Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ hết lòng vì sự nghiệp nhân đạo

Thứ Năm, 27/06/2019 09:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) -Trong những năm qua đã có nhiều tấm gương sáng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, những việc làm của họ rất đáng được trân trọng và nêu gương. Một trong những tấm gương điển hình đó là bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Bà đã 2 lần được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hưng Yên tôn vinh  gương điển hình tiên tiến vì cộng đồng.

Tham gia công tác từ năm 1969, bà Mai đã từng đảm nhiệm các chức vụ khác nhau của xã như cán bộ thông tin tuyên truyền, Bí thư đoàn xã, Phó chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an, chủ tịch Hội LHPN…Dù ở cương vị nào bà Mai cũng đem hết khả năng và lòng nhiệt tình để hoàn thành tốt công việc được giao. Công việc gắn bó với bà Mai lâu nhất đó là công tác CTĐ. Liên tục từ năm 1992 đến nay bà đã 25 năm liền gắn bó với công tác CTĐ của xã. Được Đảng bộ và nhân dân tín nhiệm, với cương vị được giao bà luôn đem hết sự nhiệt huyết của mình cho công việc chăm sóc những hoàn cảnh khó khăn hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

Làm Chủ tịch hội ở một xã có hơn 100 đối tượng là những hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn không nơi nương tựa, người tàn tật…Bà Mai thuộc hoàn cảnh từng đối tượng ở từng thôn. Trong đó gồm: 15 đối tượng nạn nhân chất độc da cam, 10 người tàn tật, 15 trẻ em mồ côi, 10 trường hợp không nơi nương tựa, còn lại là hộ nghèo. Thông cảm và thấu hiểu mỗi hoàn cảnh, thực hiện lời dạy của Bác Hồ với Hội Hồng thập tự: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ. Không được có thái độ hách dịch, ban ơn”. Để làm tốt công tác giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bà Mai luôn suy nghĩ phải có nhiều phương pháp tuyên truyền, vận động để xây dựng quỹ nhân đạo, công tác cứu trợ phải kịp thời. Trước đây cứ vào dịp “tháng 3 ngày 8” hay dịp đón tết Nguyên đán… bà Mai cùng các đồng chí trong ban chấp hành hội tính toán sao cho các đối tượng đều được tặng quà lúc “giáp hạt” để các đối tượng bớt đi khó khăn, Tết cổ truyền dân tộc dù trời mưa phùn, gió bấc bà Mai cùng các đồng chí trong hội CTĐ vẫn đội mưa đi tặng quà, không để gia đình nào không có tết. Với những đối tượng đặc biệt khó khăn bà luôn trăn trở sao cho giúp họ được nhiều nhất. Như trường hợp ông Đỗ Văn Đạt thôn Tuấn Dị có con là Đỗ Thị Thảo là nạn nhân chất độc da cam. Gia đình ông đã được nhận tiền hỗ trợ xây nhà tình thương và hàng năm đều được tặng quà. Ông xúc động nói: “ Được sự quan tâm của Hội, gia đình tôi không những được hỗ trợ tiền xây nhà cho cháu mà còn được tặng xe lăn, từ đó đã động viên gia đình tôi vươn lên trong cuộc sống”

Bà Nguyễn Thị Phụ, năm nay hơn 80 tuổi- trường hợp khó khăn thôn Ngọc lịch, thường xuyên nhận được sự quan tâm của Hội CTĐ, bà cảm động nói: “ Gia đình tôi rất khó khăn, được Hội CTĐ thường xuyên tặng quà đã giúp tôi thêm nhiều sức khỏe, tăng tuổi thọ”

Cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, trên địa bàn xã có nhiều công ty doanh nghiệp, số hộ giàu tăng lên; nhiều con em địa phương Trưng Trắc trưởng thành ở các tỉnh, thành phố. Bà Mai thấy được những thuận lợi đó để vận động các nhà hảo tâm xây dựng quĩ Hội mỗi năm được nhiều hơn; việc xây dựng quĩ không chỉ trông chờ vào sự quan tâm của cấp trên mà phải biết phát huy tối đa nguồn lực địa phương. Cùng với tuyên truyền vận động các công ty doanh nghiệp, các hộ giàu, hộ kinh doanh ở địa phương, phải khéo léo qua các mối quan hệ trong công tác, họ hàng… vận động những người con xã Trưng Trắc công tác ở mọi miền Tổ quốc, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân các nơi cùng góp phần làm công tác từ thiện tại quê hương. Trong công tác vận động này bà Mai đã có bề dầy kinh nghiệm vận động được nhiều các nhà hảo tâm cho công tác CTĐ. Tính riêng trong 5 năm qua, hội CTĐ xã Trưng Trắc đã tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ nhân đạo được trên 250 triệu đồng, hỗ trợ 748 lượt đối tượng dễ bị tổn thương. Hội đã tiếp nhận ủng hộ của Hội CCB thành phố Hà Nội 50 xuất quà trị giá 15 triệu đồng, công ty Truyền thông đa phương tiện A&T Hà Nội 50 xuất quà trị giá 15 triệu đồng, công ty Traphaco 50 xuất quà trị giá 15 triệu đồng; Đoàn thanh niên ngân hàng chính sách Việt Nam ủng hộ 60 xuất quà trị giá 42 triệu đồng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tặng 70 xuất quà trị giá 35 triệu đồng. Đặc biệt năm 2014 hội CTĐ xã Trưng Trắc được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về tặng 30 xuất quà cho các đối tượng khó khăn trị giá 90 triệu đồng. Có được vinh dự ấy bà Mai cho biết: “Qua các mối quan hệ, tôi đã viết thư ngỏ với bà Nguyễn Thị Doan nói về những khó khăn ở xã và một vài kết quả của Hội CTĐ xã đã làm được, nguyện vọng của hội là muốn được Phó chủ tịch nước về thăm, tặng quà. Khi được tin Phó chủ tịch nước nhất trí về xã tặng quà, tôi rất vui mừng, còn các đồng chí lãnh đạo địa phương cũng không ngờ có được vinh dự ấy”

Các đối tượng CTĐ không chỉ được tặng quà mà 7 trường hợp khó khăn ở xã Trưng Trắc được hỗ trợ xây nhà tình thương. Có thể nói, các đối tượng gia đình nghèo, tàn tật, nạn nhân chất độc da cam … ở Trưng Trắc được quan tâm chu đáo. Nhiều hộ đã vươn lên hoà nhập tốt với quê hương. Có được sự quan tâm ấy trước hết phải nói tới tinh thần trách nhiệm với công việc được giao của chủ tịch Hội CTĐ Nguyễn Thị Mai, tiếp đó là tinh thần đoàn kết của các đồng chí trong Ban chấp hành Hội CTĐ Trưng Trắc. Tôi hỏi, với suy nghĩ về trách nhiệm, tình cảm của bà với các đối tượng như thế nào mà đạt được kết quả như vậy, bà Mai nói: “ Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, xuất phát từ tình thương yêu giai cấp, để công tác cứu trợ nhân đạo đạt hiệu quả cao chúng tôi xây dựng kế hoạch hàng tháng, hàng quý để tuyên truyền vận động các nhà hảo tâm không chỉ trên địa bàn xã mà phải không ngừng mở rộng việc vận động các nhà hảo tâm ở các nơi để việc xây dựng quỹ nhân đạo được tăng lên nhằm giúp đỡ các đối tượng được nhiều nhất”

Giường như với mỗi đối tượng của Hội được tặng quà, giúp họ vơi đi khó khăn lại đem lại niềm vui cho bà Mai. Đúng như Đức Phật đã răn dạy: "Gieo lòng tốt, gặt thân thiện; Gieo yêu thương, gặt hòa thuận". Điều đó góp phần giúp cho bà Mai trẻ hơn so với tuổi của bà hiện nay.

Nhiệt tình, năng nổ trong công tác Hội, luôn hòa đồng với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp trong công tác, bà Mai luôn được người dân Trưng Trắc yêu mến và kính trọng. Bằng những phấn đấu, nỗ lực của bản thân trong lãnh đạo phong trào nhiều năm qua. Từ những kết quả của Hội CTĐ xã Trưng Trắc và quá trình tham gia công tác, bà Mai được tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp hội từ Trung ương đến Tỉnh, Huyện về công tác Chữ thập đỏ và nhiều công tác khác. Đó là 2 bằng khen của Trung ương hội CTĐ Việt Nam, 2 bằng khen của UBND Tỉnh, 2 giấy khen của Hội CTĐ Tỉnh, 25 giấy khen của huyện; 2 bằng khen của Hội LHPN Tỉnh. Huy chương vì sự nghiệp nhân đạo,  huy chương vì sự nghiệp Phụ nữ, kỷ niệm chương về công tác Dân vận…  Nói về tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công việc được giao, đồng chí Nguyễn Chí Hướng, Bí thư Đảng ủy cho biết: “Trong những năm qua, bà Mai là người có cái tâm, cái tầm cho công tác hội. Trong việc tuyên truyền vận động quỹ nhân đạo bà đã vận động được nhiều nhà hảo tâm ở Hà Nội. Vận động được quĩ bao nhiêu thì hội lại giúp đỡ đối tượng của hội bấy nhiêu và rất công khai, dân chủ. Mặc dù tuổi cao nhưng bà có sức khỏe tốt. Do đó, Ban thường vụ Đảng ủy chúng tôi tiếp tục giao nhiệm vụ chủ tịch Hội CTĐ cho bà nhiệm kỳ (2016-2021)”.

Không chỉ giỏi công việc xã hội, ở gia đình bà Mai còn là người dâu hiền, người mẹ mẫu mực. Vừa tham gia công tác xã hội, bà vừa tích cực sản xuất nông nghiệp. Mặc dù chồng mất sớm nhưng bà đã vượt qua khó khăn nuôi các con trưởng thành, chăm sóc mẹ chồng thượng thọ 105 tuổi.

Có thể nói, một người phụ nữ như bà Mai thật là: “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, một người giàu tình thương, giàu lòng nhân ái và. Mặc dù nghỉ hưu 10 năm nhưng bà vẫn được tín nhiệm làm chủ tich Hội CTĐ. Làm hết nhiệm kỳ này bà có 30 năm gắn bó với công tác nhân đạo; như vậy gần như cả cuộc đời gắn bó với công tác, từ thiện. Xã hội ta cần lắm những con người như thế. Bà là tấm gương điển hình trong hoạt động nhân đạo để người dân học tập và noi theo.

Trong sự phát triển của kinh tế thị trường hiện nay, khoảng cách giàu-nghèo càng rõ rệt hơn, do đó còn nhiều hoàn cảnh rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Phát huy truyền thống của dân tộc: “ thương người như thể thương thân”  “ lá lành đùm lá rách” chúng ta cần tuyên truyền để nhiều người học tập bà Mai làm nhiều việc từ thiện hơn, nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp nhân đạo của tỉnh.

Cao Văn Khởi

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN