Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh
(ĐCSVN) - Đó là một trong những phát biểu chỉ đạo của Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng tại Hội nghị lần thứ 13 (mở rộng) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, diễn ra ngày 5/7. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Văn Nghị/BHG) |
Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên BTV, BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban xây dựng đảng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các đồng chí các ban xây dựng đảng Trung ương theo dõi địa phương.
Kinh tế - xã hội phát triển ổn định
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Trong thời gian qua, Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết cơ bản các nhiệm vụ đề ra, đồng thời chủ động chỉ đạo giải quyết kịp thời các nhiệm vụ phát sinh. Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy, gắn với việc sơ kết, tổng kết đảm bảo kịp thời, chất lượng, hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng về tổ chức cán bộ; công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng được lãnh đạo, thực hiện đồng bộ hiệu quả. Công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng chống, chống tham nhũng tiêu cực và đối ngoại được chú trọng thực hiện; công tác đối ngoại, dân vận và các hoạt động của chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới, góp phần đưa tình hình nhân dân ổn định, tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang có bước phát triển ổn định. Nổi bật là, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 6.400 tỷ đồng, tăng 21,1%; hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng trên 28% so với cùng kỳ năm 2022; hoạt động xuất nhập, khẩu hàng hóa, thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 15,8%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,61%.
Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Văn Nghị/BHG) |
Tỉnh cũng tập trung nguồn lực để triển khai nhiều công trình, dự án hạ tầng có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I); tập trung hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình HĐND tỉnh và Chính phủ trong tháng 7/2023. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng dạy và học, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; quốc phòng an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới…
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn còn đạt thấp so với kế hoạch giao; tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư, công tác thu hồi đất, bồi thường một số dự án còn chậm; công tác triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tại cấp huyện, xã còn còn gặp nhiều lúng túng, chưa kịp thời…
Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thảo luận, thống nhất cao thông qua các báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật trong Đảng 6 tháng đầu năm 2023; cho ý kiến đối với báo cáo của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2023; Quy chế làm việc của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh sửa đổi, bổ sung lần 2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện các báo cáo ban hành, để các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề do một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm đạt thấp
Đó là nhấn mạnh của Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Đồng chí yêu cầu về công tác xây dựng Đảng, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên để tạo sự chuyển biến thực sự về chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đảng viên, chất lượng tổ chức cơ sở đảng; không để xảy ra tình trạng bao biện, làm thay, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, áp đặt hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Ngoài ra, cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Thực hiện luân chuyển cán bộ giữa nhiệm kỳ để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho nhiệm kỳ sau theo hướng cân đối, hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Tập trung vào phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở. Đặc biệt, cần chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong hệ thống chính trị, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện tốt xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường tiếp xúc, đối thoại và kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân…
Về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị tập trung lãnh đạo xây dựng kịch bản, triển khai quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, đảm bảo đạt các chỉ tiêu đã đề ra. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình phê duyệt, đấu thầu dự án; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiển độ thi công dự án. Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, về thủ tục đầu tư. Làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Phấn đấu đển hết năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia đạt 95-100%.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thảo luận tại Hội nghị. (Ảnh: Văn Nghị/BHG) |
Chỉ đạo kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1); rà soát, xem xét cắt giảm các dự án đầu tư không hiệu quả, các dự án chậm giải ngân tập trung nguồn lực cho dự án đường cao tốc, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2024. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng thu ngân sách, tiết kiệm chi.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch đa dạng, gắn liền với truyền thống văn hóa, bản sắc, cảnh quan thiên nhiên và con người Hà Giang. Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chương trình cải tạo vườn tạp. Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản, phát triển thủy điện hợp lý gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên nước và bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế cửa khẩu. Hoàn thành công tác lập, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 7/2023.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ công, nâng cao chất lượng hệ thống “một cửa”, “một cửa liên thông”, nâng cao chỉ số các năng lực cạnh tranh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường dân tộc nội trú, triển khai tốt công tác tuyển sinh của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang. Tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, các chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm vệ sinh môi trường. Chú trọng công tác rà phá bom mìn, vật nổ và tìm kiếm hài cốt Liệt sĩ. Chủ động nắm chắc và dự báo sát tình hình an ninh chính trị, an ninh tư tưởng và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; bảo đảm giữ vững chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia…