Chung khát vọng nâng cao vị thế cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn
(ĐCSVN) - 7 dự án của phụ nữ dân tộc thiểu số lọt vào vòng chung kết toàn quốc cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 đến từ nhiều vùng, miền của Tổ quốc nhưng đều có chung khát vọng nâng cao giá trị nguồn lực, tài nguyên bản địa; tạo việc làm, nâng cao vị thế cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.
Trong số 33 dự án khởi nghiệp lọt vào vòng chung kết toàn quốc cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức có 7 dự án của phụ nữ dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 21,2%.
Chị Đinh Thị Thu (giữa) giới thiệu về sản phẩm của dự án tại Hội chợ giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp – OCOP trong khuôn khổ vòng chung kết toàn quốc cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023. |
Đây đều là các dự án vượt qua cuộc thi cấp vùng, được Ban giám khảo vòng chung kết toàn quốc đánh giá có tính đổi mới sáng tạo, có khả năng đăng ký sở hữu trí tuệ, thương mại hóa, có tiềm năng phát triển, nâng cao giá trị nguồn lực, tài nguyên bản địa; chung khát vọng tạo việc làm, nâng cao vị thế cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.
Dự án "Phát triển chuỗi giá trị hồng vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng vùng biên giới xứ Lạng" của chị Vương Thị Thương, tỉnh Lạng Sơn, đoạt giải Nhất cấp vùng (miền Bắc);
Dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị cây Giang rừng theo hướng thương mại trên địa bàn huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang" của chị Đinh Thị Thu, đoạt giải Nhì cấp vùng (miền Bắc);
Dự án "Lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua sản phẩm bánh khẩu xén, chí chọp" của chị Lò Chúc Chi, tỉnh Điện Biên, đoạt giải Ba cấp vùng (miền Bắc);
Dự án "Bảo tồn và nhân giống các cây thuốc bản địa kết hợp phát triển du lịch cộng đồng" của chị Hà Thị Thơm, tỉnh Hòa Bình, đoạt giải Ba cấp vùng (miền Bắc);
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao giải Nhất cho 3 dự án trong đó có dự án của tác giả Vương Thị Thương (thứ hai từ phải qua) và Trương Thị Bạch Thủy (thứ hai từ trái qua) |
Dự án "Khởi nghiệp mô hình kinh doanh online đa kênh trên các nền tảng mạng xã hội giúp bà con vùng Tây Bắc tiêu thụ nông sản, đặc sản và dược liệu" của chị Khà Thị Hạnh, tỉnh Lai Châu, đoạt giải Ba cấp vùng (miền Bắc);
Dự án "Làng văn hóa du lịch Jrai, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai" của chị H’Uyên Niê, đoạt giải Nhất cấp vùng (miền Trung);
Dự án Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết, của chị Trương Thị Bạch Thủy, tỉnh Sóc Trăng đoạt giải Đặc biệt cấp vùng (miền Nam).
Đáng chú ý, 2 dự án của chị Vương Thị Thương và Trương Thị Bạch Thủy được Ban giám khảo đánh giá cao, đều giành giải Nhất cuộc thi./.