Chủ động triển khai biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm
(ĐCSVN) – Thời gian qua, ngành y tế địa phương đã tích cực điều trị nhiều ca bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân như: Điều trị, cắt bỏ khối u nặng gần 1kg cho nữ bệnh nhân 57 tuổi, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm…
Bác sĩ điều trị u não cho bệnh nhân. |
Bạc Liêu: Cắt bỏ khối u nặng gần 1kg cho nữ bệnh nhân 57 tuổi
Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật thành công loại bỏ khối u nặng 900 gram cho bà V.T.X.T (57 tuổi, ngụ ấp Khúc Tréo A, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu).
Bà V.T.X.T đến khám tại Bệnh viện Thanh Vũ trong tình trạng đau bụng nhiều, ra huyết bất thường. Bà T có tiền sử đã từng mổ ruột thừa và mổ viêm xoang, bệnh lý nền tăng huyết áp đã 12 năm. Gần đây bệnh nhân đau bụng nhiều, uống thuốc giảm đau không khỏi, nên nhập viện điều trị.
Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Vũ cho biết, qua thăm khám và kết quả cận lâm sàng, người bệnh được chẩn đoán đa nhân xơ tử cung to, thiếu máu mức độ trung bình, tăng huyết áp. Người bệnh được chỉ định truyền 2 đơn vị hồng cầu lắng O+, sử dụng thuốc hạ huyết áp.
Sau truyền máu, bà T được phẫu thuật cắt toàn phần tử cung và 2 phần phụ, loại bỏ khối u nặng 900 gram có nhiều nhân xơ.
Ca phẫu thuật hoàn thành trong 2 giờ. Hiện sức khỏe bà T đã ổn định, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Thủy thông tin thêm, u xơ tử cung là khối u lành tính thường gặp ở phụ nữ từ 35 - 50 tuổi. Kích thước khối u tăng nhanh hay chậm phụ thuộc vào cơ địa, nội tiết và kinh nguyệt của phụ nữ, nếu không can thiệp kịp thời sẽ đè vào các tạng xung quanh, gây những biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết, thiếu máu nặng, thận ứ nước, nhiễm trùng đường tiết niệu, táo bón kéo dài, trĩ… dẫn đến nguy cơ ung thư hóa khối u, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, phụ nữ nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát, siêu âm, khám phụ khoa ít nhất 3-6 tháng/lần, sớm phát hiện u xơ tử cung cũng như những bệnh lý khác để điều trị kịp thời.
Khối u được lấy ra sau khi phẫu thuật |
Bình Thuận: Ghi nhận một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, địa phương vừa ghi nhận một bệnh nhân tử vong nghi do bệnh dại. Đáng chú ý, qua điều tra dịch tễ, chưa ghi nhận bệnh nhân có dấu hiệu bị chó, mèo cắn, cào.
Bệnh nhân là anh Nguyễn Duy T. (sinh năm 1992) ở khu phố Lập Hòa, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam.
Ngày 27/3, bệnh nhân đau, sưng bộ phận sinh dục, sốt nhẹ. Sau đó, bệnh nhân đến khám bệnh tại một số bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 29/3, bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh với triệu chứng khó thở khi nhìn ánh sáng và quạt gió đang mở. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân có dấu hiệu khó thở nặng hơn. Tại đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh chẩn đoán bệnh dại, tiên lượng nặng. Ngày 30/3, người nhà xin ra viện và bệnh nhân tử vong sau đó.
Sau khi ghi nhận trường hợp này, Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam tiến hành điều tra dịch tễ. Vợ bệnh nhân khẳng định, chồng không bị chó cắn vì là người rất cẩn thận, nếu bị chó cắn, cào sẽ đi tiêm ngừa ngay. Tại nhà bệnh nhân có nuôi 7 con chó. Hằng ngày, bệnh nhân đều cho chó ăn nên chưa xác định khả năng bệnh nhân bị chó cào nhẹ hoặc liếm nhưng không hay biết. Dịp Tết Nguyên đán, 4 con chó của gia đình bị chết, không rõ lý do, 3 con còn lại vẫn sống, bình thường.
Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam đã điều tra, lập danh sách trường hợp tiếp xúc bệnh nhân nghi dại. Đồng thời, Trung tâm phối hợp Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ Nông nghiệp huyện theo dõi, giám sát và xử lý ổ bệnh dại trên người, động vật.
Ngành Y tế địa phương khẩn trương triển khai hướng dẫn người nhà sát trùng; tư vấn điều trị dự phòng bệnh dại đối với trường hợp tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân; tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh dại tại địa phương…
Hà Nội: Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị.
Phân tích nguyên nhân các vụ ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm cho rằng, trước hết do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động, thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách.
Cùng với đó, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch…
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 tới.
Trong đó, cần chú ý ngộ độc do nấm độc vào mùa Xuân Hè, ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên (nhất là các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên); chú ý ngộ độc do các loại thủy, hải sản có chứa độc tố tự nhiên như cá nóc, so biển, ốc biển lạ (nhất là các tỉnh/thành phố ven biển). Đặc biệt chú ý đối tượng là đồng bào vùng ven biển, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.