết thực. Đặc biệt đối với thực trạng trông chờ, ỉ lại ở đồng bào DTTS, tỉnh thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của công tác xóa đói, giảm nghèo; đồng thời tuyên truyền cho người dân thấy được vai trò của sự nỗ lực phấn đấu tự lực vươn sẽ là nhân tố quyết định thành công cho công cuộc xoá đói giảm bền vững. Tỉnh cũng có chính sách cụ thể cho việc nhân rộng mô hình, điển hình làm tốt để cùng thi đua, các nơi học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.
Cùng với đó, tỉnh cũng đã có ý kiến đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xem xét tiến tới dần bỏ hẳn chính sách cho không, cắt giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp, tăng dần các chính sách hỗ trợ hoặc đầu tư gián tiếp, kết hợp với đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tỉnh Lai Châu mong muốn Trung ương giao vốn đủ theo quy định, không phân bổ đồng đều giữa các xã mà dựa vào các tiêu chí về diện tích tự nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người DTTS, khoảng cách địa lý, kết quả giải ngân hàng năm. Đồng thời, thống nhất cơ chế quản lý giữa các dự án thuộc Chương trình MTQGGNBV, cho phép lồng ghép nguồn lực thực hiện các chính sách có cùng nội dung để thực hiện hoàn thành các mục tiêu; phân bổ nguồn riêng và chi tiết cho từng Chương trình 135 và 30a để tỉnh dễ triển khai thực hiện. Chương trình 135 được được xác định là một dự án thành phần trong Chương trình MTQGGNBV, song cơ chế thực hiện giữa các dự án thuộc Chương trình MTQGGNBV còn có điểm khác biệt, đầu mối quản lý lại khác nhau nên trong nhiều thời điểm, việc phối hợp giữa các cơ quan đầu mối gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới việc chỉ đạo thực hiện Chương trình.