Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ động trong vai trò “bà đỡ” tiêu thụ nông sản

Thứ Sáu, 18/06/2021 10:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những động thái tích cực từ phía tỉnh Bắc Giang khi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy mạnh tiêu thụ quả vải cho nông dân giúp chúng ta thêm tin tưởng rằng, vùng đất vốn đang bị khó khăn vì dịch COVID-19 sẽ vượt qua nguy cơ thâm hụt về kinh tế. Thực tế minh chứng, khi công tác này được làm tốt, sẽ vừa ích nước, vừa lợi nhà!

Ngoài thị trường Nhật Bản, quả vải thiều Bắc Giang cũng đã xuất hiện trong hệ thống bán lẻ tại các quốc gia như: Pháp, Trung Quốc, Australia và Singapore… (Ảnh: M.P) 

Mới đây, quả vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) xuất khẩu sang Vương quốc Bỉ có giá trị lớn và được người tiêu dùng ở đây rất quan tâm. Sản phẩm xuất khẩu này của Hải Dương và Bắc Giang với những thông tin đáng phấn khởi từ một số nước châu Âu và Nhật Bản là tín hiệu đáng mừng của nông sản Việt Nam trong quá trình tiếp cận.

Trước đó, ngày 26/5, 20 tấn vải thiều sớm của huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã lên đường sang Nhật Bản. Đây là chuyến vải thiều đầu tiên của tỉnh Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường này trong vụ thu hoạch năm nay. Chưa đầy một ngày sau đó, lô vải thiều trên đã có mặt trên kệ của các siêu thị và hệ thống phân phối ở nhiều TP lớn của Nhật Bản như Osaka, Tokyo và tiêu thụ hết.

Và nhiều ngày qua, những lô vải thiều tươi của Việt Nam đã được đưa vào hệ thống các siêu thị AEON tỉnh Kagoshima (Nhật Bản) trong khuôn khổ chương trình Tuần hàng Việt Nam tại AEON Kagoshima diễn ra trong tuần đầu tháng 6/2021. Vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật Bản nếu không được chế biến thành hộp quà với giá 1 triệu đồng, thì sẽ có giá bán vo khoảng 1.650 YEN/kg, tức hơn 350.000/đồng/kg, khá cao nếu so giá bán trong nước.

Ngoài thị trường Nhật Bản, quả vải thiều Bắc Giang cũng đã xuất hiện trong hệ thống bán lẻ tại các quốc gia như: Pháp, Trung Quốc, Australia và Singapore…

Riêng đối với thị trường trong nước, từ đầu năm đến nay, lãnh đạo các tỉnh, TP trong cả nước cũng đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021. Hệ thống nông sản được xuất khẩu một cách chuyên nghiệp đã giúp cho người dân hết cảnh được mùa nhưng mất giá. Như vậy, những sản phẩm xuất khẩu có chất lượng tốt đương nhiên sẽ đem lại thu nhập có thể giúp thay đổi bộ mặt của những vùng nông thôn vốn còn nhiều khó khăn.

Gần đây, những chương trình “giải cứu” nông sản ở Thủ đô đã dần hạ nhiệt bởi nhiều lý do. Cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau về cái cách người ta gọi là “giải cứu”, nhất là thông tin từ vùng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang. Bởi thực tế, ở vùng đất có doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng chỉ từ cây vải thì hoạt động mua bán vải diễn ra nhộn nhịp tại đây trong suốt những ngày qua cho thấy mặt hàng này vẫn đang có đầu ra ổn định.

Bây giờ, nhiều loại cây trái trong nước đang vào mùa thu hoạch với diện tích chuyên canh lớn. Tất yếu sẽ có lúc số lượng bị vượt quá nhu cầu tiêu thụ. Khi ấy, bài toán để tiêu thụ sản phẩm vượt quá khả năng của những người nông dân chỉ quen cấy hái, nuôi trồng.

Những động thái tích cực từ phía tỉnh Bắc Giang khi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy mạnh tiêu thụ quả vải cho nông dân giúp chúng ta thêm tin tưởng rằng, vùng đất vốn đang bị khó khăn vì dịch COVID-19 sẽ vượt qua nguy cơ thâm hụt về kinh tế. Tập trung vào phát triển loại cây thế mạnh, cùng với đó là tìm đầu ra cho nông sản thật sự sẽ khiến cho người nông dân ở vùng đất bán sơn địa này sớm "thay da đổi thịt".

Sẽ còn nhiều loại hoa quả nữa vào mùa thu hoạch. Và sẽ còn nhiều công cuộc “giải cứu” nếu như người nông dân vẫn phải tự mình tìm hướng đi cho tiêu thụ sản phẩm. Một chiếc xe tải của mỗi người dân đem về thành phố không thể tiêu thụ hết được nông sản của cả vùng chuyên canh. Việc hỗ trợ người nông dân nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung nhất là trong bối cảnh dịch bệnh sẽ chỉ thành công nếu như tất cả sản phẩm được đưa đi tiêu thụ trên khắp các hệ thống chợ, siêu thị và nhiều cơ quan công sở… theo cách như Bắc Giang đã làm với quả vải thiều.

Điều này cho thấy vai trò “bà đỡ” của Nhà nước đối với việc chủ động đề ra phương hướng, cách thức hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là đúng đắn, cần thiết và đặc biệt quan trọng. Thực tế cũng đã chứng minh, khi công tác này được làm tốt, làm tích cực và chủ động thì kết quả có được sẽ vừa ích nước, vừa lợi nhà!

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN