Chú trọng kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương
(ĐCSVN) – Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Nhằm đảm bảo sức khỏe người, ngành y tế địa phương đã chú trọng kiểm tra, kiểm soát về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố…
Bắc Giang chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩmTheo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, từ nay đến hết năm 2024, tỉnh chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Ngành y tế tỉnh Bắc Giang thông tin, truyền thông kiến thức, pháp luật và thực hành đúng về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Ngành y tế khuyến cáo người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường, không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá, tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển.
Bên cạnh đó, ngành y tế Bắc Giang kiểm tra, hậu kiểm, giám sát an toàn thực phẩm đối với cơ sở thực phẩm theo phân cấp quản lý; chú trọng kiểm tra, kiểm soát về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Cùng với chủ động thực hiện các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ ăn uống lưu động, liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người, ngành y tế tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm và kết quả xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân theo quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời đến người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Theo Sở Y tế Bắc Giang, từ nay đến hết năm, tỉnh tích cực phối hợp liên ngành trong tuyên truyền, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông sản thực phẩm; sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên… làm thực phẩm; hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là các cơ sở nấu rượu thủ công và các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác.
Ngoài ra, Bắc Giang thường xuyên triển khai các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm; giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm tại địa phương, đơn vị trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8; phòng ngừa ngộ độc do nấm độc trong mùa Xuân Hè và ngộ độc do các loại động, thực vật, thủy, hải sản có chứa độc tố tự nhiên.
Các trường học có tổ chức bếp ăn tập thể, căng tin kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ động kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, nước uống, chấp hành đầy đủ điều kiện an toàn trong quá trình chế biến thực phẩm phục vụ cho giáo viên, học sinh, sinh viên…
Ngành y tế chú trọng kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh: Phan Sáu |
Khánh Hòa: Thêm một vụ nghi ngộ độc thực phẩm do ăn ở hàng quán trước cổng trường
Chiều 9/4, thông tin từ Trung tâm Y tế Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho hay, trên địa bàn huyện xảy ra vụ hàng loạt học sinh các cấp nhập viện sau khi ăn cơm nắm, cơm cuộn do người dân địa phương bán trước cổng trường học. Tính đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, sức khỏe các em đang điều trị ở cơ sở y tế ổn định.
Thông tin ban đầu, sáng 9/4, một người dân tại địa phương tên L. đã làm 114 suất cơm nắm và 28 suất cơm cuộn, bán ngoài cổng trường học các cấp Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở trên địa bàn thị trấn Tô Hạp. Khoảng 10 giờ, các học sinh mua và ăn thực phẩm này có triệu chứng như: mệt, buồn nôn, đau bụng, cầu phân lỏng nhiều lần... Các em được đưa đến cơ sở y tế để xử trí ban đầu.
Sự việc đầu tiên tại Trường Tiểu học Tô Hạp có 4 học sinh có triệu chứng mệt, buồn nôn, đau bụng, cầu phân lỏng nhiều lần sau khi ăn sáng, tiếp đến rải rác là các trường Mầm non, Trung học Cơ sở trên địa bàn huyện.
Tính đến 16 giờ cùng ngày, có 31 học sinh được đưa đến cơ sở y tế, trong đó, 4 học sinh được xuất viện ngoại trú, 27 em đang được theo dõi điều trị. Sức khỏe của các em tạm ổn định.
Ngay khi nhận thông tin vụ việc, Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn triển khai biện pháp xử lý ngộ độc thực phẩm hàng loạt theo quy định. Cơ quan chức năng đến Trung tâm Y tế huyện thăm hỏi và động viên học sinh.
Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm ở Quảng Ngãi
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm làm nhiều người phải nhập viện điều trị. Ngành Y tế Quảng Ngãi đã thông báo nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc, đồng thời yêu cầu các địa phương tăng cường truyền thông về nguy cơ ngộ độc, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, đặc biệt là thức ăn đường phố.
Ảnh minh họa. Nguồn: TL |
Theo Sở Y tế Quảng Ngãi, chỉ trong một tháng qua tại tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm. Mới đây, ngày 28/3, xảy ra vụ 30 học sinh ngộ độc sau khi ăn kẹo tại huyện Nghĩa Hành. Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh gửi mẫu kẹo đến Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm các chỉ tiêu liên quan đến an toàn thực phẩm…
Trước đó, ngày 12/3, xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn nấm tại xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, do trong nấm có độc tố Psilocin (gây ảo giác). Ngày 10/3, xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi người dân ăn bánh mì tại huyện Sơn Hà, nguyên nhân do nhiễm vi sinh vật (Salmonella).
Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao. Cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân về an toàn thực phẩm. Người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng thực phẩm còn tươi, có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; bảo đảm vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm, sử dụng nguồn nước sạch, bảo quản thực phẩm; đặc biệt nên thực hiện ăn chín, uống sôi./.